Thứ Năm, 11/05/2023, 17:21 (GMT+7)
.

Nhà khoa học Australia tuyên bố đã có lời giải về Tam giác quỷ Bermuda

Một nhà khoa học Australia cho biết yếu tố xác suất là nguyên nhân hàng đầu gây ra những vụ mất tích bí ẩn ở khu vực có biệt danh Tam giác quỷ Bermuda.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Trong thế kỷ trước, khoảng 50 con tàu và 20 chiếc máy bay đã biến mất tại khu vực được mệnh danh là Tam giác quỷ Bermuda (thực tế là một khu vực không cố định nằm ở phía Bắc Đại Tây Dương, với một điểm của tam giác nằm gần Bermuda, vùng lãnh thổ Hải ngoại của Anh).

Các vụ tai nạn này đều có một điểm chung là không có cái kết rõ ràng, và chúng là nguyên nhân khiến thuyết âm mưu liên quan tới Tam giác quỷ Bermuda tăng vọt.

Đã có những hướng giả thuyết cho rằng tàu thuyền, máy bay mất tích là do tác động bởi các công nghệ còn sót lại từ lục địa huyền thoại Atlantis, từ những sinh vật khổng lồ, thậm chí do "đĩa bay" UFO, hoặc các hiện tượng và sức mạnh siêu nhiên mà con người không thể giải thích được.

Trong nỗ lực đánh tan những quan điểm này, nhà khoa học người Australia Karl Kruszelnicki, một giảng viên tại Đại học Sydney, đã quyết định lý giải hiện tượng mất tích dựa trên cơ sở khoa học.

Đầu tháng Năm vừa qua, ông chia sẻ với trang tin BGR rằng bất chấp việc có nhiều vụ tai nạn, Tam giác quỷ Bermuda thực tế chỉ có tỷ lệ máy bay và tàu thuyền mất tích ngang bằng.

Theo ông, Tam giác quỷ Bermuda trải trên một diện tích quá rộng lớn, lên tới 700.000km vuông biển, và là khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại cực lớn. Vì thế, số lượng các vụ mất tích ở đây không hề là quá nhiều.

"Tam giác Bermuda nằm gần đường Xích đạo, gần một khu vực giàu có của thế giới - nước Mỹ - nên rất đông phương tiện qua lại. Theo phân tích của công ty Lloyd's ở London (Anh) và Lực lượng Tuần duyên Mỹ, số lượng phương tiện mất tích trong khu vực Tam giác Bermuda bằng mọi nơi khác trên thế giới, nếu xét theo tỷ lệ phần trăm," ông chia sẻ với tờ Mirror.

Kruszelnicki còn chỉ ra rằng đa phần các vụ tai nạn ở khu vực này đều có nguyên nhân thời tiết xấu, hoặc thậm chí là từ những quyết định sai lầm của người điều khiển phương tiện đã bị mất tích.

Ông lấy ví dụ là vụ mất tích của Chuyến bay số 19, sự kiện đã châm ngòi cho các giả thuyết rùng rợn về Tam giác quỷ Bermuda. Chuyến bay số 19 liên quan tới một phi đội 5 chiếc máy bay ném ngư lôi TBM Avenger của Hải quân Mỹ.

Phi đội này cất cánh từ Fort Lauderdale, Florida, vào ngày 5/12/1945 để thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu thường lệ, dự kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ, trên khu vực Đại Tây Dương.

Tuy nhiên không lâu sau khi tới Tam giác quỷ Bermuda, cả phi đội máy bay đã mất liên lạc với căn cứ. Bất chấp nỗ lực tìm kiếm kéo dài, không một bằng chứng hay mảnh vỡ nào của những chiếc máy bay được tìm thấy.

Trong vụ này, Kruszelnicki chỉ ra rằng nguyên nhân có thể do các phi công điều khiển máy bay quá non kinh nghiệm. Thực tế trong số 14 thành viên phi hành đoàn của 5 chiếc máy bay, chỉ 1 người duy nhất là phi công có kinh nghiệm. Nhưng hồ sơ bay cho thấy người này lại có lịch sử đưa ra nhiều quyết định tồi.

Chưa hết, thời tiết trong ngày xảy ra vụ mất tích của Chuyến bay số 19 rất tồi tệ, khi trời có bão và biển động với sóng cao tới 5m.

Hồ sơ về hoạt động trao đổi qua sóng vô tuyến còn lưu lại cho tới nay cho thấy viên phi công chỉ huy phi đội là Thiếu úy Charles Taylor và những người khác đã bất đồng với nhau về việc nên bay về hướng nào, trước khi cả nhóm mất tích.

Taylor tin rằng cả nhóm đang bay trên khu vực Florida Keys nên đã yêu cầu phi đội rẽ về phía Đông, thay vì phía Tây, và do đó khiến cả nhóm bay sâu vào Đại Tây Dương hơn là về phía đất liền.

Và do khu vực biển nơi những chiếc máy bay bị mất tích khá sâu nên chắc chắn sẽ rất khó để tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ nào, nếu như chúng đều đã chìm hết xuống đáy biển.

Điều thú vị là quan điểm của Kruszelnicki cũng giống với quan điểm của Hiệp hội Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA).

Hồi năm 2010, NOAA từng tuyên bố: "Không có bằng chứng nào cho thấy những vụ mất tích bí ẩn ở Tam giác quỷ Bermuda xảy ra với tần suất lớn hơn so với bất kỳ khu vực rộng lớn, có nhiều phương tiện qua lại nào khác, trên đại dương."

NOAA cũng cho biết các yếu tố về môi trường có thể giải thích cho hầu hết các vụ mất tích ở Tam giác quỷ Bermuda, ví dụ như xu hướng thay đổi thời tiết rất cực đoan của Dòng hải lưu vùng Vịnh, số lượng đảo nhiều ở khu vực Biển Caribbe khiến hoạt động đi lại tại đây rất phức tạp, bên cạnh những bằng chứng cho thấy khu vực Tam giác quỷ Bermuda có khả năng gây nhiễu loạn từ trường cho các thiết bị định hướng.

Cụ thể, khi tới đây, la bàn trong các thiết bị định hướng thường quay theo hướng Bắc thực (hướng Bắc trắc địa), thay vì quay theo hướng Bắc từ, gây nhầm lẫn trong việc tìm đường.

“Hải quân Mỹ và Lực lượng Tuần duyên Mỹ cho rằng không có lời giải thích siêu nhiên nào cho các thảm họa trên biển," NOAA nói thêm.

“Kinh nghiệm của họ cho thấy rằng sức mạnh tổng hợp của tự nhiên và khả năng tính toán sai lầm của con người thường đưa tới những kết quả vượt xa cả những thứ khó tin nhất chỉ có trong khoa học viễn tưởng.”

Kruszelnicki thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng vì đã nêu quan điểm khoa học cho vấn đề Tam giác quỷ Bermuda.

Ông từng thu hút truyền thông một lần vào năm 2017 và sau đó thêm lần nữa vào năm 2022, trước khi xuất hiện trở lại vào năm nay. Lần nào ông cũng kiên định với cùng một quan điểm: những con số không biết nói dối và không có bí ẩn siêu nhiên nào ở Tam giác quỷ Bermuda.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/nha-khoa-hoc-australia-tuyen-bo-da-co-loi-giai-ve-tam-giac-quy-bermuda/861861.vnp)

.
.
.