Thứ Tư, 05/05/2021, 20:07 (GMT+7)
.

Khơi nguồn sáng tạo cho giới trí thức và người lao động

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội thi) sau nhiều năm tổ chức đã thật sự khơi nguồn sáng tạo với nhiều sản phẩm đã đi vào cuộc sống và thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Nói về Hội thi, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội thi lần thứ XIV, năm 2020 - 2021 Nguyễn Văn Re cho biết:

 

Sau 14 lần tổ chức, Hội thi đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của người lao động và trí thức. Hội thi không những thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, sáng tạo của người dân trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, mà còn áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, đời sống - xã hội, góp phần giải quyết một số vấn đề kinh tế, kỹ thuật quan trọng của địa phương.

* Phóng viên (PV): Hiệu quả của việc ứng dụng một số giải pháp đoạt giải Hội thi vào sản xuất và đời sống của người dân như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Re: Cụ thể, Hội thi lần thứ XIII đã có 13 giải pháp đoạt giải cao (Nhất, Nhì, Ba), có 4 giải pháp là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 3 giải pháp là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và 9 giải pháp là kết quả lao động sáng tạo và nghiên cứu của các tác giả xuất phát từ thực tế sản xuất, đời sống và được ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: Giải pháp “Máy cuốn rơm tự hành” của kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tư Sang (huyện Cái Bè) đã được thị trường chấp nhận, 5 năm qua đã bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hay giải pháp “Máy đắp bờ và máy đào rãnh nước” của tác giả Dương Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè), từ khi đoạt giải Hội thi của tỉnh (năm 2017 và năm 2019) đã tiêu thụ trên thị trường trên 100 sản phẩm.

Còn giải pháp “Máy bẻ tay dê tự động” của Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) phục vụ cho ngành xây dựng đã được thị trường trong tỉnh và khu vực ưa chuộng, khách hàng đặt mua trên 30 máy/năm. Giải pháp “Máy cưa CD tự động và máy mài lưỡi cưa tự động” của tác giả Phạm Hồng Thơm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí và tự động hóa Tân Phước Đông (huyện Tân Phú Đông) phục vụ cho việc cưa xẻ gỗ tự động thay thế thủ công, hằng năm cũng đã bán ra thị trường hơn 20 máy.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng với “Máy bẻ tay dê tự động”.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng với “Máy bẻ tay dê tự động”.

Nhiều giải pháp đoạt giải trong các Hội thi trước được ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: Hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tưới theo yêu cầu sinh lý của cây trồng và nhiều giải pháp về chọn giống, lai tạo giống, biện pháp canh tác và chế biến nông sản theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng đã được nhân rộng phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân trong tỉnh.

* PV: Thưa đồng chí, nội dung Hội thi năm nay có gì mới và khác so với những năm trước?

* Đồng chí Nguyễn Văn Re: Hội thi những năm trước thu hút các giải pháp sáng tạo: Công nghệ thông tin, điện, điện tử, viễn thông; cơ khí - tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; nông - lâm - ngư nghiệp, tài nguyên môi trường; y dược; giáo dục và đào tạo; lĩnh vực khác (công nghệ sinh học, vật liệu...). Năm nay, Hội thi thu hút các giải pháp về năng lượng mới, vật liệu mới và bảo vệ môi trường thay thế các lĩnh vực khác trước kia nhằm cụ thể hóa đầy đủ các lĩnh vực để các tác giả dễ tham gia.

Giá trị các giải thưởng được Bộ Tài chính quy định và HĐND tỉnh Tiền Giang cụ thể phù hợp với địa phương, cao gấp 2 lần so với trước đây nên phần nào đã kích thích các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội đăng ký tham gia. Cụ thể, các giải của Hội thi lần này tăng hơn gấp 2 lần so với Hội thi tổ chức lần đầu. Cụ thể, tiền thưởng cho giải Nhất là 30 triệu đồng, giải Nhì 24 triệu đồng, giải Ba 18 triệu đồng và mỗi giải Khuyến khích là 6 triệu đồng.

Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm đang vận hành giải pháp sáng chế “Robot gắp than tổ ong”.
Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm đang vận hành giải pháp sáng chế “Robot gắp than tổ ong”.

* PV: Việc triển khai Hội thi năm nay có những khó khăn và thuận lợi gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Văn Re: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Hội thi cũng như tiếp xúc với các tác giả có tiềm năng gặp nhiều khó khăn; một số hoạt động theo kế hoạch phải tạm dừng trong năm 2020. Tuy nhiên, Ban Tổ chức tìm mọi giải pháp tổ chức Hội thi theo kế hoạch nhưng đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch.

Hội thi năm nay cũng có thuận lợi là sau nhiều năm tổ chức, Hội thi luôn được lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân trong quan tâm, nhận biết mục tiêu, ý nghĩa và các hoạt động nên công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện dễ dàng.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ cấp tỉnh qua các phương tiện truyền thông đại chúng như Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền ở các huyện, thành, thị cho đến tận địa bàn xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều huyện còn giao chỉ tiêu cụ thể cho Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn vận động người dân và các doanh nghiệp tham gia Hội thi và xem xét bổ sung vào chỉ tiêu thi đua để khích lệ phong trào hằng năm.

Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động của Ban Tổ chức Hội thi cấp huyện xây dựng theo kế hoạch được Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổng hợp trình Sở Tài chính và Sở Khoa học và Công nghệ thông qua phân bổ theo kế hoạch đăng ký của cấp huyện nên địa phương có nhiều thuận lợi trong triển khai.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!

TUẤN LÂM (thực hiện)

Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2020 - 2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức.

ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
Công dân Việt Nam thuộc các lứa tuổi đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Tiền Giang được dự thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể.

THỜI GIAN NHẬN
HỒ SƠ DỰ THI
Đến hết tháng 6-2021

LĨNH VỰC DỰ THI
1. Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;
2. Cơ khí - Tự động hóa, Xây dựng và Giao thông vận tải;
3. Vật liệu, hóa chất, năng lượng;
4. Nông lâm ngư nghiệp, Tài nguyên và Môi trường;
5. Y dược;
6. Giáo dục - Đào tạo.

TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ
- Tính mới và sáng tạo.
- Khả năng áp dụng, sử dụng rộng rãi.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường.

GIẢI THƯỞNG
- 03 giải Nhất, mỗi giải trị giá 30.000.000 đồng
- 06 giải Nhì, mỗi giải trị giá 24.000.000 đồng
- 06 giải Ba, mỗi giải trị giá 18.000.000 đồng
- 30 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 6.000.000 đồng

THÔNG TIN VỀ HỘI THI VUI LÒNG LIÊN HỆ
- Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang
Số 27/9, đường Nguyễn An Ninh, phường 8, thành phố Mỹ Tho. Điện thoại: 0273.3970171
- Hoặc Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị, thành


 

 

.
.
Liên kết hữu ích
.