.

Kỹ sư Nguyễn Công Vinh với ước mơ kiến tạo nền nông nghiệp sạch

Cập nhật: 09:28, 16/03/2023 (GMT+7)

Với mong muốn góp sức cùng địa phương xây dựng một nền nông nghiệp sạch, tái sử dụng các phụ, phế phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, giúp tạo ra giá trị gia tăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kỹ sư Nguyễn Công Vinh (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp với nghề nuôi trùn quế. Chính sự táo bạo, quyết đoán cùng niềm đam mê đã giúp kỹ sư Nguyễn Công Vinh hiện thực hóa ước mơ và gặt hái thành công trên bước đường khởi nghiệp.  

SÁNG TẠO TRONG KHỞI NGHIỆP

Kỹ sư Vinh cho biết, việc từ bỏ một công việc phù hợp với chuyên môn là công nghệ thông tin ở một thành phố lớn với mức thu nhập cao để trở về quê khởi nghiệp, lúc đầu, gia đình, người thân, bạn bè của anh đều không đồng tình, thậm chí phản ứng quyết liệt. Thế nhưng, với niềm đam mê mãnh liệt, anh quyết tâm vượt qua những khó khăn, thử thách để theo đuổi ước mơ.  

Anh Vinh tại trang trại Công ty cổ phần Trang trại sạch.
Anh Vinh tại trang trại Công ty cổ phần Trang trại sạch.

Sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu về quy trình nuôi trùn quế tại các nước phát triển như Mỹ, Israel… anh Vinh bỏ ra khoảng thời gian gần một năm đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các trang trại nuôi trùn quế từ Bắc đến Nam. Đầu năm 2017, anh Vinh quyết định đầu tư mô hình nuôi thử nghiệm trùn quế trên phần đất diện tích 330 m2 của một người bạn cho mượn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Theo anh Vinh, khó khăn nhất là khi làm ra sản phẩm không biết bán cho ai. “Để tìm đầu ra, tôi dùng xe máy chở hàng đi tiếp thị, giới thiệu sản phẩm phân trùn quế tại nhiều tỉnh, thành Nam bộ. Đáp lại, tôi chỉ được những cái lắc đầu từ những đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp. Lý do họ đưa ra là sản phẩm phân trùn hiện chưa được nhiều người biết đến nên việc tiêu thụ sẽ khó khăn” - anh Vinh chia sẻ.

Từ thông tin phản hồi của đại lý, anh Vinh suy nghĩ, phải tìm cách tiếp cận khách hàng là nông dân và giới trồng hoa kiểng để nắm bắt nhu cầu của họ. Và trong đợt đi giới thiệu sản phẩm tại tỉnh Đồng Tháp, sau khi tặng mẫu phân trùn cho một người dùng thử với cây kiểng, người này đánh giá cao về sản phẩm và giới thiệu cho một cửa hàng kinh doanh vật tư hoa kiểng làm đại lý phân phối phân trùn đầu tiên của anh Vinh.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng được áp dụng rộng rãi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: Mô hình tận dụng phụ, phế phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất biogas, nuôi trùn quế, ruồi lính đen… góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị gia tăng và mở ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn.

Sau khi sản phẩm được người tiêu dùng biết đến và sử dụng ngày càng nhiều, anh Vinh quyết định thành lập Công ty cổ phần Trang trại sạch tại  xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và đầu tư trang trại nuôi, chế biến các sản phẩm từ trùn quế trên phần đất có diện tích 3,5 ha (trong đó đất thuê là 2,5 ha).

Về kỹ thuật nuôi, ngoài đảm bảo quy chuẩn về chuồng trại, mật độ nuôi, môi trường nuôi (nhiệt độ, ẩm độ), thức ăn, che nắng chuồng trại (do trùn rất sợ ánh sáng)… theo quy định, thì anh Vinh còn có một số cách làm sáng tạo, như: Nghiên cứu tạo ra men vi sinh từ mật mía hòa vào thức ăn nước để hỗ trợ tiêu hóa, giúp trùn sinh trưởng tốt. Về thức ăn, bên cạnh phân bò tươi, xác phân heo (đã ép lấy nước), phân heo thu từ hầm biogas, anh còn sử dụng phụ phẩm khác như rơm, lục bình ủ hoai mục làm thức ăn bổ sung cho trùn rất tốt (tạo môi trường hiếu khí) giúp giải phóng khí H2S, làm cho trùn mập, khỏe, sinh trưởng nhanh.

