Thứ Bảy, 18/09/2021, 21:13 (GMT+7)
.

Thử nghiệm cây trồng chỉnh sửa gene giảm nguy cơ ung thư

Chính phủ Anh vừa cấp phép tiến hành một loạt các thử nghiệm đồng ruộng đối với lúa mỳ chỉnh sửa gene có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư. Đây là giống cây trồng chỉnh sửa gene đầu tiên được cấp phép thử nghiệm ở châu Âu, đánh dấu một bước đi đáng kể so với lập trường của EU về vấn đề này.

Giảm chất gây ung thư trong các thực phẩm từ lúa mì.
 Thử nghiệm đồng ruộng đối với lúa mỳ chỉnh sửa gene có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư.

Giảm chất gây ung thư trong các thực phẩm từ lúa mỳ

Mục đích của các thử nghiệm đồng ruộng là sản xuất lúa mỳ có hàm lượng axit amin asparagin tự nhiên thấp hơn – đây là chất có thể chuyển hóa thành chất gây ung thư acrylamide khi bánh mỳ được nướng. GS Nigel Halford, Trưởng dự án cho biết: “Kể từ khi được phát hiện có trong thực phẩm vào năm 2020, Acrylamide là một vấn đề rất đáng quan ngại đối với các nhà sản xuất”.

GS Nigel Halford cũng chỉ ra rằng, thực tế chất này gây ung thư trên các loài gặm nhấm và được cho là “có khả năng” gây ung thư ở người. Chất gây ung thư này cũng tồn tại trong các sản phẩm khác của lúa mỳ và nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ cây lúa mỳ khi được chiên, nướng, rang bao gồm cả khoai tây chiên, khoai tây nướng và các món ăn vặt hay cà phê.

Bằng cách sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene, giúp giảm hàm lượng asparagin trong lúa mỳ, các nhà nghiên cứu hy vọng những thế hệ lúa mỳ cải tiến sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng khi có thể giảm bớt nguy cơ tiếp xúc của họ với với acrylamide từ chế độ ăn uống. Đồng thời, cây trồng mới này cũng giúp các cơ sở kinh doanh thực phẩm dễ dàng hơn trong việc tuân thủ các quy định liên quan tới hàm lượng của acrylamide trong sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Theo kế hoạch, dự án thử nghiệm này được thực hiện trong 5 năm tới, kết thúc vào năm 2026 trong đó cây sẽ được gieo trồng vào tháng 9 và tháng 10 mỗi năm và thu hoạch vào tháng 9 năm sau.

Công nghệ chỉnh sửa gene

Kỹ thuật CRISPR là một trong các kỹ thuật chỉnh sửa gene hiện đại, được thiết kế để tạo ra những thay đổi nhỏ đối với một gene mục tiêu của cây trồng. Mặc dù được dự đoán sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp, hành lang pháp lý và việc sử dụng công nghệ này vẫn đang là vấn đề được thảo luận tại châu Âu.

Một phán quyết Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vào năm 2018 đã cho rằng, các sinh vật được tạo ra bởi các kỹ thuật chỉnh sửa gene mới, chẳng hạn như CRISPR về cơ bản vẫn phải tuân theo các quy định dành cho cây trồng biến đổi gene (BĐG).

Tuy nhiên, kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh đã cho thấy các tín hiệu về việc không tiếp tục đi theo các hướng dẫn này của khối EU sau khi họ đã tiến hành một cuộc tham vấn về công nghệ chỉnh sửa gene với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để phát huy các “tiềm năng lợi ích” của công nghệ này với ngành nông nghiệp và môi trường.

Tại Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, giống cây trồng mới tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gene nếu không chứa các gene ngoại lai và không khác biệt về mặt di truyền với giống cây trồng tạo ra bằng các kỹ thuật công nghệ lai truyền thống thì được quản lý tương tự giống cây trồng thông thường, không cần thiết phải ban hành văn bản quản lý mới về công nghệ chỉnh sửa gene và sản phẩm tạo ra từ công nghệ chỉnh sửa gene.

Công nghệ chỉnh sửa gene đã được nghiên cứu, phát triển trong hơn một thập kỷ qua cho phép các nhà khoa học “chỉnh sửa” bộ gene của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn cho cây trồng về cả giá trị dinh dưỡng, kinh tế và khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của môi trường.

(Theo khoahocdoisong.vn)

.
.
.