Thứ Hai, 23/08/2021, 09:43 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Số hóa thủ tục hành chính

Tiền Giang đang khẩn trương triển khai, thực hiện Quyết định 468 ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)”.

Các hoạt động đang được triển khai nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính (CCHC), nhất là việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

TIỆN LỢI, TIẾT KIỆM

CCHC là chủ trương lớn và là mục tiêu quan trọng của Tiền Giang trong chặng đường sắp tới. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Tấn Hiền, việc triển khai, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần khắc phục các TTHC rườm rà, chồng chéo.

Theo đó, bộ máy hành chính nói chung, bộ máy cung ứng dịch vụ hành chính công nói riêng được tinh giản, gọn nhẹ; đồng thời, khắc phục được trình trạng cán bộ lãnh đạo mất thời gian vào các công việc hành chính, không có thời gian dành cho những nhiệm vụ và chức năng quản lý khác; giảm dần việc cán bộ lãnh đạo phải tham gia trực tiếp giải quyết các công việc, sự vụ, khiếu kiện; khắc phục được tình trạng tùy tiện đặt ra và thu các loại phí…

Thực hiện mục tiêu chung, đến nay 19 sở, ban, ngành tỉnh; 11 huyện, thị, thành và 172 xã, phường, thị trấn đã kiện toàn lại Bộ phận Một cửa tại đơn vị. Việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí, có thể tra cứu theo dõi tình hình giải quyết hồ sơ dễ dàng, thuận tiện; lãnh đạo cơ quan dễ theo dõi tình hình giải quyết TTHC của đơn vị, kịp thời nhắc nhở đối với các hồ sơ có khả năng trễ hạn; công chức chuyên môn có thể phân bổ thời gian hợp lý để tham mưu giải quyết TTHC.

Qua đó, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; xây dựng mối quan hệ thân thiện, hòa nhã giữa công chức và nhân dân, tạo được lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ thực thi công vụ và bộ máy hành chính nhà nước, góp phần nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC.

Hiện tại, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đều sử dụng phần mềm Một cửa điện tử để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả (ảnh chụp tại Bộ phận “Một cửa” của UBND TX. Cai Lậy khi chưa bùng phát dịch Covid-19).
Hiện tại, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đều sử dụng phần mềm Một cửa điện tử để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả (ảnh chụp tại Bộ phận “Một cửa” của UBND TX. Cai Lậy khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Sau khi thực hiện TTHC, người dân, doanh nghiệp chia sẻ, sau khi thực hiện cơ chế “một cửa”, thái độ phục vụ của công chức tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC dần thay đổi, không còn tính cửa quyền, sách nhiễu như trước, luôn niềm nở đón tiếp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tận tình. Người dân cũng không phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi.

Đặc biệt, thời gian qua, việc cung ứng các dịch vụ hành chính được niêm yết công khai, quy định rõ ràng, giảm được chi phí, thời gian đi lại. người dân dần hài lòng với việc áp dụng cơ chế “một cửa” trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức, công dân tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Tiền Giang, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc về tổ chức, nhân sự, thẩm quyền và hoạt động tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ phận “một cửa”.

Đặc biệt, hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC còn nhiều hạn chế. Đó là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan đến việc giải quyết TTHC, nhất là các phần mềm chuyên ngành, ngành dọc không kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng Dịch vụ công tỉnh; việc điện tử hóa hồ sơ chưa được quan tâm thực hiện theo quy định, tỷ lệ hồ sơ được điện tử hóa còn thấp, chưa bảo đảm tỷ lệ theo quy định.

Mặt khác, hệ thống máy vi tính, máy in, scan của các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã được đầu tư nay đã xuống cấp nên việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC còn chậm, chưa kịp thời…

KHÔNG NGỪNG CHUYỂN ĐỔI

Nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC, Tiền Giang đang khẩn trương triển khai Quyết định 468 ngày 27-3-2021 của Thủ tướng Chính  phủ về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC”. Theo đó, ngày 17-6-2021 UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 155 triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC tập trung vào các nhiệm vụ như: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết, triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án; hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đăng ký doanh nghiệp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh phục vụ xác thực, định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ công dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp. 

Đồng thời, Tiền Giang cũng triển khai thực hiện và hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20%, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trong năm 2021.

Theo kế hoạch, năm 2022 Tiền Giang hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực tăng tối thiểu 20% đối với kết quả thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại 50% Bộ phận Một cửa cấp huyện và 30% Bộ phận Một cửa cấp xã; tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đó được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ và đáp ứng được yêu cầu; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa trung bình còn tối đa 30 phút/lần đến giao dịch.

Trong chặng đường từ năm 2023 - 2025, Tiền Giang dự kiến tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% đối với mỗi cấp hành chính cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các Bộ phận Một cửa thị xã, cấp xã theo tỷ lệ tăng mỗi năm tối thiểu 30% cho đến khi đạt 100%. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó), mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.

Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 50% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng; giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp trung bình còn tối đa 15 phút/lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/hồ sơ vào năm 2025.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiến hành rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai TTHC, kết quả giải quyết TTHC; triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ quan hành chính nhà nước và khả năng đảm nhận các nhiệm vụ này của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích...

LÊ PHƯƠNG

.
.
.