TÁI SỬ DỤNG HIỆU QUẢ PHỤ, PHẾ PHẨM

Sau bước thâm nhập thị trường thành công, sản phẩm phân trùn quế của Công ty cổ phần Trang trại sạch hiện đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành (từ Đà Nẵng đến Cà Mau và khu vực Tây Nguyên) với trên 2.100 đại lý phân phối. Bên cạnh đó, vùng nuôi cũng được mở rộng ra nhiều địa phương với tổng diện tích nuôi trên 200 ha.

 Đóng bao phân trùn quế.
Đóng bao phân trùn quế.

Trong đó, Công ty ký hợp đồng liên kết với trên 50 doanh nghiệp, trang trại theo hình thức Công ty cung cấp trùn giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cam kết bao tiêu đầu ra (phân trùn, trùn thịt). Trong các hợp đồng liên kết, anh Vinh đều hướng đối tác áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình khép kín như: Trang trại nuôi bò sử dụng phân để nuôi trùn, phân trùn thu hoạch bán cho công ty, số còn lại dùng bón cây, trồng cỏ để nuôi bò, trùn thịt sử dụng để nuôi thủy sản (cá, lươn, tôm…); trang trại nuôi heo ép phân lấy xác bán cho công ty, nước phân dùng sản xuất biogas để chạy máy phát điện…   

 Bên cạnh việc cung ứng trùn giống, trùn thịt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, hiện tại, công ty của anh Vinh đã cho ra đời gần 20 chủng loại sản phẩm mang nhãn hiệu MeKong, bao gồm: Phân trùn nguyên chất; phân trùn ép viên dùng cho hoa lan, bon sai; đất sạch; phân trộn; đất trồng mai; đất trồng rau mầm; phân rơm; phân lục bình; phân bò đã qua xử lý… với tổng sản lượng tiêu thụ trên 1.300 tấn/tháng.

Cùng với phân bò tươi do các trang trại ở trong và ngoài tỉnh cung cấp (khoảng 450 tấn/tháng), Công ty cổ phần Trang trại sạch còn tận dụng các loại phụ phẩm khác làm giá thể phân như: Xơ dừa mua từ tỉnh Bến Tre (trên 7.000 bao/tháng); tận thu trên 6.500 bao rơm sau trồng nấm (ở các tỉnh An Giang, Hậu Giang) và gần 2.000 bao trấu/tháng; giúp tiêu thụ khoảng 240 tấn tro (đốt củi trấu) của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Tiền Giang (giá 133 ngàn đồng/tấn); tiêu thụ trên 100 tấn lục bình tươi (giá 300 đồng/kg) giúp khai thông dòng chảy khu vực Đồng Tháp Mười (xã Tân Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An). Đặc biệt, thông qua hoạt động logistic, Công ty đã khai thác số lượng lớn vỏ đậu phộng từ miền Trung (2.500 bao/tháng) làm giá thể rất tốt cho cây trồng.  

Để giúp cho việc phân phối sản phẩm được thuận lợi, tiết kiệm tối đa chi phí, anh Vinh thành lập 6 chi nhánh theo cụm tỉnh. Các chi nhánh có nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa cho hệ thống đại lý; đồng thời, kết nối chặt chẽ với cán bộ phụ trách logistic để điều tiết phương tiện, hạn chế tối đa trường hợp xe chạy không tải.

Có thể nói, hoạt động của Công ty cổ phần Trang trại sạch hiện do anh Vinh làm chủ theo mô hình khép kín đã giúp tái sử dụng hiệu quả phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, giải quyết tốt vấn đề môi trường ở địa phương cũng như khu vực lân cận, đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo nền nông nghiệp sạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện tại, Công ty giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động; trong đó, có khoảng 80 lao động tại địa phương. Người lao động làm việc tại công ty của anh Vinh được đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Bộ luật Lao động, như: Ngày làm việc 8 giờ; được hỗ trợ tiền ăn trưa; người lao động có thành tích tốt được xét tăng lương định kỳ 6 tháng/lần (mức tăng từ 300 ngàn đến trên 1 triệu đồng); cán bộ khung, lao động thường xuyên được xem xét thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định…

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.