Chủ Nhật, 16/02/2014, 07:05 (GMT+7)
.

Chủ động ứng phó hạn, mặn

Hàng năm, khi mùa khô bắt đầu cũng là lúc mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng. Chính vì thế, ngay trước Tết Nguyên đán 2014, các ngành, các cấp trong tỉnh, nhất là các huyện, thị phía Đông đã tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, mặn.

Duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền năm nay xấp xỉ năm 2012. Biên mặn sẽ tăng cao vào nửa cuối tháng 2 đến tháng 4. Biên mặn đạt 1 g/l có khả năng xâm nhập sâu đến khu vực Đồng Tâm (huyện Châu Thành) có thể gây tình trạng thiếu nước ngọt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân.

Chủ động phòng, chống hạn, mặn từ trước Tết Nguyên đán 2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND về việc phòng, chống hạn, mặn và cháy rừng mùa khô năm 2014 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị này, Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và ban hành kế hoạch phòng, chống hạn, mặn, đảm bảo nước sản xuất cho 29.000 ha lúa đông xuân 2013-2014 ở vùng Ngọt hóa Gò Công, trên 8.000 ha lúa ở Dự án Bảo Định và nước sinh hoạt ở các huyện, thị phía Đông; đồng thời, đảm bảo nước tưới cho 39.500 ha lúa hè thu sớm 2014 ở các huyện phía Tây trong trường hợp hạn, mặn kéo dài.

Cống Bảo Định - cống ngăn mặn quan trọng của Dự án Bảo Định.
Cống Bảo Định - cống ngăn mặn quan trọng của Dự án Bảo Định.

Đối với lúa đông xuân 2013-2014 ở vùng Ngọt hóa Gò Công, Sở NN&PTNT yêu cầu Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn, mực nước trên các tuyến sông và nội đồng, tổ chức vận hành công trình cống phục vụ cho sản xuất có hiệu quả nhất.

Đặc biệt, cuối vụ khi mực nước nội đồng thấp hơn 0,5 m, đơn vị kiểm tra thường xuyên, nắm rõ diện tích thiếu nước, bơm khó khăn, bơm chuyền 2-3 cấp ở từng lưu vực; đồng thời hướng dẫn lắp đặt các trạm bơm chống hạn. Công ty cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát các khu vực cục bộ ven biển thường xuyên mặn, hạn; trục vớt lục bình, chướng ngại vật trên các đoạn kinh trục, kinh cấp 1; kiểm tra chặt chẽ hiện trạng các công trình cống, duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo ngăn mặn tốt và vận hành an toàn.

Đối với chính quyền địa phương và nhân dân, ngành đề nghị tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh nguồn nước; chủ động nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, bơm chuyền cứu lúa, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi phục vụ phòng, chống hạn; giải phóng chướng ngại vật lòng kinh.

Trong trường hợp mực nước nội đồng xuống thấp, địa phương huy động máy tổ chức bơm chuyền cấp 2, bơm trữ nước trên kinh, ao, mương khi có khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Các xã thuộc vùng trũng phải có kế hoạch tôn cao bờ bao bảo vệ sản xuất.

Theo dự báo và tính toán của cơ quan chức năng, mùa khô năm 2014 xảy ra gay gắt, kết hợp với triều cường và gió chướng, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng. Diện tích lúa đông xuân trong vùng Ngọt hóa Gò Công có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 4.724 ha phải bơm chuyền (2 cấp) để cung cấp nước. Để thực hiện việc này, các địa phương, cơ quan chức năng dự kiến đắp 173 đập và tổ chức 178 điểm bơm; nạo vét 146 tuyến kinh nội đồng bị cạn.

Ngoài ra, vùng Dự án Bảo Định và các huyện phía Tây cũng có thể bị ảnh hưởng nếu hạn kéo dài, mặn xâm nhập sâu. Sở NN&PTNT đã phân công các đơn vị liên quan theo dõi độ mặn thường xuyên và kịp thời thông báo cho các địa phương khi độ mặn tại cống Xuân Hòa và Mỹ Tho lên 2g/l để có kế hoạch đắp đập phù hợp và nhân dân biết chủ động lấy nước.

Các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân tăng cường giải tỏa lòng kinh, khơi thông dòng chảy các tuyến kinh; thông báo lịch vận hành các cống để dân biết lấy nước lên ruộng.

Riêng các xã thuộc khu vực kinh Bắc Đông, Lộ Mới, Nguyễn Văn Tiếp, Chợ Bưng, Sáu Ầu thuộc huyện Châu Thành, huyện Tân Phước có khả năng bị mặn cần củng cố bờ bao, bờ vùng, có kế hoạch và chủ động trữ nước trong điều kiện cho phép; triển khai ngay công tác thủy lợi nội đồng năm 2014 cho các xã trọng điểm hệ Cổ Chi thường xuyên xảy ra hạn, mặn.

