Thứ Tư, 04/09/2013, 09:11 (GMT+7)
.

Liên kết “4 nhà” lỏng lẻo: Nông dân chịu thiệt

Lâu nay, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” luôn diễn ra đối với nền nông nghiệp nước ta. Nhiều cuộc họp đã bàn rất sâu về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Theo các ngành chức năng, nông sản sẽ có đầu ra ổn định, bền vững nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” (nông dân - doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học). Tuy vậy, sự liên kết này vẫn còn lỏng lẻo và chính người nông dân làm ra sản phẩm là người chịu thiệt.

Thương lái mua khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Tân Phước.
Thương lái mua khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Tân Phước.

Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp khó khăn nhất vẫn là ở khâu tiêu thụ hàng hóa. Thời gian qua, việc liên kết “4 nhà” đã được các cơ quan chức năng đề cập rất nhiều nhưng trên thực tế chưa mang lại hiệu quả. Việc tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ yếu vẫn phải qua thương lái nên tồn tại nghịch lý: Nông dân bị ép giá thấp, trong khi người tiêu dùng phải mua giá cao hoặc đầu mùa giá cao - vào mùa giá thấp; được mùa mất giá, được giá mất mùa…

Nông dân trồng rau an toàn “kỳ cựu” Nguyễn Văn Hải, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, cho biết: “Điệp khúc được lặp đi lặp lại qua bao năm nay là khi điều kiện sản xuất của nhà vườn khó khăn, rau hút hàng thì thương lái giành giật mua. Khi thời tiết thuận lợi, được mùa, sản lượng tăng, thương lái quay lại ép giá; thậm chí bỏ nông dân, dẫn đến tình trạng rau quá lứa phải nhổ bỏ”.

Còn theo ông Lê Minh Nam, trồng cam sành nhiều năm ở xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè thì tình trạng tranh mua khi khan hiếm nguồn hàng và ép giá khi hàng hóa dồi dào đã khiến nông dân mất phương hướng, không biết chọn trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Nhà nước vẫn khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp chưa có sự tiếp xúc với nông dân mà chủ yếu ký hợp đồng qua thương lái. Do đó, nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất”- ông Nam nói.

Sơ ri Gò Công luôn trong tình trạng“ được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến nhiều nông dân gặp khó.
Sơ ri Gò Công luôn trong tình trạng“ được mùa mất giá, được giá mất mùa” khiến nhiều nông dân gặp khó.

Chúng ta không phủ nhận vai trò của thương lái trong việc tổ chức thu mua nông sản cho nông dân nhưng nông dân lại phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống thương lái. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện phó Viện Cây ăn quả miền Nam, nông dân phụ thuộc rất nhiều vào thương lái và tình trạng thương lái mua với giá thấp hơn thị trường là điều không tránh khỏi. Cũng vì phụ thuộc vào thương lái, chi phí trung gian nhiều nên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng giá bị đẩy lên quá cao, trong khi thu nhập của nông dân vẫn rất thấp.

Tiền Giang được mệnh danh là “Vương quốc trái cây” của cả nước. Với trên 67.000 ha, sản lượng 1 triệu tấn/năm, Tiền Giang khẳng định thế mạnh vượt trội của mình về trái cây với nhiều loại trái ngon nổi tiếng như: Vú sữa Lò Rèn, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc…

Có thể nói, quanh năm Tiền Giang đều có trái ngon, bởi nơi đây được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, hầu hết các loại trái cây này đều chịu cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chủ yếu  được tiêu thụ qua kênh thương lái.

Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Mặt khác, thị trường nông sản cũng chưa xây dựng được chuỗi cung ứng tiến bộ, trong khi đó chợ đầu mối hiện đại ít, chủ yếu là chợ truyền thống.

Điều này dẫn đến việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nhất là công nghệ sau thu hoạch như sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến, vận chuyển kém, khiến thất thoát sau thu hoạch cao, hiện khoảng 30-40%.

“Làm được 1 tấn mà có đến 300-400kg bị hư hỏng, thất thoát thì còn gì là lợi nhuận. Giá bán cao cũng không thể cạnh tranh, trong khi công nghệ sau chế biến thì hầu như không có. Chẳng hạn như trái mãng cầu mặc dù được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhưng khi mang vào hội nghị thì rệp vẫn bám đầy xung quanh”- Tiến sĩ Võ Mai nói.

Để bảo đảm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, các ngành chức năng đề xuất cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ để tạo thương hiệu cho từng loại nông sản. Có thương hiệu, địa chỉ xác nhận thì hàng nông sản sẽ có giá trị cao hơn, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Vấn đề quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó bao gồm dự báo, tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm để có định hướng sản xuất. Tiến sĩ Võ Mai cho rằng phải đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết “4 nhà” nhằm khuyến khích người sản xuất nông nghiệp liên kết với các đầu mối tiêu thụ để sản xuất theo đơn đặt hàng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa phải có hợp đồng, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

SĨ NGUYÊN

.
.
.