Thứ Sáu, 30/06/2023, 10:05 (GMT+7)
.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành tạo ra chế phẩm vi sinh phòng trừ bệnh cho cây ổi

Sau quá trình trải nghiệm thực tế, tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã tạo ra chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ phòng trị bệnh tuyến trùng và nấm gây bệnh trên cây ổi canh tác tại một số xã thuộc huyện Cái Bè mang lại hiệu quả rất khả quan.

Giải pháp nghiên cứu của Thạc sĩ Thành không chỉ giúp phòng trừ sâu bệnh trên cây ổi hiệu quả, mà còn giải quyết tốt vấn đề môi trường do hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học.  
    
GIẢI PHÁP THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành cho biết, diện tích canh tác cây ổi trên địa bàn huyện Cái Bè hiện không ngừng gia tăng (trên 1.500 ha). Ổi thường được trồng xen canh với một số cây ăn trái khác (sầu riêng, mít…) để lấy ngắn nuôi dài, chủng loại rất đa dạng, bao gồm: Ổi Đài Loan, Nữ Hoàng, Trân Châu, xá lỵ, ruột đỏ… kéo theo đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây ổi cũng xuất hiện ngày càng nhiều; trong đó, bệnh tuyến trùng (Meloidogyne enterolobi) và bệnh nấm (Nalanthamala psidii) thường song hành tấn công lên bộ rễ, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái, thậm chí gây chết cây.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành (bên phải) hướng dẫn nông dân phối trộn chế phẩm và phân hữu cơ để bón cho ổi.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thành (bên phải) hướng dẫn nông dân phối trộn chế phẩm và phân hữu cơ để bón cho ổi.

Để phòng trị sâu bệnh, nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực (BVTV) để phun xịt nhưng hiệu quả không cao và làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cũng như sự đa dạng sinh học. Những loại thuốc BVTV (Basudin 10H, Map logic, Ridomil, Topcin…) chỉ khống chế nấm bệnh trong thời gian ngắn (1 - 2 tháng), sau đó chúng bộc phát với mức độ nặng hơn và lây lan với tốc độ nhanh hơn.

"Sau khi hỗ trợ cho trên 20 hộ trồng ổi ở 2 xã Mỹ Tân và Hòa Hưng sử dụng chế phẩm trên thành công, tôi tiếp tục phối hợp Hội Nông dân huyện, xã trên địa bàn huyện Cái Bè triển khai cho hộ trồng ổi ở 2 xã Tân Hưng và Tân Thanh. Tôi cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng bảo hộ đối với chế phẩm vi sinh do tôi tạo ra; đồng thời, gửi hồ sơ tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023)”

THẠC SĨ NGUYỄN NGỌC THÀNH

Xuất phát từ thực tế trên, cũng như sau thời gian trăn trở trước những khó khăn của người trồng ổi, Thạc sĩ Thành bắt tay vào nghiên cứu tạo ra chế phẩm vi sinh vừa giúp phòng trị bệnh tuyến trùng, vừa tiêu diệt nấm gây bệnh. Theo Thạc sĩ Thành, bệnh tuyến trùng do con tuyến trùng sống trong đất (giống con trùn đất) gây ra, làm cho rìa lá có những vết chấm gỉ sắt, rễ có những khối u, sưng phù hoặc thối. Tuyến trùng thường tấn công vào rễ non, sau đó tạo cơ hội cho nấm tấn công bề mặt rễ bị tổn thương. 

Để tạo ra chế phẩm, Thạc sĩ Thành sử dụng 6 chủng vi sinh gồm: Trichoderma viride, Treptomyces sp, Bacillus sp, nấm trắng, nấm xanh, nấm tím (do Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh sản xuất) nuôi riêng từng chủng trong thời gian 3 tháng, sau đó phối trộn với phân hữu cơ (hiệu con gà) để bón cây ổi chia làm 3 đợt và theo dõi kết quả triển khai trong khoảng 9 tháng.

KẾT QUẢ KHẢ QUAN     

Để kiểm chứng giải pháp do mình nghiên cứu, Thạc sĩ Thành triển khai thí nghiệm tại hộ ông Nguyễn Văn Tùng (ấp 4, xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè) cho vườn ổi bị bệnh tuyến trùng và bệnh nấm. Vườn trồng ổi Đài Loan và Nữ Hoàng 28 - 30 tháng tuổi, diện tích thí nghiệm 9.000 m2, đối chứng 1.000 m2 (không sử dụng chế phẩm).

Vườn ổi của ông Trần Văn Đậm phục hồi tốt sau sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ.
Vườn ổi của ông Trần Văn Đậm phục hồi tốt sau sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn phân bón hữu cơ.

Đầu tiên, sau khi tỉa cành, tạo tán, Thạc sĩ Thành hướng dẫn nông dân sử dụng 1 kg chế phẩm (phối trộn 6 chủng vi sinh sau 3 tháng nuôi) trộn với 50 kg phân hữu cơ bón quanh gốc với liều lượng 2 kg/cây; 15 ngày sau bón phân NPK (20-20-10) liều lượng 150 g/cây kết hợp tưới nước giữ ẩm cho cây hút phân trong thời gian từ 7 - 10 ngày.

60 ngày sau, nhà vườn tiếp tục bón 50 kg phân hữu cơ trộn chế phẩm và bón NPK (15 ngày sau bón phân hữu cơ) với liều lượng lần lượt 3 kg/cây và 200 g/cây. 90 ngày sau, nhà vườn tiếp tục bón 50 kg phân hữu cơ trộn chế phẩm và bón NPK (15 ngày sau bón phân hữu cơ) với liều lượng lần lượt 3 kg/cây và 200 g/cây kết hợp tưới giữ ẩm. 

" Trước đây, vườn ổi của tôi bị bệnh tuyến trùng, lá ổi bị chấm gỉ sắt nhỏ, sau đó lan rộng làm lá bị héo, chết nhánh, rồi chết cây. Để trị bệnh, tôi sử dụng thuốc BVTV để tưới vào gốc, cách 20 ngày tưới một lần (chi phí mỗi lần khoảng 1,5 triệu đồng) nhưng vẫn không trị tận gốc bệnh. Sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh của Thạc sĩ Thành kết hợp bón phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học nên chi phí giảm trong khi cây ổi phục hồi tốt hơn và cho trái sai hơn…”

ÔNG TRẦN VĂN ĐẬM (ẤP HÒA, XÃ HÒA HƯNG, HUYỆN CÁI BÈ)     

 

Kết quả, sau 3 đợt bón chế phẩm kết hợp phân hữu cơ và NPK, cây ổi phục hồi tốt, lá xanh mượt, rìa lá không còn vết chấm gỉ sắt, bộ rễ phát triển tốt (rễ không còn bị bướu, thối); đặc biệt, cây cho trái sai hơn, trái loại 1 chiếm 90% (3 trái/kg) nên giá bán cao hơn. So với nhóm đối chứng, năng suất tăng 1,2 tấn/ha/tháng trong khi chi phí bón phân, phun thuốc giảm trên 21,5 triệu đồng/ha.

Tương tự, kết quả thực hiện tại hộ ông Trần Văn Đậm (ấp Hòa, xã Hòa Hưng) đối với vườn ổi Nữ Hoàng diện tích 4.000 m2 trong thời gian 6 tháng giúp tiết kiệm chi phí trên 6,1 triệu đồng (so với nhóm đối chứng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học); bệnh tuyến trùng và nấm trên ổi được điều trị triệt để, cây có cành mang trái tăng từ 65 cành/cây lên 82 cành/cây, thậm chí 95 cành/cây.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.