Thứ Tư, 25/04/2012, 16:37 (GMT+7)
.

Tân Hòa Đông, 37 năm sau…

37 năm trước, muốn vào xã Tân Hòa Đông (Tân Phước), bà con phải bơi xuồng hơn buổi trời. Còn bây giờ xe hơi chạy vào tận xã, máy kobe xuống đồng làm đất. Có sống trong cả 2 không gian ấy mới cảm nhận và trân trọng thành quả lao động của bà con bám trụ, khai hoang, chiến thắng thiên nhiên.

Tân Hòa Đông có diện tích 2.700 ha với 700 hộ dân và trên 2.600 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 4 ấp: Tân Thuận, Tân Thành, Tân Phát và Tân Long. Bước ngoặt đổi đời ở đây mở ra từ chủ trương “sống chung với lũ” đã đi vào đời sống.

Xã tranh thủ sự trợ giúp của Nhà nước kiện toàn các ô đê bao ngăn lũ, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ gắn với chuyển dịch có hiệu quả về cây trồng trong các ô đê bao, trong đó xác định khóm, khoai mỡ, cây lâm nghiệp... là những cây trồng chủ lực của vùng đất mới. Xã hiện có 15 ô đê bao ngăn lũ bảo vệ trên 1.900 ha đất trồng trọt.

Thu hoạch khoai mỡ ở Tân Hòa Đông.
Thu hoạch khoai mỡ ở Tân Hòa Đông.

 

Đây là tiền đề để Tân Hòa Đông đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với việc thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng; định hình được vùng chuyên canh 1.383 ha khóm, 150 ha khoai mỡ, còn lại là các cây trồng khác.

“Năm 2012, xã tiếp tục xây dựng thêm 2 ô đê bao ngăn lũ, bảo vệ thêm hàng trăm ha đất sản xuất. Với các ô đê bao ngăn lũ triệt để, chúng tôi an tâm sản xuất, không còn phải lo vất vả chạy lũ, cơ sở hạ tầng và cây trồng, vật nuô không còni chịu thiệt hại lớn như trước” - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Ánh Nguyệt vui mừng nói.

Còn cụm dân cư vượt lũ được quy hoạch ở khu vực Xóm Tre có diện tích 4 ha, gần 200 nền nhà đã cơ bản hoàn thiện về điện, đường, nền hạ... Xã đang khẩn trương bố trí dân cư trước mùa lũ 2012.

Về giao thông nông thôn, xã trải đá được 4 tuyến đường liên ấp có tổng chiều dài trên 14km, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương của bà con. Năm 2012, Tân Hòa Đông tiếp tục đầu tư kinh phí bắc thêm 3 cầu nông thôn kiên cố: Chín Hấn, Ông Địa và Bốn Mét với kinh phí khoảng nửa tỷ đồng.

Ở Tân Hòa Đông hôm nay, những ai đến lập nghiệp, bám trụ từ trước đều giàu, khá hẳn. Hộ ít cũng sở hữu dăm ba ha, hộ nhiều hàng chục ha đất canh tác với giá trị lên đến vài ba tỷ đồng (tính bình quân giá mỗi ha đất sản xuất  từ 200 – 300 triệu đồng).

Vụ khoai mỡ 2012, nông dân trong xã vừa trúng mùa, trúng giá. Thương lái đến thu mua tại chỗ có lúc lên đến 12.000 đồng/kg, mỗi ha cho nông dân thu trên 100 triệu đồng. Nhiều hộ dân bỏ túi tiền tỷ sau một vụ sản xuất bội thu.

Đổi đời – đó là điều đáng mừng, nhất là đối với những nông dân chân lấm tay bùn từ khắp nơi hưởng ứng chủ trương di dân vào Đồng Tháp Mười đã chọn Tân Hòa Đông làm quê hương thứ hai của mình.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, cái tên Tân Hòa Đông trở nên thân thiết trong ký ức cán bộ, bộ đội, bởi nơi đây là căn cứ của Huyện ủy, Tỉnh ủy, Khu ủy…; là địa bàn giáp ranh giữa Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long An.

Tân Hòa Đông xưa che chở cách mạng và nay khoác lên mình diện mạo mới…

MINH TRÍ

.
.
.