Khi hạn, mặn kéo dài, lúa vụ hè thu sớm 2014 ở các huyện phía Tây có khả năng bị ảnh hưởng, những diện tích xa nguồn nước cần chủ động để tổ chức bơm chuyền 2 cấp khi cần.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, tình hình lấy nước của các cống trong các vùng dự án phục vụ sản xuất và sinh hoạt đến thời điểm này tương đối thuận lợi.

Hiện nay, cống Xuân Hòa vẫn còn lấy nước và dự kiến sẽ đóng ngăn mặn vào cuối tháng này. Mực nước trong các tuyến kinh nội đồng vẫn còn khá cao. Nếu cống Xuân Hòa đóng vào cuối tháng như dự kiến, khi đó một số diện tích lúa đã cắt nước, nhu cầu sử dụng nước trong vùng sẽ giảm xuống.

Mặt khác, năm nay, tỉnh đã đầu tư và hoàn thành cửa cống đóng mở chủ động ở cống Xuân Hòa (có thể lấy gạn nước khi độ mặn cho phép) giúp tăng khả năng lấy nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Đối với huyện Tân Phú Đông, thời gian qua, các trạm đã chủ động bơm trữ nước vào ao chứa, kể cả ao 6 ha ở Tân Thới, tăng khả năng cung cấp nước, giảm thiểu tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào cuối mùa khô.
 

Mở điểm cung cấp nước công cộng

Đối với nước sinh hoạt, tâm điểm mùa “khát” vẫn là  huyện Gò Công Đông và  huyện Tân Phú Đông. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Gò Công Đông có nguồn nước cung cấp từ Nhà máy nước BOO Đồng Tâm; các nhà máy xử lý nước mặt cục bộ từ các trạm cấp nước của Công ty TNHH 1 TV Cấp nước và Công ty TNHH 1 TV Cấp nước nông thôn quản lý.

Các nhà máy xử lý nước mặt cục bộ này lấy nước chủ yếu từ kinh của dự án ngọt hóa nên độ mặn và chất lượng nước phụ thuộc nguồn nước kinh nội đồng; nhiều trạm có nguy cơ thiếu nước khi mùa khô kéo dài do ao chứa nhỏ.

Giải pháp cấp nước cho các khu vực này, khi thiếu nước bổ cấp, các trạm sẽ tiến hành đấu nối để sử dụng nguồn nước từ Nhà máy BOO Đồng Tâm. Tuy nhiên, đối tượng cần quan tâm nhất về nước sinh hoạt trong mùa khô này là gần 7.000 hộ với khoảng 33.400 người sinh sống ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê phân tán đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ sông, kinh rạch...

Kế hoạch của ngành là tiếp tục mở 57 điểm có vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho người dân đến lấy nước miễn phí như đã thực hiện trong 3 năm qua.

Qua khảo sát, huyện cù lao Tân Phú Đông hiện có 6 trạm cấp nước đang cung cấp cho trên 34% dân số của huyện. Nguồn nước của các ao chứa tại các trạm cấp nước trên 144.000 m3, khả năng chỉ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng từ tháng 2 đến tháng 4. Riêng ao 6 ha ở xã Tân Thới chứa 160.000 m3 nhiều khả năng chỉ lấy nước đến cuối tháng 2.

Hiện tại, ao này chưa có hệ thống xử lý, chỉ bổ cấp nước thô cho các trạm Tân Thới, Phú Thạnh, Phú Đông với công suất từ 1.000 - 1.200 m3/ngày đêm. Trong mùa khô năm 2013, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng thiếu nước cung cấp do các ao tại chỗ khô cạn, trong khi ao 6 ha còn nước nhưng bơm bổ cấp không đủ để cung cấp cho nhân dân.

Để tránh tình trạng này lặp lại, năm nay, ngành đã chỉ đạo chủ động bơm trữ vào các ao chứa, nhất là ao 6 ha, không để mực nước trong các ao xuống thấp; đồng thời tăng cường kiểm tra các ao, khu vận hành trạm, xử lý kịp thời các sự cố; nạo vét các kinh nội đồng để tăng trữ lượng dự trữ bổ cấp cho các ao tại chỗ.

Trong trường hợp không thể bổ cấp nước từ sông và kinh nội đồng, việc bơm bổ cấp nguồn từ ao 6 ha về các ao còn lại được tiếp tục thực hiện. Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn dự phòng máy phát điện để bơm dẫn nước thô từ ao 6 ha đến các trạm cấp nước, không để tình trạng thiếu nước nguồn diễn ra; đồng thời mở lại 15 vòi công cộng để cấp nước miễn phí cho dân từ tháng 3 đến tháng 5.

N.VĂN

.
.
.