Thứ Tư, 01/02/2023, 22:06 (GMT+7)
.

Kế hoạch hồi sinh loài chim dodo tuyệt chủng hơn 500 năm

Colossal Biosciences, thành lập năm 2021 bởi thương gia Ben Lamm và nhà di truyền học George Church ở Đại học Harvard, hôm 31-1 thông báo kế hoạch hồi sinh và tái thả chim dodo về tự nhiên.

Phục dựng chim dodo ở trong rừng. Ảnh: Colossal Biosciences
Phục dựng chim dodo ở trong rừng. Ảnh: Colossal Biosciences

Chim dodo là loài chim không biết bay từng là biểu tượng cho sự tuyệt chủng sau khi bị xóa sổ nhanh chóng bởi tác động của con người trên đảo Mauritius. Trước đó, Colossal từng chia sẻ mục tiêu hồi sinh voi ma mút lông xoăn và hổ Tasmania (thylacine), sau đó giới thiệu chúng trở lại môi trường hoang dã. Công ty hy vọng có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong bảo tồn sinh học và chăm sóc sức khỏe con người. Hiện nay, công ty Colossal Biosciences đưa thêm chim dodo vào danh sách hồi sinh và mời Beth Shapiro, nhà sinh vật học tiến hóa ở Đại học Santa Cruz, trở lại dự án. Họ sẽ tạo ra một phiên bản "đại diện" của chim dodo với ADN đã qua chỉnh sửa và đưa nó tới môi trường sống ở đảo Mauritius.

Chim dodo độc đáo tới mức họ hàng còn sống gần nhất của chúng là bồ câu Nicobar, loài chim biết bay rực rỡ trông hoàn toàn khác. Vẻ ngoài kỳ lạ khiến chim dodo trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý của những người châu Âu tới đảo trong suốt thế kỷ 17. Tuy nhiên, một số đặc điểm khiến loài chim này trở nên khác biệt so với mọi động vật khác cũng là nguyên nhân chúng đặc biệt dễ tuyệt chủng. Trước khi người châu Âu xuất hiện cùng với nhiều loài xâm hại, đảo Mauritius không có động vật có vú nào săn chim dodo. Do không có kinh nghiệm đối phó với động vật săn mồi, chim dodo rất nhút nhát và dễ bị con người hoặc động vật xâm hại săn giết. Cùng với nạn chặt phá rừng, chim dodo bị đẩy tới bờ tuyệt chủng trước thế kỷ 18.

Shapiro và cộng sự đang giải quyết thách thức của việc tạo ra loài vật giống chim dodo, sử dụng hệ gene giải trình tự từ mẫu vật chim dodo thật, cũng như hệ gene từ những họ hàng gần của chúng như bồ câu Nicobar và Rodrigues solitaire, loài chim không biết bay đã tuyệt chủng khác sống trên đảo Rodrigues ở gần đó. "Khi một loài tuyệt chủng, thực sự không thể hồi sinh bản sao giống hệt", Shapiro chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu sẽ so sánh hệ gene của chim dodo với bồ câu Nicobar và các loài bồ câu khác, xác định đột biến ở hệ gene có thể tác động tới kiểu hình, "khiến chim dodo trông giống chim dodo thay vì bồ câu Nicobar. Tìm ra cấu tạo gene phù hợp cho bản sao chim dodo chỉ là trở lại đầu tiên trong hành trình kéo dài. Các nhà nghiên cứu cũng cần tìm hiểu cách đưa phôi thai chim dodo vào trứng để thế hệ chim mới có thể nở thành công. Do phần lớn công nghệ nhân bản và biến đổi gene tập trung vào động vật có vú, Shapiro và cộng sự cho biết họ sẽ cần sáng tạo trong cách tiếp cận.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.