Thứ Tư, 16/03/2022, 10:09 (GMT+7)
.

Chuyển đổi số tại Tiền Giang: Lợi ích, mục tiêu và định hướng

Triển khai Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, ngày 8-12-­­2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 370 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, xem người dân là trung tâm của chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: LÊ MINH
UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: LÊ MINH

Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 là thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh.

LỢI ÍCH CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời kỳ cách mạng 4.0. Chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số như: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Big data)... vào mọi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, giao dịch dân sự nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh tại hội nghị. Ảnh: LÊ MINH
Quang cảnh tại hội nghị. Ảnh: LÊ MINH

Một số chuyển đổi số trong lĩnh vực công của tỉnh thực hiện thời gian qua là ứng dụng văn phòng điện tử để xử lý văn bản, giảm văn bản giấy; thực hiện chữ ký số trong một số giao dịch; quy trình giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện dưới hình thức trực tuyến (nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng thông tin điện tử) giúp rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong các quan hệ, giao dịch dân sự, chuyển đổi số ngày càng được ứng dụng phổ biến như: Thanh toán không dùng tiền mặt, quản lý bệnh nhân bằng bệnh án điện tử, đặt lịch khám bệnh, mua hàng hóa, dịch vụ online, thanh toán hóa đơn (điện, nước…), chuyển tiền dưới hình thức trực tuyến. Trong lĩnh vực nông nghiệp là triển khai hệ thống điều khiển, giám sát quá trình canh tác; hệ thống đo độ mặn tự động giúp vận hành cống thủy lợi phù hợp… 

Một số mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025: 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, kể cả thiết bị di động; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; các cơ sở dữ liệu dùng chung được chia sẻ, kết nối trên toàn tỉnh; kinh tế số chiếm 15% GRDP; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng trên 7%; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... 

Có thể nói, chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích to lớn cho Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Trên thực tế, chúng ta chưa khai thác hết những lợi ích của việc chuyển đổi số, hoặc đang khai thác, đang ứng dụng chúng nhưng chúng ta chưa nhận diện được.  Đơn cử  về điện toán đám mây (Cloud), nếu hiểu và biết cách khai thác chúng thì hiệu quả mang lại sẽ rất to lớn.

Thực chất điện toán đám mây là mô hình máy chủ ảo (hay mạng Internet). Thay vì phải đầu tư máy tính có dung lượng lớn để lưu trữ thông tin, dữ liệu, phần mềm, hình ảnh..., các dữ liệu này sẽ được lưu trữ trên nền tảng của Google bao gồm: Hộp thư điện tử, Drive, Album ảnh… Người quản lý máy chủ ảo không nhất thiết phải đến văn phòng làm việc và có thể dùng bất kỳ máy tính vật lý nào để thao tác hay chia sẻ thông tin cho các thành viên khác.

Việc ứng dụng điện toán đám mây không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư máy chủ, chi phí bảo hành, sửa chữa, mà còn giúp cho việc lưu trữ dữ liệu được an toàn, giảm thiểu một số rủi ro của máy tính vật lý như: Hư hỏng ổ cứng, mất dữ liệu do vi rút xâm nhập máy tính... 

ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số bao gồm: Giáo dục; y tế; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải và logistics; sản xuất công nghiệp; lao động, thương binh và xã hội; văn hóa, du lịch.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang và Viễn thông Tiền Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh: LÊ MINH
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang và Viễn thông Tiền Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh: LÊ MINH

Để giúp cho quá trình chuyển đổi số mang lại hiệu quả, vấn đề nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, trong tháng 12-2021, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông (VT) - công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2014 - 2020; đồng thời, ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm một số nội dung: Ứng dụng dịch vụ CNTT trên hạ tầng mạng viễn thông do VNPT xây dựng; xây dựng Chính quyền số hướng đến kinh tế số, xã hội số; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về VT - CNTT phục vụ các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà tỉnh Tiền Giang có nhu cầu…

Ngoài một số nội dung, định hướng và lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số theo kế hoạch của UBND tỉnh, chúng tôi thiết nghĩ, cơ quan quản lý Nhà nước cần linh hoạt trong tham mưu, đề xuất việc ứng dụng công nghệ số để giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Chẳng hạn, để kiểm tra, xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có biểu hiện găm hàng khi giá tăng, thay vì đến kiểm tra trực tiếp bồn chứa, một số chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp lắp thiết bị đo bồn nhiên liệu tự động và công khai số liệu tồn kho để người dân có thể giám sát.

Tương tự, ngành Y tế có thể ứng dụng công nghệ số để cấp giấy chứng nhận F0 hay hoàn thành cách ly cho người nhiễm Covid-19 thông qua dữ liệu được chuyển đến từ điện thoại thông minh (Zalo), hạn chế việc người bệnh đến khai báo trực tiếp tại cơ quan y tế để giảm thiểu rủi ro...

Một vấn đề quan trọng khác là cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và cộng đồng về mục đích, ý nghĩa cùng những lợi ích của việc chuyển đổi số; trong đó, nội dung tuyên truyền cần giải mã một số khái niệm khoa học và chuyển thể thành ngôn ngữ toàn dân, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhằm tạo sự đồng thuận, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, giúp cho lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được những mục tiêu đề ra.

HỒNG YẾN

.
.
.