Thứ Năm, 17/04/2014, 09:05 (GMT+7)
.

Hội thảo phân tích chỉ số PCI năm 2013 khu vực ĐBSCL

Sáng ngày 16-4, tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số PCI năm 2013 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội thảo sẽ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý điều hành của các địa phương. Đây cũng là cơ hội để tìm ra giải pháp giúp các địa phương giữ vững vị trí và nâng cao thành tích hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh

Trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2013, ĐBSCL có đến 3 địa phương được xếp vào nhóm “Rất tốt” gồm Kiên Giang, Đồng Tháp và Bến Tre; 2 tỉnh thành thuộc nhóm “Tốt” là thành phố Cần Thơ và Trà Vinh. Trong đó, ấn tượng nhất là nỗ lực của Kiên Giang khi vươn lên từ hạng 6 năm 2012 để đứng hạng 3.

Năm vừa qua cũng là năm đầu tiên thành phố Cần Thơ nằm trong tốp 10 địa phương dẫn đầu của cả nước. Cần Thơ cũng được đánh giá là có sự duy trì các chỉ số khá ổn định qua các năm; nghĩa là chất lượng điều hành của chính quyền được duy trì khá tốt và có sự cải thiện trong thời gian qua. Nếu so với những năm trước, chỉ số năng lực cạnh tranh của vùng có sự chuyển dịch khá rõ nét.

Có địa phương bứt phá lên nhóm “Rất tốt”, nhưng cũng có nơi rơi vào nhóm “Tương đối thấp”, cụ thể là Cà Mau. Một số địa phương từng dẫn đầu cả vùng hoặc cả nước thì nay lại rớt hạng như Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp,...

Dù thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có ý nghĩa tương đối, nhưng lại phản ánh chính xác những đánh giá của doanh nghiệp hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Nhưng sự đánh giá đó không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách, hay dự định của địa phương mà dựa trên thực tế hoạt động. Điều đó thể hiện qua những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; chính sách ưu đãi; chính sách tiếp cận đất đai; và đặc biệt là nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp.

9 năm qua, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã giúp cho nhiều địa phương nhìn lại quá trình hoạt động của mình thông qua sự hài lòng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Nhờ đó mà không ít tỉnh thành đã mạnh dạn đổi mới lề lối làm việc, kịp thời khơi thông, gỡ khó cho doanh nghiệp bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Điều quan trọng sau chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không nằm ở thứ hạng cao thấp, mà nằm ở mức độ thân thiện, làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp của từng địa phương. Nói cách khác, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không phải hướng đến mục tiêu hơn thua vị trí trên bảng xếp hạng mà là để chính quyền mỗi địa phương lắng nghe, thay đổi và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vượt khó, duy trì và phát triển sản xuất.

(Theo vtvcantho.vn)

.
.
.