Thứ Năm, 05/09/2013, 05:48 (GMT+7)
.

Sau sắp xếp, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh đã mạnh lên

Khởi đầu của thập niên trước đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo đó có 48 DNNN đã thực hiện các hình thức sắp xếp, trong đó 25 DNNN được tiến hành cổ phần hóa (CPH), 7 đơn vị được chuyển thành công ty TNHH một thành viên, sáp nhập 6 doanh nghiệp (DN), hợp nhất 2 DN, giải thể 4 DN, cho phá sản 1 DN và chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu 3 DN.

Theo đánh giá của Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh thì việc CPH các DNNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo ra loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, huy động được nhiều nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị DN, phát huy tích cực vai trò làm chủ của người lao động và của cổ đông.

Sau CPH, phần lớn các DN đã tích cực nghiên cứu, đầu tư đổi mới trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật và phát triển sản phẩm mới nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu hội nhập, nhất là tạo thuận lợi để DN hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cổ đông về kết quả sản xuất, kinh doanh.

Chính vì vậy ngay sau sắp xếp, việc đầu tiên mà hầu hết DN đều làm ngay là bố trí lại lao động hợp lý gắn với việc cải tiến chế độ tiền lương và tiền thưởng nhằm khuyến khích người lao động; riêng lao động dôi dư sau khi sắp xếp đều được hưởng đầy đủ các chính sách liên quan đến quyền lợi của mình, mỗi người đều được nhận một số tiền “kha khá”.

Cụ thể tổng số lao động dôi dư của các DN sau khi sắp xếp là 913 người đã được giải quyết đầy đủ  chế độ với tổng kinh phí hỗ trợ lao động dôi dư 26,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ quỹ hỗ trợ sắp xếp DN là 18,5 tỷ đồng, phần còn lại lấy từ “quỹ hỗ trợ” của DN.

Công nhân Công ty CP Rau quả Tiền Giang đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh: S.N
Công nhân Công ty CP Rau quả Tiền Giang đóng gói thanh long xuất khẩu. Ảnh: S.N

Đó là đối với các DN cổ phần hóa. Còn đối với 7 DNNN chuyển thành công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước thì hoạt động cũng khá hiệu quả.

Theo số liệu báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2012 tổng doanh thu của 7 DN 100% vốn nhà nước đạt 3.486 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 362,7 tỷ đồng, nộp ngân sách 854 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động 6,3 triệu đồng/người/tháng và tất cả các DN đều hoạt động có lãi.

Sau khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên, các DN đã chủ động hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục hướng tới mục tiêu chuyển thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, ngoại trừ Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Tiền Giang, phần lớn các DN 100% vốn nhà nước còn lại đang hoạt động trong lĩnh vực công ích hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, quy mô vốn thấp, phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh là chủ yếu nên gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ phát triển DN khi dự kiến thực hiện CPH...

Về tổng thể việc sắp xếp lại các DNNN trên địa bàn tỉnh có thể xem là thành công và đến nay khi nhìn lại mới thấy việc sắp xếp các DNNN của tỉnh quả là rất nhiêu khê (về nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan), nhất là các văn bản pháp luật của Trung ương về sắp xếp, đổi mới DN thường xuyên thay đổi dẫn đến bị động trong việc tổ chức sắp xếp, đổi mới DN (mà Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang là một ví dụ cụ thể, tỉnh đã và đang tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng);

Về phía chủ quan thì vốn điều lệ của hầu hết các DN đều coi như là… còn ít, vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chủ yếu vay ngân hàng, chưa gắn với thị trường vốn, không đủ điều kiện khi muốn tham gia thị trường chứng khoán; tỷ lệ sở hữu vốn của người lao động trực tiếp trong cơ cấu vốn điều lệ có xu hướng ngày càng giảm và thực tế thời gian qua cũng cho thấy rất khó quản lý việc sở hữu cổ phần của người lao động (khi cần tiền chi dụng gia đình hễ ai mua giá “được” là họ…bán ngay) nên việc tạo điều kiện để người lao động gắn bó, thực sự phát huy vai trò làm chủ thông qua sở hữu cổ phần dường như chỉ còn là “lý thuyết”;

Việc thu hút nguồn lực có trình độ quản lý, trình độ chuyên môn cao và lao động kỹ thuật có tay nghề còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý trong việc phát triển công ty; một số DN chưa thật sự đổi mới trong quản trị công ty, phương pháp quản lý chưa được cải tiến nhiều; việc theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của các DN sau CPH đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn;

Công tác quản lý đất đai của cơ quan chức năng đối với phần diện tích đất các công ty cổ phần thuê, chuyển nhượng từ các đối tượng khác, vấn đề quản lý cán bộ nhà nước được cử sang làm việc và quản lý phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần còn nhiều bất cập; thậm chí sau khi CPH, tỉnh đã chuyển giao phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý nhưng thời gian qua các hoạt động hỗ trợ của SCIC cho các DN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chủ yếu chỉ là thoái vốn nhà nước tại các DN này (rút vốn về SCIC)...

Bên cạnh đó, việc theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của các DN sau CPH đối với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do chưa có quy định cụ thể về chế độ báo cáo của các DNNN sau khi CPH, trong khi yêu cầu báo cáo của các bộ, cơ quan cấp trên là khá chi tiết và toàn diện...

Thời gian tới, để tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN sau sắp xếp, đặc biệt là đối với một số công ty TNHH Một thành viên 100% vốn nhà nước sẽ tiếp tục được chuyển thành công ty cổ phần theo đề án của tỉnh, ngoài việc tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, kể cả kiến nghị bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung cơ chế, thì đối với một số DN hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, khai thác và cung cấp nước sạch, giống gia súc, gia cầm... trong thời gian qua đã tham gia và thực hiện khá tốt nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phục vụ yêu cầu chính trị và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương thì tỉnh cần mạnh dạn kiến nghị Trung ương tiếp tục phân cấp cho tỉnh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các đơn vị này sau khi thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

QUỐC ANH

.
.
.