Chủ Nhật, 14/07/2013, 06:10 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL

Các chuyên gia, ngân hàng và doanh nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa ngồi lại để tìm “Giải pháp về vốn cho doanh nghiệp ĐBSCL, gỡ nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp” trong khuôn khổ hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 10-7.

Đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh. Thực tế được đưa ra tại hội thảo lần này là các thông tin không quá lạc quan của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp ĐBSCL nói riêng.

Theo các chuyên gia, 6 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng tín dụng rất chậm, chỉ khoảng 4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4,9% trong khi cùng kỳ tăng 6,7%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất thấp đặc biệt là giá nông sản. Trong khi đó, công nghiệp phục hồi rất chậm, trong khi nông nghiệp đang suy giảm theo chu kỳ và là năm có mức suy giảm khá sâu, đặc biệt là chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản.

Nhìn ở góc độ của các doanh nghiệp, các chuyên gia cũng đã đưa ra rất nhiều kịch bản phản ánh thực tại hiện nay. Đó là thiếu lòng tin tiêu dùng, lo ngại về triển vọng thu nhập thấp; thiếu lòng tin đầu tư do thiếu thị trường tiêu thụ và lo ngại về sự thiếu ổn định của lãi suất; các biện pháp kích thích nền kinh tế như thuế, đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ thị trường bất động sản và tái cơ cấu ngân hàng đều triển khai rất chậm.

Bên cạnh đó, ngân hàng và doanh nghiệp đang thiếu lòng tin lẫn nhau nên mục tiêu phá băng tín dụng còn rất nặng nề. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp đều có nợ xấu (nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ), không tiếp cận được vốn ngân hàng, chìa khóa để giải quyết vấn đề này là xử lý nợ xấu với quy mô lớn và tập trung.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp cho biết từ cuối năm 2012 đến nay, các doanh nghiệp đã đến hạn trả nợ và phải vay lại để quay vòng vốn thì các ngân hàng lại có xu hướng thắt chặt vốn tín dụng, định mức cho vay giảm sút, do cân đối với thực trạng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó, nguồn vốn hoạt động đã thiếu lại càng thiếu hơn.

Doanh nghiệp đang kẹt vốn trong sản xuất, trong tồn kho, lại phải chạy vạy để tìm nguồn tài chính bổ sung trong khi không còn tài sản thế chấp. Mặt khác gánh nặng lãi suất có lúc lên đến 18%/năm đã tác động mạnh tới tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó việc cơ cấu lại vốn vay và giảm lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp khó khăn còn chậm.

Doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện gặp không ít khó khăn.
Doanh nghiệp trong ngành thủy sản hiện gặp không ít khó khăn.

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, khó khăn nhất hiện nay là người nuôi cá tra và doanh nghiệp đều không vay được vốn do tài sản đã bị thế chấp ngân hàng. Giá cá dưới giá thành nên bà con thua lỗ, ngân hàng lại ngại cho vay. Nên chúng tôi đề nghị gia hạn nợ, khoanh nợ để tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Để góp phần giúp giải quyết những khó khăn này, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính - Tiền tệ của Chính phủ đã đưa ra các khuyến nghị: Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động không có nợ xấu cần xây dựng chương trình tái cơ cấu, đầu tư mới hoặc đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tránh phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, lạc hậu và cạnh tranh thấp; thông qua các hiệp hội để bảo vệ chiến lược phát triển lâu dài, tránh bị cạnh tranh không công bằng hoặc bị thôn tính.

Đối với doanh nghiệp có nợ xấu, đủ điều kiện xử lý qua AMC (mua bằng trái phiếu đặc biệt) cần xây dựng phương án tái cấu trúc và tận dụng sự hỗ trợ của AMC hoặc ngân hàng thương mại được AMC ủy quyền; tách bạch nợ xấu bất động sản và nợ xấu kinh doanh truyền thống để có phương án đổi mới căn bản hoạt động kinh doanh chính, nhằm thu hút vốn góp từ AMC hoặc được AMC bảo lãnh vay vốn ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi nên tìm các đối tác thích hợp để bán, sát nhập doanh nghiệp; hoàn thiện thủ tục để xin phá sản…

PHƯƠNG ANH

.
.
.