Chủ Nhật, 25/11/2012, 08:01 (GMT+7)
.

Tình hình kinh tế Việt Nam có thể khả quan hơn vào năm 2013

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 nhằm đưa ra những nhận định, dự báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2013.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định rằng: Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kích thích tổng cầu như: đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư phát triển, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp... nhưng nhìn chung tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và chưa cải thiện đáng kể.

Tình hình kinh tế Việt Nam có thể khả quan hơn và
Tình hình kinh tế Việt Nam có thể khả quan hơn vào năm 2013.

Kinh tế 10 tháng qua đã tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ nhiều năm, dự báo tăng trưởng cả năm chỉ đạt 5,2%.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, công nghiệp chỉ tăng 4,8% (bằng một nửa so với các năm trước), tồn kho hàng hóa trên 20%.

Theo các chuyên gia, để chặn đà suy giảm của nền kinh tế, cần phải giải quyết được nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Ngân hàng nói: “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì chúng ta phải tạo cho doanh nghiệp môi trường hoạt động thông suốt nhất, không có rào cản nào làm cho doanh nghiệp khó khăn trong mở rộng sản suất của mình.

Đồng thời, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng như trên thị trường tài chính cần phải tạo được lòng tin thị trường tốt hơn để các khoản vốn vay mượn có thể thông suốt hơn, như vậy sẽ tạo ra được dòng vốn hữu ích hơn cho tăng trưởng kinh tế”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới có nhiều dấu hiện khả quan hơn, tuy vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, cần xem năm 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp, nên cần tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định.

Tiến sĩ Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô tại Việt Nam của Tổ chức hợp tác phát triển Đức cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sự tăng trưởng trong thời gian qua. Nếu những giải pháp như kiềm chế lạm phát, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước… đạt được hiệu quả thì kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển trong thời gian tới.

Tôi cho rằng, Việt Nam nên có những cải cách toàn diện nền kinh tế với các giải pháp đồng bộ như: nâng cao hiệu quả đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng... gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng".

(Theo VOV)

.
.
.