Thứ Sáu, 01/02/2013, 05:47 (GMT+7)
.

Thiếu vốn, khó khăn lớn nhất của ngành cá tra

Vốn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, bên cạnh sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường nhập khẩu và những bất cập nội tại… là những vấn đề quan trọng được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL năm 2012 và kế hoạch năm 2013” tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 25-1.

VỐN CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU SẢN XUẤT

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012 diện tích nuôi cá tra khu vực ĐBSCL đạt 5.910 ha với sản lượng thu hoạch 1,3 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, giảm 3,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Giá cá tra nguyên liệu nằm ở mức thấp, dao động từ 19.000-24.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn và các chi phí đầu vào liên tục tăng khiến người nuôi lỗ từ 1.000 - 4.000 đồng/kg. Vùng ĐBSCL có hơn 130 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó có 64 công ty chế biến, 72 công ty thương mại (có 20 công ty đang hoạt động cầm chừng do thua lỗ).

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thừa nhận, thiếu vốn sản xuất cùng với lãi suất vay ngân hàng cao là khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2012. Cụ thể, trong quý 2 và quý 3-2012, lãi suất cho vay của các ngân hàng dao động từ 15-24%/năm nên hầu hết doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, phá sản hoặc bên bờ vực phá sản.

Đối với người nuôi, hoạt động nuôi cá tra đòi hỏi nguồn vốn đầu tư từ 6-10 tỷ đồng/ha nhưng do tài sản đã thế chấp ngân hàng cộng với việc thua lỗ ở những vụ nuôi trước nên không thể tiếp tục vay vốn tái sản xuất, đành phải treo ao.

Thu hoạch cá tra. Ảnh: T.T
Thu hoạch cá tra. Ảnh: T.T

Trong khi đó, ông Cát Quang Dương, Vụ phó Vụ Tín dụng Nhà nước cho biết, tổng dư nợ cho vay ngành cá tra năm 2012 lên tới 22.700 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012; trong đó cho vay đối với nuôi trồng gần 7.800 tỷ đồng, tăng 39,7%, chế biến hơn 14.900 tỷ đồng, tăng 18,46%; một số tỉnh có số dư nợ cao như: Cần Thơ trên 6.000 tỷ đồng, An Giang hơn 5.900 tỷ đồng; Đồng Tháp hơn 5.300 tỷ đồng.

Trước thực trạng thiếu vốn của ngành cá tra và số liệu cho vay của ngành Ngân hàng, ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đặt vấn đề “liệu có phải dư nợ cho vay ngành cá tra tăng trưởng 25% trong năm qua là do lãi chồng lãi?”. Nhưng cho dù dòng vốn tín dụng hơn 22.700 tỷ đồng có thực sự được “bơm” vào thị trường cho ngành cá tra, theo ông Dương Ngọc Minh cũng là quá nhỏ so với đóng góp hơn 1,7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm mà con cá tra mang lại.

Đối với những doanh nghiệp may mắn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, ngoài việc đáp ứng được những điều kiện khắt khe, doanh nghiệp cũng vô cùng khó khăn do phải đối mặt với áp lực trả nợ sớm. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, hiện nay hơn 60% lượng cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu là do doanh nghiệp tự nuôi (thời gian 6-8 tháng) nhưng ngân hàng lại cho vay dưới hình thức mua cá trong dân chỉ trong thời gian 4 tháng. Điều này khiến doanh nghiệp vô cùng vất vả vì chu kỳ sản xuất, chế biến phải từ 8-10 tháng.

KHÓ KHĂN NỘI TẠI

Bên cạnh đó, theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), thời gian qua nhiều doanh nghiệp vay vốn đầu tư nhà máy chế biến nhưng chỉ vay được vốn ngắn hạn. Do đó, đến khi ngân hàng đòi lại vốn, doanh nghiệp gặp khó khăn phải nợ lại người nuôi. Điều này khiến người nuôi cụt vốn, cộng với áp lực lãi suất của ngân hàng phải bán đổ bán tháo cá dẫn đến lỗ lã.

Vừa qua, để cứu ngành cá tra, Chính phủ đã có Công văn 1149 về việc tháo gỡ chính sách tín dụng cho ngành cá tra. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua kết quả khảo sát thì những người dân, đặc biệt là những hộ nuôi nhỏ lẻ đến nay vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách này.

Theo Tổng cục Thủy sản, do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng giảm chi tiêu, nên trong năm 2012 có tới 7 thị trường trong số 10 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu như: EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Arập Xêút, Ai Cập…

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng khó khăn của thị trường là điều đáng lo ngại nhưng lợi nhuận giảm còn đáng lo hơn. Chẳng hạn, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU năm 2012 đạt 425,8 triệu USD, giảm 19,1% so với năm 2011; dù giá bình quân tăng 4% nhưng do giá đầu vào đều tăng cao hơn nên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm. Trong khi đó, thị trường lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam là Mỹ có giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam năm 2012 đạt 358,9 triệu USD, tăng 8,2% so với năm 2011 nhưng giá sản phẩm lại giảm dù rằng trước đó đã có thoả thuận thống nhất giá sàn xuất khẩu sang Mỹ hàng tháng nhưng không duy trì được.

Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm là do có tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chào phá giá lẫn nhau để giành hợp đồng.

Ngoài ra, đã nhiều năm qua, vấn đề quy hoạch vùng nuôi cá tra đã được đặt ra nhưng đến nay công tác quy hoạch nuôi cá tra vẫn chưa theo kịp sản xuất, nghề nuôi cá tra vẫn còn phát triển một cách tự phát.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như những hạn chế còn tồn tại, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP dự báo sản lượng nuôi cá tra năm 2013 sẽ giảm mạnh xuống mức dưới 1 triệu tấn, thậm chí chỉ khoảng 800 ngàn tấn; giá trị xuất khẩu cũng sụt giảm còn từ 1,5-1,6 tỷ USD.

THÀNH CÔNG

.
.
.