Thứ Sáu, 13/11/2020, 13:46 (GMT+7)
.
KỸ SƯ TRẦN VĂN BẠC:

Nhân giống thành công chim giang sen trong điều kiện nuôi bán hoang dã

Kỹ sư Trần Văn Bạc, công tác tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã nhân giống thành công chim giang sen trong điều kiện nuôi bán hoang dã. Đề tài nghiên cứu này của anh Bạc đã được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019) và Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Loài chim Giang sen được kỹ sư Trần Văn Bạc nghiên cứu  nhân giống thành công trong điều kiện nuôi bán hoang dã.
Loài chim Giang sen được kỹ sư Trần Văn Bạc nghiên cứu nhân giống thành công trong điều kiện nuôi bán hoang dã.

Anh Bạc bắt tay vào thực hiện Đề tài nghiên cứu “Nhân giống chim giang sen trong điều kiện bán hoang dã” từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2017. Anh đã theo dõi để xác định mùa sinh sản của chim giang sen; đồng thời, thay thế thức ăn của chim từ cá chết bằng cá sống (cá được thả dưới hồ để chim tự do bắt ăn). Anh còn bổ sung thêm các nhánh cây khô của các loại cây như tràm, tre, keo gai… để đàn chim Giang sen bố mẹ có điều kiện làm tổ sinh sản.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là từ 12 cá thể chim giang sen trưởng thành ban đầu, anh Bạc đã cho sinh sản thành công 7 tổ chim với 14 cá thể chim non, trong đó số lượng sống đến trưởng thành là 11 con. Kết quả nghiên cứu này có thể thử nghiệm trên các loài chim khác như điên điển, già đãi, diệc xám, diệc lửa… do những loài chim này có tập tính, trọng lượng tương đồng với chim giang sen.

Anh Bạc cho biết, chim giang sen thuộc nhóm IIB, được Nhà nước ưu tiên bảo vệ do số lượng của chúng ngoài môi trường tự nhiên rất ít, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc cho chim giang sen sinh sản trong điều kiện nuôi bán hoang dã là hoàn toàn mới, chưa có cá nhân hay tổ chức nào thực hiện thành công. Đây là giải pháp đáp ứng được nhu cầu bảo tồn bền vững loài chim quý hiếm này.

Theo đó, Đề tài “Nhân giống chim giang sen trong điều kiện bán hoang dã” có thể áp dụng tại các khu bảo tồn, các vườn thú, vườn quốc gia, trung tâm cứu hộ hoặc các tổ chức và cá nhân khi đã có đàn chim giang sen bố mẹ.

Kỹ sư Trần Văn Bạc (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Kỹ sư Trần Văn Bạc (thứ 3 từ trái sang) nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo anh Bạc, điều kiện nuôi chim giang sen khá đơn giản, chuồng nuôi chỉ cần có khoảng không gian đủ rộng để chim bay, trồng cây xanh (để chim làm tổ), có hồ nước vừa phải để thả cá sống (cho chim ăn), vật liệu làm tổ phù hợp. Việc chăm sóc chim giang sen chỉ cần thả cá cho chim ăn, chú ý mùa sinh sản kiếm các cây khô như chổi đực, tre, trúc, tràm rừng… để sẵn cho chúng tự gấp làm tổ.

Điều quan trọng phải tạo cảm giác an toàn cho đàn chim (tránh gây xáo trộn), có như vậy chúng mới yên tâm cho việc bắt cặp và sinh sản. Hiệu quả khi chim giang sen sinh sản mang lại rất cao, nhất là giá trị về công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc nhân giống thành công chim giang sen trong điều kiện bán hoang dã đã góp phần quan trọng vào thực hiện công tác bảo tồn bền vững loài chim nước lớn như loài giang sen nằm trong sách đỏ Việt Nam, cũng như đóng góp vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Đây là sáng kiến mới cần được triển khai đến các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh có nuôi loài chim giang sen để tận dụng đàn bố mẹ hiện có nhằm nhân lên nhanh về số lượng, đáp ứng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

THIÊN LÝ

.
.
.