Thứ Ba, 06/08/2019, 18:29 (GMT+7)
.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mang lại kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ.

 Một số giống cây trồng mới được Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu cho nông dân.
Một số giống cây trồng mới được Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu cho nông dân.

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, bước đầu đã mang lại một số kết quả quan trọng.

Theo đó, kết quả thực hiện trong những tháng qua của năm 2019 cho thấy, trên nhiều lĩnh vực của ngành Nông nghiệp, nhờ ứng dụng CNC đã mang lại hiệu quả tích cực.

Trong đó, công tác lai tạo giống, mới đây được ngành Nông nghiệp thực hiện khảo nghiệm xong đối với một số giống lúa tại 4 điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 1 điểm tại miền Đông Nam bộ và hiện đang theo dõi báo cáo kết quả khảo nghiệm.

Đối với các giống và các dòng được trồng thử nghiệm tại Trại giống lúa Vĩnh Hựu hiện đã thu hoạch và đang tổng hợp kết quả để chọn lọc các giống ưu tú, phục vụ cho sản xuất trong thời gian tới.

Cùng với đó, một trong những lợi thế của tỉnh là cây ăn trái. Do đó, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng và công tác khai thác, chăm sóc, bảo tồn các cây đầu dòng. Hiện các cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng tiếp tục triển khai thực hiện 20 mô hình quản lý dịch bệnh nguy hại trên cây vú sữa, cây mãng cầu Xiêm và cây thanh long ở các huyện: Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Cai Lậy, Châu Thành, Cái Bè, Chợ Gạo và Tân Phước.

Vừa qua, trên lĩnh vực chăn nuôi, thú y, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn cho 9 tổ chức, cá nhân tại các huyện Cai Lậy, Chợ Gạo và TX. Cai Lậy thực hiện chăn nuôi theo VietGAP. Trên địa bàn tỉnh, hiện có 10 tổ chức, cá nhân đạt chứng nhận VietGAP trên lĩnh vực chăn nuôi.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường về “Chuyển giao nhân rộng kết quả xử lý phân gà trước khi thu gom; bổ sung acid hữu cơ, chế phẩm sinh học trong thức ăn chăn nuôi heo” cho 60 hộ chăn nuôi; đồng thời, tham gia thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam bộ” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự kiến triển khai thực hiện trong 3 năm từ 2019 - 2021 tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.

Ngành Nông nghiệp cũng tập trung đưa vào ứng dụng CNC trong quản lý, giám sát tàu cá trên biển. Thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngành Nông nghiệp đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 272 tàu cá được trang bị máy VX 1700 (máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS); phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình thực hiện lắp đặt và thử nghiệm 14 thiết bị trên các tàu cá của tỉnh.

Đến nay, tổng số tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 18 tàu (3 tàu lắp đặt Movimar và 15 tàu lắp đặt thiết bị khác).

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng được tập trung thực hiện như: Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC”, hiện đang lập kế hoạch mua sắm máy móc, thiết bị CNC phục vụ công tác triển khai thực hiện dự án; Dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng CNC”, đến nay đã tổ chức Hội nghị triển khai dự án và hiện đang xem xét, phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện dự án; tiếp tục triển khai Dự án thí điểm khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang...

Theo đánh giá chung, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới liên tục được triển khai và truyền thông rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; quy trình thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi bền vững, ứng dụng công nghệ, nhất là CNC vào sản xuất ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quy mô thực hiện mô hình ứng dụng CNC vẫn còn nhỏ lẻ, chiếm tỷ lệ chưa cao so với diện tích sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa mạnh dạn đầu tư vì chi phí đầu tư cao, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ...                                   

   A.P

.
.
Liên kết hữu ích
.