Thứ Sáu, 13/05/2022, 15:06 (GMT+7)
.

3 giáo viên đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang

Những năm qua, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang đã thu hút nhiều giáo viên tham gia, với nhiều sản phẩm đoạt giải mang tính ứng dụng cao. Các thầy Nguyễn Thành Phạm, Lâm Tấn Phát và Nguyễn Ngọc Tuấn là những giáo viên như thế.

Thầy Nguyễn Thành
Thầy Nguyễn Thành Phạm
bên sản phẩm sáng tạo.

1.  Những năm qua, với kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Sinh học, bên cạnh truyền đạt kiến thức, thầy Nguyễn Thành Phạm (giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang) còn hướng dẫn nhiều học sinh tham gia và đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, thầy cũng không ngừng tìm tòi, nghiên cứu.

Trong đó phải kể đến sản phẩm nghiên cứu từ ứng dụng vi sinh vật trong sản xuất nước tẩy rửa sinh học đa năng. “Sản phẩm là quá trình lên men tự nhiên, tạo ra các loại enzym và axit hữu cơ nên có tính tẩy rửa, diệt khuẩn an toàn khi sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường.

Sản phẩm này ứng dụng rất nhiều trong rửa chén bát; lau sàn, kính; súc miệng; rửa các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả… So với các loại nước tẩy rửa sinh học có nguồn gốc nhập khẩu có giá khoảng 100.000 đồng/lít, sản phẩm tạo ra từ phương pháp này chỉ tốn khoảng 8.000 đồng/lít” - thầy Phạm chia sẻ.

Nhờ vậy, giải pháp của thầy đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021; được các chuyên gia đánh giá rất cao về mức độ hiệu quả cũng như tính ứng dụng vào thực tế đời sống, có tiềm năng sản xuất, kinh doanh với quy mô công nghiệp.

2. Nhằm lan tỏa đam mê sáng tạo đến lứa tuổi học sinh, thầy Lâm Tấn Phát (phụ trách dạy bộ môn Vật lý tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Tiền Giang) cùng 2 học sinh bắt đầu nghiên cứu, sáng tạo ra “Phần mềm cảnh báo người ngủ gật” để nâng cao hiệu suất làm việc, giảm thiểu rủi ro trong lao động cho những tài xế lái xe đường dài hay công nhân trong thời gian làm việc tại các xí nghiệp.

Thầy Phát cho biết: Phần mềm cảnh báo này dễ dàng tích hợp được vào cách máy tính nhúng, camera quan sát hoặc có thể tích hợp dễ dàng trên các thiết bị, phần cứng đã có sẵn trong các xe ô tô, trường học, xí nghiệp… nên không tốn quá nhiều chi phí cho việc đầu tư lắp đặt.

Thầy Lâm Tấn Phát (giữa) nhận Bằng khen tại buổi tổng kết và trao giải  Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2021.
Thầy Lâm Tấn Phát (giữa) nhận Bằng khen tại buổi tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang năm 2021.

Ngoài ra, một phần mềm có thể sử dụng cho nhiều cơ quan, nhiều mục đích khác nhau. Hiện tại nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người sử dụng, sản phẩm đang phát triển thêm chức năng nhận biết biển báo giao thông, cảnh báo dừng, đỗ xe đúng nơi quy định, tích hợp với camera hành trình trên các xe ô tô, cũng như nhận dạng đèn giao thông giúp cho tài xế lái xe an toàn hơn.

Giải pháp này giúp thầy và 2 học sinh đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021.

3. Đồng giải Ba với thầy Phát là thầy Nguyễn Ngọc Tuấn (giảng viên dạy nghề Điện công nghiệp của Trường Trung cấp Gò Công) với dự thi sản phẩm “Tủ thực hành Arduino”.

Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn bên sản phẩm sáng tạo.
Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn bên sản phẩm sáng tạo.

“Sản phẩm “Tủ thực hành Arduino” giúp phục vụ tốt cho công tác giảng dạy, tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm của nhà trường. Sản phẩm có thiết kế dạng mô đun, giá thành rẻ, dễ sử dụng, dễ lập trình, linh hoạt trong sử dụng, có thể nâng cấp, cập nhật theo sự phát triển của công nghệ và yêu cầu cuộc sống. Đồng thời, giúp học sinh trung cấp và kể cả học sinh phổ thông có thể tham gia học tập, từ đó phát triển tư duy sáng tạo, áp dụng vào trong cuộc sống của học viên.

Có thể nói, “Tủ thực hành Arduino” là công cụ hỗ trợ định hướng tư duy sáng tạo cho học viên để phát triển sự đam mê với nghề nghiệp khi tạo ra được các sản phẩm hữu ích, giải quyết được các nhu cầu về tự động hóa. Ngoài ra, các mô đun trong hệ thống Arduino có giá thành thấp nên việc đầu tư xây dựng mô hình “Tủ thực hành Arduino” sẽ có kinh phí thấp. Thông thường, với 1 xưởng thực hành vi điều khiển cho học viên nghiên cứu, cần 18 bộ thiết bị. Nếu đầu tư các kit vi điều khiển trước đây thì sẽ tốn khoảng 540 triệu đồng. Tuy nhiên, giải pháp “Tủ thực hành Arduino” chỉ cần đầu tư khoảng 72 triệu đồng là có thể đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết trong quá trình thực hành, nghiên cứu của học viên” - thầy Tuấn chia sẻ.

LÊ MINH

 

.
.
.