Thứ Sáu, 01/06/2012, 13:00 (GMT+7)
.

Thương lái Trung Quốc thu mua nông sản - thoắt ẩn, thoắt hiện

Thời gian gần đây, nhiều thương lái ở Tiền Giang ngơ ngác vì đột nhiên xuất hiện trạm thu mua khóm của thương lái Trung Quốc tại cầu Kinh Xáng trên QL1A (đối diện với Công ty CP Rau quả Tiền Giang) rồi lại đột ngột biến mất. Đến ngày 30-5, qua thông tin của các chủ vựa nội địa xác định các thương lái này đang mua khóm ở tận Kiên Giang và Hậu Giang.

Chê rồi bỏ đi

Ông Huỳnh Văn Thuận, chủ vựa khóm Hiếu Châu ở thị trấn Mỹ Phước (Tân Phước) là một trong những thương lái đã từng bán khóm cho người Trung Quốc tại cầu Kinh Xáng vào tuần trước. Thương lái Trung Quốc được thương lái người Việt đưa vào tận vùng nguyên liệu khóm Tân Phước để tìm hiểu, đặt hàng thu mua khóm loại 1 (từ 1kg/trái trở lên) với giá trên 4.000 đồng/kg.

Thấy giá hấp dẫn, ông Thuận đã thu gom, lựa ra được 2 container hơn 42 tấn cho thương lái Trung Quốc dù không có hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng. Tuy nhiên, sau đó họ ngưng thu mua với lời nhắn: “Một số người trộn khóm nhỏ dưới 1kg/trái vào nên không mua nữa”.

Mấy hôm nay, ông Thuận không thấy thương lái Trung Quốc nữa, nhưng có vài người Việt đi rảo khắp vùng khóm Tân Phước hỏi mua khóm loại 1 nói là xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù vậy ông không nhận lời thu gom hàng giao cho những người này vì hơi sợ.

Ông Thuận kể: “Hôm bán khóm cho người Trung Quốc, họ chỉ đặt tiền cọc trước có 10 triệu đồng, tôi phải đứng giữ container của họ ở vựa cả buổi trời, khi nào lấy đủ tiền mới cho xe chạy. Làm ăn kiểu này hồi hộp quá”.

Thương lái thu mua khóm ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) nói là để bán cho thương lái Trung Quốc.
Thương lái thu mua khóm ở huyện Tân Phước nói là để bán cho người Trung Quốc.

Còn thương lái tên Châu (cũng ở thị trấn Mỹ Phước) bán khóm cho thương lái tên Trí, sau đó người này đem bán cho thương lái Trung Quốc. Mặc dù bán được khóm nhưng bà Châu không an tâm: “Họ mua tất cả các loại khóm lớn, xanh lè hay chín rục cũng mua. Họ đề nghị hợp tác làm ăn từ giờ tới tháng 8-2012 nhưng tôi không đồng ý”.

Ông T. (một người đi thu gom khóm ở Tiền Giang bán cho Trung Quốc) cho biết, sở dĩ thương lái Trung Quốc tạm ngưng thu mua khóm ở cầu Kinh Xáng là do ở vùng khóm Tiền Giang hết khóm loại 1. Hiện nay họ đã sang vùng khóm Kiên Giang để tìm mua.

Hỏi qua một vòng các thương lái nông sản có tiếng ở Tiền Giang, cuối cùng chúng tôi cũng xác định được 2 thương lái Trung Quốc đã từng “đóng quân” ở cầu Kinh Xáng hiện đang có mặt ở Kiên Giang và Hậu Giang. Người đưa đi là ông Út Linh (một thương lái chuyên xuất khẩu nông sản ở huyện Cái Bè).

Ông Út Linh cũng nói, do ở Tiền Giang hết khóm loại 1 nên phải đi nơi khác tìm mua. Khi nào ở Tiền Giang thu hoạch rộ thì họ sẽ quay trở lại. Ông Linh còn cho biết, 2 thương lái Trung Quốc còn tìm mua khoai môn và củ sắn để xuất qua Quảng Châu.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi "Vì sao giá khóm tại Trung Quốc chỉ khoảng 3.000 đồng/kg mà thương lái của họ sang Việt Nam mua với giá trên 4.000 đồng/kg?", ông Út Linh giải thích: “Khóm ở Trung Quốc không ngọt bằng khóm trồng ở những vùng nhiễm phèn nặng như Tiền Giang, Kiên Giang. Khóm của mình cho trái rất ngọt nên được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng”.

