Thứ Năm, 05/12/2013, 05:46 (GMT+7)
.

Tân Phú Đông: Phát huy tiềm năng, thế mạnh huyện biển

Do địa hình cù lao ven biển có nhiều cồn, bãi và môi trường nước thường xuyên mặn, lợ nên huyện Tân Phú Đông có nhiều lợi thế trong việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Khu vực này là nơi sinh sôi của nhiều giống, loài thủy sản, trở thành nguồn lợi thiên nhiên ban tặng vô cùng phong phú cho cư dân cù lao như: tôm, cua, cá các loại và những loài nhuyễn thể hai mảnh.

Để khai thác có hiệu quả và phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện biển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở, ngành có liên quan nên vùng đất ven biển của huyện Tân Phú Đông (lúc bấy giờ thuộc huyện Gò Công Đông) đã được đầu tư phát triển theo dự án Nam Gò Công.

Từ đây, nhiều công trình thủy lợi phục vụ việc nuôi trồng, khai thác thủy sản liên tục được xây dựng trong giai đoạn 1989-1992, chủ yếu làm bằng cơ giới thay cho lao động thủ công truyền thống, góp phần quan trọng cho việc thực hiện bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với  nâng cao đời sống nhân dân.

Diện tích nuôi tôm, cá… ngày càng  được mở rộng, kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản từ các cồn bãi đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình và kinh tế địa phương, góp phần khẳng định tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản trên vùng đất này.

Ngư dân xã Phú Đông thu hoạch tôm sú bán cho thương lái.
Ngư dân xã Phú Đông thu hoạch tôm sú bán cho thương lái.

Trên cơ sở của sự hình thành kể trên, sau khi thành lập huyện Tân Phú Đông từ năm 2008 đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Theo đó, các công trình kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, lưới điện nông thôn… tiếp tục được mở rộng trong các vùng nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và bảo đảm vận chuyển hàng hóa.

Công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cho người nuôi cũng được chú trọng hơn. Nhờ vậy, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện liên tục tăng qua từng năm. Nếu như năm 2010, toàn huyện có 3.000 ha thì đến cuối năm 2013 diện tích này đã tăng lên 5.000 ha, với các mô hình sản xuất ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Chủ yếu là con tôm được nuôi theo hai hình thức chính là quảng canh và công nghiệp. Không những diện tích thả nuôi mà năng suất, sản lượng thu hoạch cũng tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha.

Đối với tôm sú, năng suất thu hoạch bình quân từ 5 - 7 tấn/ha và từ 6 - 8 tấn/ha đối với tôm thẻ chân trắng; sau khi trừ chi phí sản xuất, người nuôi đạt lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng ha/vụ. Ngoài ra, còn có 500 ha mô hình tôm - lúa, cùng với hàng trăm ha được đưa vào khai thác, nuôi trồng nghêu, sò giống tại khu vực cồn Ngang, cồn Cống thuộc xã Phú Tân..., góp phần đa dạng hóa giống, loài thuỷ sản trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, chương trình đánh bắt thủy sản gần bờ và xa bờ cũng được huyện quan tâm đầu tư phát triển. Huyện hiện có 48 phương tiện công suất từ 20 - 300 mã lực, mỗi năm đánh bắt hàng ngàn tấn thủy sản, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương.


Nhìn chung, với điều kiện địa lý và môi trường thổ nhưỡng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, thời gian qua huyện đã chú trọng khai thác triệt để và có hiệu quả mô hình này, nhất là phong trào nuôi tôm, không chỉ ở hai xã giáp biển Phú Tân, Phú Đông mà còn phát triển ra các xã còn lại như: Tân Thạnh, Phú Thạnh và Tân Phú. Hiện có 5/6 xã trong huyện đã hình thành được vùng nuôi tôm trong bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp.

Tuy nhiên, việc huy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ; phong trào nuôi tôm tự phát còn khá phổ biến ở các xã dẫn đến tình trạng quản lý dịch bệnh trên tôm lỏng lẻo, nhất là công tác kiểm soát nguồn tôm giống còn rất hạn chế, là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh mầm bệnh trên tôm trong thời gian qua.

Để phong trào nuôi trồng thủy sản của huyện phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới, yêu cầu quan trọng trước nhất là quy hoạch vùng nuôi trên cơ sở các mô hình đã được xác định mang lại hiệu quả kinh tế cao là nuôi công nghiệp, quãng canh và mô hình tôm - lúa.

Phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích  mô hình tôm - lúa từ 500 ha lên 1.000 ha; đồng thời bố trí vùng nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò) trên diện tích 1.500 ha tại hai khu vực Cồn Ngang và Cồn Vượt. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện cần tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ quản lý cộng đồng, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kết hợp vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc bảo vệ môi trường nước, không để phát sinh mầm bệnh trên tôm.

Đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn… kịp thời phục vụ tốt việc nuôi trồng, khai thác tiềm năng kinh tế biển gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, an ninh biên giới biển ngày càng vững chắc, chính là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả của nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Tân Phú Đông hiện nay.

HỮU DƯ

.
.
.