Thứ Ba, 17/01/2023, 09:12 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên

Phong trào khởi nghiệp của sinh viên chính là cơ hội để khai thác tốt nhất và tối đa mọi nguồn lực đổi mới và sáng tạo, được kỳ vọng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo ra nhiều việc làm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội.

Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp tại Trường Đại học Tiền Giang.
Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp tại Trường Đại học Tiền Giang.

TỪ CUỘC THI ĐẾN ĐỀ ÁN

Khởi nghiệp thường gắn với sáng tạo và một trong những đối tượng của khởi nghiệp chính là sinh viên. Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức thành công Cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp”.

Cuộc thi không còn là sân chơi mà là môi trường và động lực giúp sinh viên vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn; khơi dậy ý tưởng sáng tạo và tìm ra con đường khởi nghiệp cho riêng mình trong tương lai. Đồng thời, thông qua cuộc thi còn giúp sinh viên tiếp cận với những doanh nghiệp phù hợp với chuyên ngành đào tạo, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên định hướng nghề nghiệp khi ra trường.

Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang Nguyễn Minh Quân cho biết: “Các cuộc thi khởi nghiệp đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc phát huy tính sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp của sinh viên. Qua đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, cung cấp kiến thức, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp có triển vọng, giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang thực hiện ước mơ khởi nghiệp thành công”.

Không chỉ vậy, hoạt động còn là nơi giao thoa và trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức cùng các chuyên gia; là cầu nối với những nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài trường, tạo điều kiện để các ý tưởng được triển khai trong thực tế.

Nguyễn Thị Ánh Ngọc, sinh viên ngành Công nghệ sinh học Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm chia sẻ: Với dự án “Nước uống móp gai đóng chai Lasia spinose” giành giải Đặc biệt tại cuộc thi, em đã học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm về khả năng thuyết trình trước đám đông, khả năng tự ứng biến và trả lời câu hỏi một cách tự tin.

Ban đầu khi đến với cuộc thi, em chỉ suy nghĩ là sẽ tạo ra được một loại sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khỏe và đem lại lợi ích cho người dân ở quê hương thôi. Qua cuộc thi, em rút ra được bí quyết là khi tham gia cuộc thi, với tinh thần dám nghĩ dám làm, nếu cố gắng thì chắc chắn sẽ thành công…”.

Song song đó, Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022”, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quá trình triển khai thực hiện, phong trào khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều khởi sắc, trong đó có những dự án khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tiêu biểu như: Dự án “Trồng na Thái” của bạn Đoàn Chí Hữu ở huyện Cái Bè, Dự án “Nuôi chồn hương” của bạn Phan Lê Thúy Vi tại huyện Tân Phước, Dự án “Trồng rau sạch công nghệ cao ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu” của bạn Huỳnh Thanh Triều ở huyện Gò Công Tây, Dự án “Xử lý phân chuồng tại gốc thanh long bằng chế phẩm sinh học của bạn Nguyễn Hồng Thái tại TP. Mỹ Tho...

CẦN GIẢI PHÁP DÀI HƠI

Dựa trên thực tế và hệ sinh thái khởi nghiệp, sinh viên và thanh niên tỉnh Tiền Giang cần xây dựng chiến lược, chính sách với mục tiêu dài hạn, có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát trỉển. Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp ở những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh như nông nghiệp, du lịch.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Quỹ Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ nguồn kinh phí vận động xã hội hóa, các nhà tài trợ; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ nguồn kinh phí thuộc Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, các tổ chức và cá nhân đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

PGS. TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang nhận định: “Thời gian tới, nhà trường tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nâng cao giá trị giải thưởng của cuộc thi để thu hút sinh viên tham gia; kêu gọi sự đầu tư từ các quỹ rủi ro, quỹ đầu tư thiên thần để triển khai thực hiện các dự án đạt giải cao của cuộc thi, từ đó kích thích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Song song đó là tăng cường truyền thông qua nhiều kênh…”.

Còn PGS. TS. Phước Minh Hiệp, Phó Tổng Biên tập Tạp chí khoa học Trường Đại học Bình Dương cho biết, cần phát triển các giải pháp về phát triển cơ sở hạ tầng, thị trường…, đặc biệt là phát trỉển nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực. Bởi nguồn nhân lực là thành phần cốt lõi trong toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp.

Việc đào tạo trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học ở Tiền Giang cần áp dụng phương pháp ưu tiên yếu tố thực hành, ưu tiên liên hệ thực tiễn, giúp sinh viên hình thành năng lực tư duy và năng lực hành động trong việc tiếp cận nhiều sinh viên đam mê khởi nghiệp và xây dựng được nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, các trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cần có lộ trình và sớm đưa vào giảng dạy học phần khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo...

TUẤN LÂM - NHƯ NGỌC

.
.
.