.

Tiền Giang: Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp

Cập nhật: 10:49, 18/11/2022 (GMT+7)

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã và đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Tiền Giang.

NHIỀU KẾT QUẢ NHƯNG KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN

Hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của tỉnh Tiền Giang triển khai trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, ĐMST, Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động thực hiện các đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST quốc gia (Đề án 844), cũng như hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665) như: Hỗ trợ hoạt động truyền thông, đào tạo, vốn cho các chương trình, môi trường và các hoạt động khởi nghiệp, chuyển giao kỹ thuật…

Không chỉ vậy, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đều triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) khá hiệu quả, với nhiều hoạt động như tập huấn, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, triển lãm và giới thiệu sản phẩm do phụ nữ làm chủ… do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện.

Theo đánh giá của các chuyên gia (khảo sát 150 chuyên gia và 300 doanh nghiệp), Tiền Giang đang thực hiện rất tốt trong việc đào tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là điểm sáng trong chính sách của Tiền Giang.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, do đang ở giai đoạn hình thành và phát triển. Các phong trào khởi nghiệp trong tỉnh còn hoạt động phân tán, thiếu tập trung; mối liên kết giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp chưa được hình thành đồng bộ.

Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ các hoạt động cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo còn hạn chế; thiếu chính sách rõ ràng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo. Đặc biệt là ý tưởng khởi nghiệp chưa nhiều, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, thiếu tính ĐMST, thiếu các dịch vụ hỗ trợ về tiếp cận tài chính, tư vấn hỗ trợ để thương mại hóa sản phẩm, phát triển doanh nghiệp thành công, chưa tương xứng với tiềm năng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu tham quan mô hình Gian hàng khởi nghiệp của thanh niên Tiền Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu tham quan mô hình Gian hàng khởi nghiệp của thanh niên Tiền Giang.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, hoạt động khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với khó khăn, thách thức, đặc biệt là hạn chế trong việc tài trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, ĐMST, thiếu thông tin thị trường, chất lượng nguồn nhân lực ĐMST chưa đạt yêu cầu, hạn chế việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các dự án khởi nghiệp.

PGS.TS. Trần Đăng Khoa, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phân tích thêm, hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, dễ bị tác động của khí hậu đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, các yếu tố công nghệ chưa được đề cao, chủ yếu ứng dụng để phát triển kinh tế hộ gia đình; các sản phẩm công nghệ ứng dụng trong các dự án được hỗ trợ thật sự chưa có, còn hạn chế kiến thức về nghiên cứu thị trường, quản trị dự án, nghiên cứu phát triển sản phẩm...

ĐỊNH HƯỚNG

PGS.TS. Trần Đăng Khoa cho rằng, trong thời gian tới, Tiền Giang nên có các chính sách nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng tiếp cận các dự án đầu tư công, mở rộng quảng bá các dự án khởi nghiệp. Tỉnh cũng cần đầu tư nhiều vườn ươm, tạo các sân chơi và các chính sách giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp kết nối tạo thành cộng đồng vững mạnh; xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực bền vững bằng xây dựng các cơ sở đào tạo có chất lượng cũng như các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài…

Theo Ths. Dương Văn Bon, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, dựa trên nền tảng các kết quả đã đạt được, địa phương cần tiếp tục tăng cường thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, việc lồng ghép, huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo cơ hội để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, ĐMST trong các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh sẽ là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025.

Còn TS. Lê Trung Đạo, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng, những định hướng và tăng cường sự chỉ đạo về hỗ trợ hệ sinh thái của Tiền Giang sẽ trở thành tiền đề quan trọng cho việc thu hút sự quan tâm và huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác kiến tạo môi trường thể chế, từ đó từng bước xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương.

“Bên cạnh đó, địa phương phải coi hệ sinh thái khởi nghiệp là mục tiêu và là phương tiện để thực hiện các đột phá chiến lược: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời, xác định được hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của địa phương đang ở giai đoạn phát triển nào sẽ góp phần quan trọng trong việc xác định nhu cầu, lựa chọn chính sách và giải pháp phát triển phù hợp” - TS. Lê Trung Đạo đề xuất.

TUẤN LÂM

.
.
.