Luật chơi... cầm tiền trước

Ông Út Linh cho biết, ông là một trong những người ở Tiền Giang đầu tiên xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc, trong đó có mặt hàng khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long.

Tuy nhiên, sau khi thương lái Trung Quốc thấy “dễ ăn” liền sang tận vùng nguyên liệu Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long) đặt hàng chục vựa thu mua thì ông Linh cũng bỏ nghề xuất khoai lang vì nhìn thấy tương lai không còn sáng sủa.

“Bây giờ bên Trung Quốc dư thừa khoai lang, nhiều thương lái ôm nợ chạy về nước, bỏ nông dân và thương lái người Việt mình bơ vơ. Khoai không ai mua, rẻ như bèo” - ông Út Linh nói.

Chúng tôi hỏi: “Hình như ông không tin thương lái Trung Quốc mặc dù ông đang làm ăn chung, dắt họ đi cùng?”. Ông Út Linh thừa nhận: “Hồn ai nấy giữ, tôi không tin họ. Tôi cũng đã qua nhà họ ở Quảng Châu chơi nhiều lần. Họ qua thì ngủ ở nhà tôi chứ đâu. Nhưng làm ăn thì phải tuân thủ nguyên tắc, chuyển tiền trước thì tôi mới giao hàng”.

Theo đó thương lái Trung Quốc luôn chuyển tiền cho ông trước khoảng 400-500 triệu đồng. Khi nào tiền trong tài khoản còn ít, ông báo cho họ chuyển tiếp. Nhận được tiền, ông mới cho xe container chở hàng ra cửa khẩu Tân Thanh.

Ông Đỗ Văn Phước, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang cho biết, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra vựa thu mua khóm tại cầu Kinh Xáng nhưng giấy tờ do người Việt đứng tên. Thương lái Trung Quốc có mặt nhưng được giải thích là chỉ xem chứ không liên quan.

Trường hợp núp bóng kiểu này không thể xử lý, nhắc nhở gì được. Do đó, để tránh thiệt hại khi làm ăn với thương lái Trung Quốc, thương nhân và nông dân người Việt cần phải yêu cầu họ ký kết hợp đồng hoặc mua bán bằng tiền mặt.

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Ngọc Ngân cho biết, ông thường xuyên xuất khẩu nhãn, chuối, khoai môn cho Trung Quốc. Hai bên cũng rất thân thiết nhau, thường xuyên đến nhà nhau chơi nhưng cũng không tin tuyệt đối.

“Khi phía Trung Quốc đặt hàng, mình yêu cầu họ chuyển tiền trước. Nhận được tiền thì mình sẽ giao hàng cho họ. Thực ra đây cũng là cách làm phổ biến của giới xuất khẩu nông sản. Phía thương lái Trung Quốc cũng biết luật chơi này”.

Hỏi "Vì sao thương lái Trung Quốc sang tận vùng nguyên liệu Việt Nam để mua hàng mà không chờ ông chở ra?", ông Út Linh cho rằng, họ đến chủ yếu để tìm hiểu nguồn nguyên liệu và tự xác định kích cỡ, trọng lượng nông sản để mình căn cứ vào đó mua.

Còn việc thu mua đều do người Việt đảm nhận. Sau khi mua đầy container thì chở ra cửa khẩu Tân Thanh giao cho họ. Lúc đó họ không thể chê ỏng chê ẹo mà buộc phải nhận hết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều thương lái Trung Quốc sang Vĩnh Long mở vựa thu mua khoai lang cuối năm 2011 cũng nhờ thương lái người Việt đứng tên đăng ký kinh doanh. Mặc dù vậy, thương lái Trung Quốc điều khiển toàn bộ hoạt động thu mua, giá cả và vận chuyển ra cửa khẩu. Đây cũng là cách phổ biến mà người Trung Quốc áp dụng để “lách luật”.

T. HẰNG - N. TÀI

.
.
.