.

Chuyện về chị Thúy phục tráng giống lúa VD 20

Cập nhật: 19:30, 29/11/2021 (GMT+7)

Đề tài khoa học “Phục tráng giống lúa VD 20 tại Tiền Giang” của chị Trần Thị Thanh Thúy (công tác tại Phòng Tư vấn và Kiểm nghiệm xét nghiệm - Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang) đã khôi phục lại độ thuần rặt và các đặc tính đặc trưng ban đầu của giống lúa thơm đặc sản VD 20. Khi ứng dụng, nhân rộng, kết quả sản phẩm của đề tài làm lợi gần 1 tỷ đồng.

Do canh tác liên tục qua nhiều năm, việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất thường xuyên xảy ra; chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm nhiều... dẫn đến giống lúa VD 20 trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thoái hóa, phân ly, lẫn tạp làm độ thuần giống ngày càng suy giảm. Từ đó dẫn đến năng suất, chất lượng gạo suy giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa của nông dân. Xuất phát từ thực trạng trên, từ năm 2018 đến năm 2020, chị Thúy thực hiện Đề tài “Phục tráng giống lúa VD 20 tại Tiền Giang”.

Chị Trần Thị Thanh Thúy trong phòng thí nghiệm khi thực hiện nghiên cứu Đề tài “Phục tráng  giống lúa VD 20 tại Tiền Giang”.
Chị Trần Thị Thanh Thúy trong phòng thí nghiệm khi thực hiện nghiên cứu Đề tài “Phục tráng giống lúa VD 20 tại Tiền Giang”.

Chị Thúy cho biết, kết quả sau khi nghiên cứu đã khôi phục lại độ thuần rặt và các đặc tính đặc trưng ban đầu của giống lúa thơm đặc sản VD 20; tạo sản phẩm hạt giống đạt cấp siêu nguyên chủng theo quy chuẩn để làm nguồn sản xuất hạt giống lúa các cấp phục vụ sản xuất và xuất khẩu, xây dựng thương hiệu gạo VD 20 trên thị trường.

Sản phẩm của đề tài đã và đang chuyển giao, ứng dụng theo quy trình sản xuất giống lúa các cấp gồm: Mô hình Sản xuất cấp giống nguyên chủng tại Trại Thực nghiệm và Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hựu trong vụ đông xuân 2020 - 2021 trên diện tích 6 ha; mô hình Sản xuất lúa giống cấp xác nhận 1 tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hưng Hòa (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) trong vụ đông xuân 2020 - 2021, với diện tích 6 ha. Hiệu quả làm lợi hơn 926,8 triệu đồng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sản phẩm hạt giống sau phục tráng của chị Thúy có năng suất cải thiện hơn so với giống chưa qua phục tráng, cải thiện năng suất lúa, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng gạo hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh. Nghiên cứu này được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2020.

CÁT TƯỜNG

.
.
.