Thứ Hai, 09/11/2020, 09:45 (GMT+7)
.

Canh tác lúa cải tiến để nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường

Tiền Giang là 1 trong 13 tỉnh, thành trên cả nước tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2015 đến nay. Mục tiêu của dự án là tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa, giảm tác động tiêu cực của nghề trồng lúa tới môi trường.

Tại Tiền Giang, Dự án VnSAT được triển khai tại 3 huyện, thị gồm: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy với tổng diện tích vùng dự án khoảng 27.200 ha. Số hộ tham gia và hưởng lợi từ dự án trên 41.000 hộ. Ngay sau khi khởi động Dự án VnSAT, UBND tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện dự án, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang thực hiện triển khai dự án. Các ngành chức năng của tỉnh, địa phương vào cuộc quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã và đang làm chuyển biến mạnh mẽ về tư duy sản xuất của nông dân theo hướng bền vững, từng bước góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa - gạo.

QUY TRÌNH CANH TÁC LÚA TIÊN TIẾN

Với mục tiêu đảm bảo tất cả các hộ nông dân vùng dự án đều được trang bị kiến thức và kỹ năng canh tác lúa bền vững, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Sau gần 5 năm thực hiện dự án, tỉnh đã triển khai được 1.331 lớp đào tạo “3 giảm 3 tăng” (3G3T) và “1 phải 5 giảm” (1P5G), với gần 53.000 lượt nông dân tham dự.

Hội nghị triển khai Dự án VnSAT tại Tiền Giang.
Hội nghị triển khai Dự án VnSAT tại Tiền Giang.

Đồng thời, triển khai 32 mô hình trình diễn ứng dụng mô hình canh tác 3G3T, 1P5G, nhân giống lúa xác nhận trong sản xuất lúa. Nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang Cao Văn Hóa cho biết: “Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang luôn bám sát mục tiêu của dự án và có sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện theo đặc thù của từng địa phương để đạt tỷ lệ hộ áp dụng cao nhất. Đồng thời, mở rộng số hộ nông dân được đào tạo nhằm tăng số hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án”.

Tính đến cuối năm 2019, đã có 84% số hộ trong vùng Dự án VnSAT của tỉnh đạt cả 4 tiêu chí. Về sử dụng giống, hầu hết các hộ nông dân trong vùng dự án đều sử dụng giống cấp xác nhận; có khoảng 84% số hộ sử dụng lượng giống từ 80 - 100 kg/ha. Qua đó, hầu hết các hộ đã có ý thức về tiêu chí giảm lượng giống để giảm sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả.

Về sử dụng phân đạm, tất cả hộ nông dân đều bón đạm ở mức khuyến cáo, dao động từ 60 - 120 kg đạm/ ha, đạt tiêu chí của dự án. Về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), bình quân sử dụng khoảng 3,47 lần/vụ, giảm từ 2 đến 3 lần/vụ sản xuất. Về ghi chép nhật ký sản xuất, hầu hết các hộ đều ghi chép sổ nhật ký đầy đủ.

Là thành viên của Hợp tác xã Hậu Mỹ Trinh, nông dân Lê Văn Bân (ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) cho biết, sau khi được tham gia các lớp đào tạo về canh tác lúa tiên tiến, ông mạnh dạn về áp dụng trên 1 ha sản xuất lúa của gia đình. Ông giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chí “4 đúng” như hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp; đồng thời, ghi chép sổ nhật ký sản xuất rất chi tiết, cẩn thận.

Cuối vụ, tổng kết lại, gia đình ông giảm được 50 kg giống tương đương 750 ngàn đồng; giảm 50 kg phân đạm tương đương 400 ngàn đồng; giảm được 1 lần phun thuốc trừ sâu cuốn lá trước 40 ngày sau sạ và 1 lần phun thuốc ngừa đạo ôn tương đương với 350 ngàn đồng.

Như vậy, mỗi ha lúa, gia đình ông tiết kiệm được 1,5 triệu đồng, còn tiết kiệm được công phun xịt thuốc. Thêm vào đó, là một thành viên trong hợp tác xã vùng Dự án VnSAT, lúa của gia đình ông canh tác theo quy trình an toàn, không chứa dư lượng thuốc BVTV. Hạt lúa được sạ thưa cũng sáng, bóng, mẩy nên giá bán cao hơn từ 200 - 300 đồng/kg.

Để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hạt gạo, Tiền Giang đã xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản và lúa thơm, lúa chất lượng cao. Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển theo hướng tích cực. Các giống lúa thơm, lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng tăng. Các giống lúa chất lượng cao như OM6976, OM6162, OM5451 chiếm 26,5%; giống lúa thơm như Nàng hoa 9, Đài thơm 8, Jasmin 85… chiếm 53%; giống lúa thường IR50404, OM576 chỉ còn chiếm 17,2%.

LIÊN KẾT CHUỖI GIÁ TRỊ LÚA - GẠO

Cùng với việc đi sâu vào chất lượng, để giải bài toán tiêu thụ, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hình thành liên kết chuỗi giá trị lúa - gạo: Nông dân liên kết với nhau theo mô hình hợp tác xã để sản xuất tập trung theo Cánh đồng lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Mô hình trình diễn sản xuất lúa “1P5G” thuộc Dự án VnSAT tại Tiền Giang.
Mô hình trình diễn sản xuất lúa “1P5G” thuộc Dự án VnSAT tại Tiền Giang.

Mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu với số lượng và chất lượng ổn định, mà còn giúp nông dân giảm vốn đầu tư ban đầu, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt lúa, nâng cao thu nhập. Trong vùng dự án đã có 15 tổ chức nông dân/hợp tác xã tham gia Cánh đồng liên kết với diện tích 4.640 ha lúa được ký hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp.

Mấy năm trở lại đây, ông Nguyễn Văn Nghĩa và nhiều hộ dân là thành viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã liên kết hình thành mô hình Cánh đồng liên kết sản xuất giống lúa đặc sản ST24 theo đơn đặt hàng của Doanh nghiệp tư nhân Phước Lộc Thiên Hộ.

Ông Nghĩa cho biết: “Tham gia mô hình, bà con sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; được doanh nghiệp cung cấp đầu vào từ giống, phân bón, thuốc BVTV không tính lời nên giá vật tư nông nghiệp được giảm xuống.

Mô hình Cánh đồng liên kết được bao tiêu của doanh nghiệp đã giúp thành viên nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất, đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%”. Hiệu quả từ thay đổi tư duy sản xuất lúa - gạo phần nào có thể nhìn thấy từ con số tăng trưởng xuất khẩu về sản lượng và giá trị. Nhưng hơn hết chính từ mức tăng lợi nhuận, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng lúa, là sự thay đổi thành công tập quán canh tác, tư duy sản xuất của nông dân tỉnh Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung... Ðó sẽ là tiền đề để ngành Nông nghiệp Việt Nam tiến tới nền sản xuất lúa - gạo hàng hóa phát triển bền vững và cho giá trị gia tăng cao nhất.

Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang

.
.
.