Thứ Hai, 13/12/2021, 11:48 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tình hình mới

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý, điều hành, triển khai công việc. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, nhân viên ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc.
Cán bộ, nhân viên ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CNTT TRONG CÔNG VIỆC

Việc ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính (CCHC) giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó có ba vấn đề hết sức cấp bách: Một là, thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính. Hai là, sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, xử lý hồ sơ, các công việc hằng ngày của các cơ quan Nhà nước. Ba là, phục vụ dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính theo các quy định của Chính phủ. Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong hiện đại hóa nền hành chính đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Tiền Giang, để giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc, Sở chủ động hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đảm bảo phù hợp định hướng chung của tỉnh. Ðẩy mạnh ứng dụng CNTT trong truyền thông phòng, chống dịch bệnh như sử dụng tin nhắn, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội để người dân chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông bảo đảm điều kiện về kỹ thuật, đường truyền để duy trì hệ thống TT&TT của tỉnh hoạt động liên tục, ổn định và an toàn phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các TTHC đủ điều kiện và chính thức triển khai thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt khi thực hiện nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Tính đến nay, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên địa bàn tỉnh Tiền Giang: Tỷ lệ tiếp nhận và xử lý văn bản đến trong các cơ quan Nhà nước đạt 100%; tỷ lệ văn bản đi được cập nhật trên phần mềm đạt trên 95%. Cấp 46 thiết bị chứng thư số cá nhân cho lãnh đạo sở, ngành, địa phương; đề xuất nhu cầu cấp mới chứng thư số giai đoạn 2021 - 2025 là 1.165 thiết bị ký số cho tổ chức và cá nhân.

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 1.869 thủ tục hành chính và được đăng tải trên Trang dịch vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang tại địa chỉ: http://dichvucong.tiengiang.gov.vn/, cụ thể: dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: 138 thủ tục; mức độ 3: 356 thủ tục; mức độ 4: 1.375 thủ tục. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3: 15,79%; mức độ 4: 34,96%. Chỉ tính từ ngày 15-6 đến 13-9-2021, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm một cửa điện tử tỉnh là 65.933 hồ sơ. Trong đó, tổng số hồ sơ đã giải quyết 64.398 hồ sơ, tổng số hồ sơ đang giải quyết 1.535 hồ sơ. Tổng số lượt truy cập vào Trang dịch vụ hành chính công của tỉnh 33.058.620 lượt.

So với cùng kỳ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn giảm 0,19%; đúng hạn tăng 2,2%; trễ hạn giảm 1,93%; Tổng số lượt truy cập tăng 24.335.054 lượt truy cập. Các cơ quan trả kết quả hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích là 420.138 hồ sơ.

Nhiều năm nay, Tiền Giang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh kết nối đến địa phương, các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở.

Cùng với đó, ứng dụng phần mềm Văn phòng điện tử vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước đã thay đổi được tư duy làm việc theo kiểu thủ công sang ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của từng cán bộ, công chức, viên chức, giúp giải quyết công việc không bị giới hạn về thời gian, không gian; tiết kiệm giấy, mực, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm bớt thời gian hội họp bằng việc trao đổi ý kiến trên mạng, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác, từng bước hiện đại hóa nền hành chính.

Riêng đối với Đề án Xây dựng Mỹ Tho thành đô thị thông minh, Mỹ Tho đẩy mạnh phối hợp các sở, ngành tỉnh và chủ động triển khai thực hiện: Wifi thông minh, du lịch thông minh và camera thông minh... Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2021 theo chương trình phối hợp giữa UBND TP. Mỹ Tho với Viễn thông Tiền Giang như: Hệ thống 32 camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông và 4 camera giám sát vệ sinh môi trường; hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị trên môi trường di động (TienGiangS); hệ thống Quan trắc môi trường; mua sắm thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến 2 chiều trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

HIỆU QUẢ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền, địa phương các cấp đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, kinh doanh dịch vụ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Căn cứ tình hình thực tế, tính chất công việc, tỉnh phân loại các tình huống để áp dụng triển khai hội họp, làm việc trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tại các địa phương, việc triển khai họp trực tuyến được tích cực thực hiện, đảm bảo triển khai công việc kịp thời, chính xác, thành phần tham dự đầy đủ, nhất là chỉ đạo khẩn về công tác phòng dịch; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

Các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Ngành Bảo hiểm xã hội triển khai hình thức kê khai, nộp bảo hiểm xã hội qua giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch với ngành; chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu cho đối tượng qua tài khoản ATM, hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo ứng dụng hiệu quả CNTT vào giảng dạy, học tập trong điều kiện học sinh học trực tuyến ở nhà. Các trường học, cơ sở giáo dục áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua Internet, khuyến khích giáo viên sử dụng ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà. Các doanh nghiệp bưu chính phát triển hiệu quả dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

Đặc biệt, trong văn phòng làm việc, các cuộc hội họp cán bộ, nhân viên đã hạn chế in tài liệu, sử dụng văn bản giấy. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, bộ phận kỹ thuật viên của Văn phòng HĐND tỉnh Tiền Giang đã hướng dẫn, hỗ trợ các đại biểu HĐND khai thác tư liệu phục vụ các kỳ họp. Theo đó, mỗi đại biểu được trang bị một chiếc máy tính bảng để truy cập Văn phòng điện tử (VPĐT) của HĐND tỉnh. Trên VPĐT của HĐND tỉnh, bộ phận kỹ thuật tạo tài khoản chung để đại biểu truy cập trao đổi việc gửi, nhận thông tin. Trên ứng dụng này tích hợp đầy đủ văn kiện tài liệu, chương trình, danh sách đại biểu, các tài liệu liên quan... Trong mỗi mục, tài liệu được sắp xếp rõ ràng, khoa học, dễ sử dụng.

Việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những đột phá mới, tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; thay đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả; cách thức tiếp cận, giao dịch giữa tổ chức, người dân và chính quyền cũng đã được chuyển từ phương thức truyền thống sang các phương thức hiện đại. CNTT đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực của tỉnh phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.