Thứ Sáu, 14/12/2012, 06:28 (GMT+7)
.

Xúc tiến đầu tư ĐBSCL: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

Mổ xẻ những hạn chế, khó khăn; tìm ra nguyên nhân và định ra giải pháp cho công tác xúc tiến đầu tư của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời gian tới… đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) vừa qua.  

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CHƯA HẤP DẪN

Theo nhận định của các đại biểu tham gia hội nghị, qua các lần tổ chức MDEC, Ban chỉ đạo Diễn đàn đã tập hợp được các sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cán bộ quản lý cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương, qua đó tính liên kết vùng, liên kết giữa ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh được nâng cao và ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tổ chức một số cuộc hội thảo, hội nghị về công tác xúc tiến chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số kiến nghị chưa thực hiện triệt để, điển hình như cơ chế liên kết vùng.

Công tác xúc tiến đầu tư tuy được quan tâm nhưng số dự án triển khai còn ít. Diễn đàn tổ chức hàng năm với chủ đề, nội dung khác nhau nhưng không tránh khỏi sự trùng lắp, chưa thật sự thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Ngành Công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp sẽ được ĐBSCL ưu tiên mời gọi đầu tư trong thời gian tới. Trong ảnh: Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang.
Ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp sẽ được ĐBSCL ưu tiên mời gọi đầu tư trong thời gian tới. (Trong ảnh: Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty CP Rau quả Tiền Giang)

Đánh giá về những khó khăn trong công tác xúc tiến thời gian qua, ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, quỹ đất sạch là yếu tố quan trọng, nhưng luôn là vấn đề khó cho công tác thu hút, mời gọi đầu tư.

Công tác cải cách hành chính tuy được hoàn thiện dần nhưng sự phối hợp, giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án trước và sau khi cấp phép đầu tư vẫn chưa thông suốt. Thông tin xúc tiến còn thiếu, sự lựa chọn dự án theo ý của địa phương và phù hợp với điều kiện của nhà đầu tư vẫn còn một khoảng cách nhất định; có dự án ngoài quy hoạch và nhiều dự án có trong quy hoạch nhưng không tìm được nhà đầu tư.

Ngoài ra, cũng theo ông Sương thì môi trường đầu tư của vùng chưa thật sự hấp dẫn. Hoạt động xúc tiến đầu tư ở ĐBSCL chưa có định hướng rõ ràng, còn làm theo phong trào và không có cơ chế phối hợp giữa các địa phương.

Nhiều hoạt động mang tính dàn trải, phân tán, có nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm diễn ra cùng ngày, kinh phí lớn trong khi hiệu quả mang lại không cao và không thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, triển lãm có nhiều nhưng lại thiếu những hội chợ chuyên đề, như: du lịch, cá, lúa, tôm… để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.

Để mời gọi đầu tư 137 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 118.224 tỷ đồng và 698 triệu USD, sắp tới trong công tác xúc tiến đầu tư ĐBSCL sẽ tập trung vào một số vấn đề sau:

Ưu tiên mời gọi xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch; khống chế diện tích quy hoạch KCN ở mức hợp lý, bảo đảm để phục vụ ngành Công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Việc thu hút dự án mới chỉ ưu tiên cho các KCN đã được quy hoạch, hạn chế đầu tư ngoài KCN và không nằm trong quy hoạch.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục đầu tư theo hướng tinh gọn, một cửa, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.

Tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án khai thác thế mạnh của vùng, các dự án có hàm lượng công nghệ thân thiện môi trường, dự án công nghiệp phụ trợ, các dự án có tỷ suất đầu tư cao, sử dụng ít đất, công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, sử dụng lao động có kỹ năng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Long An thì cho rằng: Năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ làm công tác xúc tiến còn hạn chế; công tác xã hội hóa trong đầu tư chưa mạnh, trong khi nguồn kinh phí phục vụ  cho công tác xúc tiến hàng năm rất hạn hẹp.

ĐỂ KHÔNG CÒN “MẠNH AI NẤY LÀM”

Qua hội nghị đã được sự đồng thuận về các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch trong thời gian tới. Cụ thể: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định về ưu đãi đầu tư thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.

Hoàn thiện đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương, kết hợp nguồn vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án thứ cấp.

Có chính sách ưu đãi đặc biệt với các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch về nguồn vốn, lãi suất, thuế, đất đai với các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng ĐBSCL và cơ chế, chính sách đặc thù trong việc thu hút đầu tư cho vùng ĐBSCL. Đề nghị Bộ KH-ĐT xây dựng đề án xúc tiến đầu tư chung cho vùng ĐBSCL dựa trên cơ sở tiềm năng, nhu cầu phát triển của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tỉnh trong thu hút đầu tư.

Nghiên cứu thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL với cơ chế là ngân sách Trung ương nhưng thuộc Bộ KH-ĐT để hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư cho cả vùng, nhất là vùng kinh tế trọng điểm.

Nâng cao chất lượng quy hoạch các ngành, vùng, các sản phẩm quan trọng, khuyến khích dành ưu đãi cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển các ngành nghề, sản phẩm là thế mạnh của vùng.

Đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vùng xây dựng, quảng bá thương hiệu về các sản phẩm nông, thủy sản. Tổ chức showroom đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh dành cho các tỉnh ĐBSCL để giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hóa và thực hiện giao dịch. Đồng thời xây dựng chương trình xúc tiến xuất khẩu với một số mặt hàng chủ lực của vùng để liên kết các tỉnh thực hiện.

Đề nghị Bộ VH-TT&DL hỗ trợ vùng ĐBSCL có một đầu mối cấp khu vực để tập hợp, giới thiệu các dự án đầu tư về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nghiên cứu, tổ chức hội thảo trao đổi về việc xây dựng các mô hình phát triển du lịch của từng tỉnh, thành trong khu vực để tránh sự trùng lắp trong đầu tư các sản phẩm du lịch, nhằm tạo sự đa dạng, độc đáo của từng địa phương trong tiếp đón, phục vụ du khách.

DUY SƠN

.
.
.