Thứ Năm, 07/02/2013, 05:57 (GMT+7)
.

Để nông nghiệp là “đòn bẩy” phát triển kinh tế

Theo dự báo của Sở NN&PTNT, năm 2013 tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; áp lực về thiên tai, dịch bệnh ngày càng cao hơn; biến động thất thường của thời tiết, khí hậu; giá vật tư đầu vào cho sản xuất liên tục tăng cao. Đó là các yếu tố tác động không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nông hộ cũng như tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Những khuyến cáo

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực tỉnh dự báo: Năm 2013, tình hình xuất khẩu gạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do Thái Lan đang dự trữ trên 10 triệu tấn gạo, Philippines đang dần tự túc lương thực. Trước mắt, Công ty Lương thực tỉnh đang xây dựng và triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ lúa gạo trong vụ sản xuất lúa đầu năm. Hiện nay, việc chuẩn bị điểm thu mua, bao bì đã được tiến hành. Về phía người sản xuất, ông Khiêm khuyến cáo nông dân cần sản xuất gạo chất lượng phù hợp với thị trường xuất khẩu và gạo thông dụng tiêu thụ cho thị trường nội địa.

Để đảm bảo chất lượng hạt gạo, thời gian qua Công ty Lương thực tỉnh đã đầu tư hệ thống sấy công nghiệp. Nông dân cần đầu tư hoặc làm khô lúa thông qua hệ thống sấy để giúp doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ lúa tốt hơn. Cũng theo ông, ngành Nông nghiệp và nông dân không nhất thiết phải đặt ra yêu cầu giảm giá thành mà chú trọng nâng giá trị hạt gạo để đạt hiệu quả hơn.

Dự báo xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến giá mua lúa gạo của nông dân.
Dự báo xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến giá mua lúa gạo của nông dân.

Trên thực tế, vào thời điểm này, các huyện, thị phía Đông đang đối phó với tình hình xâm nhập mặn. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống lụt bão, mặn năm nay xâm nhập sớm hơn mọi năm và dự báo sẽ rất gay gắt. Hiện nay, mặn đã xâm nhập cách cửa sông khoảng 35km. Nếu xâm nhập mặn kéo dài, không chỉ 29 ngàn ha lúa khu vực trong Dự án Ngọt hóa Gò Công gặp khó khăn mà trên 40 ngàn ha sản xuất lúa hè thu sớm “né” lũ ở các huyện phía Tây cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các địa phương cần phải có kế hoạch và chủ động nguồn nước ngay từ bây giờ. Để chủ động ứng phó, Sở NN&PTNT đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn. Trước diễn biến và dự báo, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành, địa phương tập trung sản xuất tốt lúa đông xuân; riêng ngành chủ quản cần phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát tình hình nước phục vụ sản xuất ở khu vực ngọt hóa Gò Công và nước sinh hoạt ở Tân Phú Đông để chủ động ứng phó.

“Đòn bẩy” cho nền kinh tế

Về tăng trưởng kinh tế năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang khẳng định, nền tảng của tỉnh vẫn là nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 46% trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển kinh tế của tỉnh nói chung, từng lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ nói riêng phải trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp. Nông nghiệp suy giảm sẽ dẫn đến các lĩnh vực khác cũng “lung lay” theo. Năm 2012, trong tình hình kinh tế khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá dù có thấp hơn năm rồi, đã góp phần rất lớn vào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng năm 2013 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Yêu cầu này đòi hỏi ngành phải có bước chuyển biến để tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra đến năm 2015. Trên cơ sở đó, ngành đề ra kế hoạch thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, ứng dụng khoa học - công nghệ. Trong đó, công tác trọng tâm là giống, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch; chủ động phòng, chống dịch bệnh; tập trung vào xây dựng nông thôn mới…

Thực hiện mục tiêu trên, ngành phấn đấu trong năm 2013, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5-5,5%  so với năm 2012. Các chỉ tiêu chủ yếu là sản lượng lúa 1,3 triệu tấn, 1,14 triệu tấn trái cây; giữ vững và phát triển ngành chăn nuôi; tổng sản lượng thủy sản 215 ngàn tấn.

Từ kết quả đạt được và qua đánh giá, dự báo tình hình năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, mục tiêu chung là kiên trì chỉ đạo sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp. Muốn nâng cao đời sống, nâng thu nhập của nông dân phải nâng cao giá trị sản xuất; chuyển đổi và bố trí lại sản xuất; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, chú ý đến những sản phẩm có lợi thế.

Giải pháp là quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt quy hoạch sản phẩm gắn với sản phẩm chủ lực, gắn với thị trường. Trên cơ sở đó, tỉnh có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ và đưa các chính sách “đòn bẩy” vào để tăng hiệu quả sản xuất.

Cụ thể, ngành tập trung vào công tác giống. Thông qua trình diễn các giống cây trồng, vật nuôi mới có phẩm chất tốt, ngành có thể đề xuất tỉnh chính sách giảm giá, trợ giá để các giống mới có phẩm chất tốt được áp dụng rộng rãi trong nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến như mô hình cộng đồng ứng dụng công nghệ sinh thái vào sản xuất lúa và cánh đồng mẫu gắn với doanh nghiệp trong  cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm…

N.VĂN

.
.
.