Thứ Hai, 19/09/2022, 09:52 (GMT+7)
.

Độc đáo mô hình "Thước đa năng"

Đây là mô hình tích hợp 5 trong 1 để dạy và học môn Toán của Trần Ngọc Huy (sinh năm 2008, ấp Thạnh An, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2021 - 2022.

Trước thực tế, giáo viên khi dạy môn Toán cùng một lúc phải mang 4 dụng cụ: Thước thẳng, êke, thước đo góc, compa rất bất tiện. Thêm vào đó, khi giảng dạy các bài tập có vẽ các đường cong Conic, giáo viên gặp khó khăn trong việc vẽ hình sao cho vừa đẹp, vừa chính xác.

Ngọc Huy với mô hình đoạt giải Nhất Cuộc thi cấp tỉnh.
Ngọc Huy với mô hình đoạt giải Nhất Cuộc thi cấp tỉnh.

Trên thực tế cũng không có dụng cụ nào hỗ trợ giáo viên trong việc vẽ các đường cong Parabol, Hyperbol, các đồ thị lượng giác... (trên thị trường chỉ có thước Parabol dành cho học sinh). Hơn nữa, có nhiều bài toán không chỉ sử dụng 1 dụng cụ để vẽ hình, mà phải phối hợp nhiều dụng cụ, nên muốn hoàn chỉnh hình vẽ giáo viên buộc phải mất thời gian di chuyển để đổi các dụng cụ.

Còn với học sinh, học môn Toán, học sinh phải mang cùng lúc thước thẳng, thước êke, thước đo góc, compa, thước Parabol. Bên cạnh đó, khi 1 hình vẽ sử dụng nhiều dụng cụ, học sinh phải mất thời gian lựa chọn và thay đổi dụng cụ. Mặt khác, trong quá trình bảo quản compa, đầu nhọn của compa có thể làm hỏng cặp, sách hoặc gây nguy hiểm.

Từ đó, Trần Ngọc Huy nghĩ ra mô hình “Thước đa năng” để giải quyết các vấn đề trên. Thước được thiết kế trên một tấm meca (hoặc mủ dẻo); bố trí thước đo góc, thước êke, thước thẳng, các lỗ tròn cách nhau 5 cm (dành cho giáo viên) hoặc 1 cm (thước dành cho học sinh) để vẽ các đường tròn có bán kính khác nhau.

Đặc biệt, đường cong được bố trí ở 2 đầu thước dùng để vẽ các đồ thị Parabol có hệ số khác nhau, vẽ các đồ thị lượng giác. Các chữ số, vạch chia số được khắc lazer âm trên thước và bên ngoài được phủ một lớp decal trong nên không sợ phai màu, dễ vệ sinh.

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi, mô hình “Thước đa năng” hỗ trợ tích cực cho giáo viên và học sinh trong việc dạy và học môn Toán ở tất cả các cấp học hiện nay. Bên cạnh đó, mô hình có thể sử dụng để vẽ đường thẳng; các chức năng êke, đo góc, compa để vẽ đường tròn; dùng vẽ các cung tròn xác định trung điểm, đường trung trực của đoạn thẳng, vẽ Parabol và các đường Comic khác.

Qua mô hình, Ngọc Huy mong muốn được giới thiệu, chuyển nhượng bản quyền sở hữu trí tuệ giải pháp trên đến các công ty thiết bị giáo dục nghiên cứu sản xuất thước đa năng đưa ra thị trường để phục vụ công tác dạy và học Toán của giáo viên và học sinh.

TUẤN LÂM

.
.
.