Thứ Hai, 13/06/2022, 10:00 (GMT+7)
.

Phòng trừ sâu hại trên dưa lưới bằng biện pháp sinh học

Cụ thể, biện pháp sinh học được sử dụng bằng cách kết hợp 2 loại thiên địch gồm nhện nhỏ bắt mồi Amblyseius swirskii và bọ xít bắt mồi Orius sp. có trong tự nhiên. Chúng sẽ tiêu diệt các loài côn trùng, nhện gây hại khác trên cây dưa lưới, vừa giúp cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, vừa giúp tạo ra dưa lưới thành phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn do không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Giải pháp được Thạc sĩ Võ Lê Ngọc Trâm, giáo viên Trường THCS Xuân Diệu (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cùng các cộng sự triển khai nghiên cứu trong năm 2020. Giải pháp này được trao giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2020 - 2021.

SỬ DỤNG THIÊN ĐỊCH SẴN CÓ TRONG TỰ NHIÊN

Theo Thạc sĩ Trâm, hệ thống nhà kính, nhà lưới sẽ giúp hạn chế tối đa sâu bệnh gây hại cây trồng. Tuy nhiên, dưa lưới trồng trong nhà lưới vẫn thường bị một số loài côn trùng, nhện gây hại như: Bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ… làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị thương phẩm. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có thể cho hiệu quả phòng trị nhanh nhưng để lại hậu quả lâu dài như lượng tồn dư hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường bị ô nhiễm, đất đai bị thoái hóa, bạc màu…

Thạc sĩ Võ Lê Ngọc Trâm kiểm tra nhện hại khi dưa mới thụ phấn.
Thạc sĩ Võ Lê Ngọc Trâm kiểm tra nhện hại khi dưa mới thụ phấn.

Từ thực tế trên, Thạc sĩ Trâm nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên dưa lưới canh tác trong nhà lưới mẫu có diện tích 3.600 m2 tại ấp An Thọ, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. 2 loài thiên địch được sử dụng gồm: Nhện bắt mồi (NBM) và bọ xít bắt mồi (BXBM) được thu bắt từ môi trường tự nhiên (chủ yếu trên cây ăn trái). Sau khi nhân giống, thiên địch cái (Amblyseius swirskii, Orius sp., Geocoris sp.) sẽ được thả vào nhà lưới theo các nghiệm thức thí nghiệm (NTTN) riêng biệt.

Trong đó, NT1 (đối chứng): Không phóng thả NBM và các loài thiên địch khác, không phun thuốc trừ sâu, nhện gây hại; NT2: Phun thuốc khi xuất hiện côn trùng, nhện gây hại nhưng không phóng thả thiên địch; NT3: Phóng thả thiên địch kết hợp theo trình tự: Thả NBM sau khi dưa lưới trồng được 11 ngày để phòng trừ nhện gây hại, bọ trĩ và bọ phấn tuổi non…, có thể phun phấn hoa cùng thời điểm phóng thả NBM để chúng duy trì quần thể và sinh trưởng tốt khi chưa có mồi.

Riêng BXBM chỉ phóng thả khi xuất hiện con mồi. Đồng thời, các NTTN đều được treo bẫy dính (màu vàng tươi) nhằm thu hút bọ trĩ và bọ phấn kết hợp sử dụng một số nấm gây bệnh cho côn trùng giúp gia tăng hiệu quả phòng trừ sinh học. Số lượng, thời điểm phóng thả NBM và BXBM phụ thuộc vào thời điểm xuất hiện, tình hình côn trùng và nhện gây hại thực tế trên dưa lưới (NBM được thả khi cây có từ 2 - 4 lá thật và khi cây trồng được 37 ngày thì ngưng thả thiên địch).

HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CỦA GIẢI PHÁP

Qua theo dõi, đánh giá các NTTN, Thạc sĩ Trâm rút ra kết luận, việc sử dụng kết hợp NBM và BXBM (cùng một số chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học) đã giúp khống chế, phòng trừ nhện hại T.urticae và bọ trĩ T.palmi tốt hơn so với sử dụng thuốc trừ sâu hóa học. Trong đó, mật số bọ trĩ non ở NT1 qua các lần kiểm tra đều cao hơn các nghiệm thức khác; đặc biệt, việc sử dụng NBM và BXBM ở NT3 (có phóng thả thiên địch) đã làm giảm đáng kể mật số con non và bọ trĩ trưởng thành so với NT1 và NT2.

Riêng đối với NT2, số lượng bọ trĩ giảm ở giai đoạn đầu do tác dụng của thuốc BVTV nhưng mật số bọ trĩ non và trưởng thành có sự tăng nhẹ từ giai đoạn trái chín đến sau thu hoạch (do ngưng phun thuốc). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho sâu bệnh bùng phát ở các vụ trồng tiếp theo cũng như lây lan cho các vườn rau màu xung quanh.

Theo Ban Tổ chức Hội thi STKT tỉnh Tiền Giang, giải pháp nghiên cứu của Thạc sĩ Võ Lê Ngọc Trâm có tính học thuật rất cao; đặc biệt là việc nhân nuôi một số loài thiên địch có ích để phòng trừ sâu bệnh sẽ giúp cân bằng môi trường sinh thái. Về lâu dài, giải pháp này có thể nhân rộng và ứng dụng để phòng trừ sâu bệnh cho một số loại cây trồng khác theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo thân thiện với môi trường.

Theo tính toán của Thạc sĩ Trâm và cộng sự, việc áp dụng biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh (NT3) giúp tiết kiệm đáng kể chi phí so với việc sử dụng thuốc BVTV. Đồng thời, hiệu quả thu được từ việc canh tác dưa lưới trong nhà lưới diện tích 1.000 m2  áp dụng biện pháp sinh học đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Trong đó, một số chỉ tiêu chất lượng như: Chiều dài, đường kính trái, độ dày thịt, độ brix (chất rắn hòa tan) của NT3 đều cao hơn NT1 và NT2; riêng tỷ lệ trái loại 1 (> 1,2 kg) thấp hơn 2 nghiệm thức còn lại (do hiệu quả điều trị nấm sương mai bằng chế phẩm hữu cơ có phần hạn chế).

Kết quả nghiên cứu này có thể được chuyển giao cho nông dân ứng dụng trong canh tác dưa lưới trong nhà kính, nhà lưới trên địa bàn tỉnh, tiến tới mở rộng áp dụng cho một số loại rau ăn quả khác như: Dâu tây, bầu bí… Đặc biệt, việc nhân rộng quy trình nhân nuôi một số loài thiên địch có ích kết hợp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào quá trình canh tác sẽ giúp từng bước hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nông sản an toàn, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí… phục vụ mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả và bền vững.

NGỌC TRÂM - YẾN HUỲNH

.
.
.