Thứ Sáu, 20/05/2022, 10:29 (GMT+7)
.

Thay đổi tổng thể và toàn diện

Nghị quyết 08 ban hành ngày 6-10-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 08) mở ra những bước đi căn bản về quá trình chuyển đổi số của Tiền Giang.

Nhìn một cách tổng thể, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc dựa trên các công nghệ số. Dựa trên những yếu tố này, Nghị quyết 08 đã đặt ra mục tiêu quan trọng là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang và VNPT Tiền Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số doanh nghiệp. 	Ảnh: LÊ MINH
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang và VNPT Tiền Giang ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số doanh nghiệp. Ảnh: LÊ MINH

Nghị quyết 08 cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 Tiền Giang xây dựng hạ tầng số đạt và vượt các tiêu chí đề ra trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; phấn đấu hoàn thành các nền tảng cho Chính quyền số, an toàn và an ninh mạng; đồng thời, bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Quyết định 749 ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 Tiền Giang sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng đô thị thông minh cho TP. Mỹ Tho; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước và Tiền Giang thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho người dân?

Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số (thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số); vì vốn dĩ không gian số là không gian phẳng/ không gian không biên giới.

Thực tế cho thấy, khi đề cập về chuyển đổi số, chúng ta có cảm giác rằng đây là một hiện tượng mới, một vấn đề mới nổi trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế là chuyển đổi số đã tồn tại và xuất hiện từ rất lâu dưới các hình thức khác nhau. Một số dẫn chừng từ thực tiễn đã chứng minh về quá trình chuyển đổi số.

Ví dụ, nhắc đến đồng hồ, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ vì trong nhiều thế kỷ qua, ở đây có những nhà sản xuất dẫn đầu về đồng hồ cơ. Tuy nhiên, thời của các đồng hồ kỹ thuật số đã đến từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX. Các nhà sản xuất Nhật Bản như Casio, chiếm lĩnh thị trường và các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ đã phải vật lộn trong sự thay đổi này.

Đối với ngành Viễn thông, chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển của công nghệ di động trong những năm 1990 với một loạt các công ty khác nhau như: Motorola, Nokia, BlackBerry… nhưng trong những năm gần đây ai cũng biết đến điện thoại iPhone. Thực sự khi điện thoại thông minh iPhone xuất hiện đã làm thay đổi cục diện và mang đến nhiều tiện ích, thuận tiện cho người dùng.

Một điển hình khác là nhà sách. Trước kia, nhà sách thường là những doanh nghiệp địa phương xoay quanh cộng đồng. Sau đó, trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, có những công ty lớn hơn cố gắng khuấy động thị trường như Borders và Barnes & Noble. Khi có Internet và bán hàng trực tuyến, Amazon đã giành chiến thắng, rất nhiều công ty đã bị phá sản như Borders.

Điều cuối cùng, hãy nói về xe ô tô. Xe ô tô đã trải qua một thế kỷ ổn định khi động cơ đốt trong đã trở thành công nghệ chiếm ưu thế, nhưng hiện tại nó đã được đột phá bởi xe điện, xe tự động lái và chúng ta đã chứng kiến sự gia nhập của các công ty như: Tesla, Google, Uber. Thực tế cũng cho thấy sự chuyển đổi của các công ty như BMW và Volvo đang đầu tư rất nhiều vào điện tử trong các phương tiện tự lái. Các dự đoán cho rằng, 5 năm tới xe ô tô chạy bằng điện sẽ phổ biến, xe tự lái được thương mại và bắt đầu phổ biến.

Cụ thể hóa các mục tiêu được đề cập trong Nghị quyết 08, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, đặt ra những mục tiêu cơ bản đến năm 2025.

Theo đó, về phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, Tiền Giang đặt ra mục tiêu đạt 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%; trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử; tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; tối thiểu 80% thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4…

Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Tiền Giang cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 15% GRDP; tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động tăng bình quân 7%. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Theo đó, hạ tầng băng thông rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh và tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Đại biểu thực hiện nghi thức khai trương nền tảng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang.    Ảnh: LÊ MINH
Đại biểu thực hiện nghi thức khai trương nền tảng Chính quyền số tỉnh Tiền Giang. Ảnh: LÊ MINH

Tất nhiên, để triển khai tốt các nội dung được đề cập theo tinh thần Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh, Tiền Giang còn nhiều việc để làm. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các nội dung, như: Tổ chức phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 08 và Kế hoạch 370 ngày 8-12-2021 của UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin/phần mềm của Chính quyền điện tử đã được triển khai và đưa vào sử dụng: Hệ thống trả lời phản ánh, kiến nghị qua Tổng đài đa kênh 1022; ứng dụng di động App TienGiangS; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; cổng dịch vụ công, hệ thống cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cổng thành phần; hệ thống thư điện tử công vụ; cổng dịch vụ công, phần mềm quản lý văn bản và điều hành...; đồng thời, đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng các dịch vụ công trực truyến mức độ cao (mức độ 3, 4)...

A.P

.
.
.