Thứ Sáu, 26/04/2013, 15:29 (GMT+7)
.

Anh Thành Công với mô hình “hai cây, hai con”

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, đây là mô hình kinh tế kết hợp tiêu biểu trên đất cù lao, được áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với môi trường thổ nhưỡng theo quy trình khép kín, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của anh Phạm Thành Công, ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thới.

Anh Phạm Thành Công đang chăm sóc ca cao.
Anh Phạm Thành Công đang chăm sóc ca cao.

Gia đình anh Công có 0,5 ha đất. Sau nhiều năm canh tác lúa kém hiệu quả, anh đã mạnh dạn lên liếp trồng 100 gốc dừa, đến nay đã cho trái ổn định. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, anh đã trồng xen 300 gốc ca cao dưới tán dừa; đồng thời đặt nuôi 100 thùng ong mật và kết hợp chăn nuôi gà thả vườn.

Trong quá trình sản xuất, anh Công chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và  thường xuyên nghiên cứu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Anh không hề vắng mặt ở bất kỳ lớp tập huấn nào do ngành Nông nghiệp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân địa phương. Nhờ vậy, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất và ứng dụng một cách có hiệu quả trên từng giống cây trồng vật nuôi trong vườn nhà, anh gọi là mô hình “hai cây + hai con”.

Đối với vườn dừa cho dù giá bán cao hay thấp, anh cũng đều quan tâm chăm sóc, bón phân, vun gốc, diệt bọ cánh cứng hại dừa. Với ca cao, anh chịu khó cắt cành, tạo dáng cho trái sai. Về con, anh thực hiện nuôi ong mật theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm mật độ đàn và cho nhiều mật chất lượng cao; kịp thời theo dõi tình hình dịch bệnh và tự tay tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gà…

Nhiều năm liền, mô hình kinh tế kết hợp của gia đình anh đều cho thu nhập rất ổn định. Với 100 gốc dừa, mỗi tháng anh thu hoạch 600  trái dừa khô, giá bán hiện tại bình quân 50.000 đồng/chục, anh thu được 3 triệu đồng. Đối với ca cao, mỗi năm anh thu hoạch hai vụ trái, năng suất bình quân 6 tấn/ha, giá bán hiện tại 3.500 đồng/kg, anh thu nhập 10 triệu đồng/năm.

Riêng ong mật, mỗi năm anh cũng thu hoạch hai đợt, vào tháng 4 và tháng 9. Tuy lệ thuộc vào thời tiết và mùa hoa cho mật nhưng mỗi đợt, anh đều thu từ 60 - 80 lít mật ong. Giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/lít, mỗi năm anh thu nhập không dưới 50 triệu đồng mật ong. Cộng thêm tiền bán gà, trên diện tích 0,5 ha đất canh tác, anh đạt tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Theo anh Công, các giống cây trồng vật nuôi trong vườn nhà hiện nay không những thích hợp với điều kiện môi trường thỗ nhưỡng vùng đất cù lao mà chỉ cần bỏ ra vốn và công chăm sóc gầy dựng lúc đầu, sau đó chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ thành công với mô hình cho mình, anh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca cao ấp Tân Phú, xã Tân Thới. Với vai  trò này, anh thường xuyên quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn bà con nhà vườn kỹ thuật trồng theo quy trình  “chứng nhận sản xuất ca cao tốt” và chủ động phối hợp với Hợp tác xã Ca cao Chợ Gạo bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Anh còn tổ chức thu mua ca cao trái của bà con trong xóm, ấp, sau đó sơ chế ra hạt, để hợp tác xã thu mua đem đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Mời chúng tôi thưởng thức một mẫu socola đen, thơm phức, anh Công cho biết: Đây là socola được sản xuất từ một doanh nghiệp tận bên Pháp, mới đây đại diện doanh nghiệp này đã đến gặp anh và cho biết chất lượng trái ca cao được trồng trên đất cù lao này rất thích hợp để sản xuất socola thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Đây là tín hiệu vui để anh cùng với bà con nhà vườn trong xóm, ấp an tâm đầu tư mở rộng diện tích trồng ca cao xen trong vườn dừa, tăng thêm thu nhập.

HỮU DƯ

.
.
.