Thứ Sáu, 19/10/2012, 09:34 (GMT+7)
.

Phổ biến kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị thanh long

Ngày 17-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Chỉ đạo về hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị thanh long và nhân rộng đối với các sản phẩm trái cây khác.

Đây là kết quả ban đầu do chương trình  B-WTO tài trợ nằm trong dự án “Hỗ trợ xuẩt khẩu trái cây tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - mô hình thí điểm tại tỉnh Tiền Giang” do Thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh (Sở Công thương) phối hợp với Công ty T&C thực hiện.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty T&C về hiệu quả sản xuất thanh long của nhà vườn năm 2011 cho thấy, chi phí vụ thuận, chỉ từ 2.500-2.700 đồng/kg. Tuy nhiên, chi phí vụ nghịch lại cao hơn rất nhiều so với vụ thuận (từ 7.000-7.300 đồng/kg).

Với mức chi phí và giá bán bình quân như năm 2011, trung bình mỗi năm nếu các nhà vườn chỉ xông đèn một lần sẽ có lợi nhuận bình quân 110 triệu đồng/ha. Nhưng hiện nay phần lớn các hộ xông đèn hai lần nên lợi nhuận bình quân đạt từ 140-150 triệu đồng/ha.

Nghiên cứu chi phí và lợi nhuận năm 2011 với kênh xuất khẩu sang Trung Quốc cho thấy, nếu tính trên một đơn vị xuất khẩu (1kg), lợi nhuận mà nhà vườn thu được là lớn nhất, khoảng 60%; tiếp theo là các nhà xuất khẩu với trên 20%.

Kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị trái thanh long là tiền đề quan trọng để tiến hành nghiên cứu chuỗi giá trị các loại nông sản. Ảnh: Vân Anh
Kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị trái thanh long là tiền đề quan trọng để tiến hành nghiên cứu chuỗi giá trị các loại nông sản. Ảnh: Vân Anh

Cũng theo kết quả của nhóm nghiên cứu, có đến 80% sản lượng thanh long của Việt Nam được xuất khẩu. Năm 2010, thanh long đã mang về cho Việt Nam 58 triệu USD, tăng 70,9% so với năm 2009  và năm 2011 đạt hơn 86 triệu USD.

Thanh long hiện đang là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tất cả các mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu thanh long số 1 trên thế giới. Trái thanh long Việt Nam đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường được coi là khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dù có sự phát triển mạnh về sản xuất trong những năm gần đây nhưng sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị trái thanh long chưa mạnh.

Nhìn chung, sự gắn kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn rất yếu. Các công ty xuất khẩu chưa xây dựng những vùng nguyên liệu cho mình mà chủ yếu thu mua thông qua trung gian.

Theo kết quả khảo sát, có 55% nhà vườn có ký hợp đồng với thương lái và chủ vựa. Tuy nhiên, chủ yếu là hợp đồng miệng và có hiệu lực trong thời gian ngắn. Trước khi thanh long thu hoạch khoảng 5-7 ngày, thương lái đi đến và đàm phán giá cả, sau đó đặt cọc tiền mua. Do tính pháp lý không chặt chẽ nên thường xảy ra tình trạng nhà vườn hoặc người mua tự phá vỡ hợp đồng nhưng  không có bên nào đứng ra giải quyết.

Gần đây, với sự phát triển thanh long ở Chợ Gạo cũng có khá nhiều thương lái hơn, kể cả những thương lái ngoài tỉnh. Sự phát triển này cũng có tác động tích cực đối với nhà vườn có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, việc làm ăn với những thương lái mới có thể sẽ mang lại những rủi ro hơn. Không ít hộ đã bị những thương lái nợ kéo dài.

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho rằng, muốn sản xuất, tiêu thụ thanh long được bền vững cần bắt đầu từ nhu cầu của thị trường tiêu thụ mới định hướng lại sản xuất; bắt đầu cả về chất lượng và số lượng; tăng cường liên kết dọc kết nối với nhau bằng các hợp đồng và liên kết ngang bằng cách thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hay hiệp hội sản xuất…

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị trái thanh long là tiền đề quan trọng để tiến hành nghiên cứu chuỗi giá trị các loại nông sản khác mà Tiền Giang đang có nhiều lợi thế…

THẾ ANH

.
.
.