Bài 1: Xuất khẩu tăng nhờ doanh nghiệp mới
Bài 2: Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh
Bài 3: Xuất khẩu gạo - mất ngôi “Á hậu”
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của Tiền Giang đã cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2013 và thuộc nhóm 15 tỉnh, thành có giá trị xuất khẩu cao nhất của cả nước. Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, KNXK của tỉnh đã tăng bình quân gần 23% trong 3 năm gần đây, xấp xỉ mức tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ về giá trị XK lại cho thấy nhiều điểm bất cập và cần nhiều giải pháp để vực dậy.
Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu (XK) của tỉnh hàng năm đều tăng rất nhanh, nhưng theo đánh giá của các ngành, sự tăng lên của giá trị XK dường như đang “dàn hàng ngang”, tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp (DN) mới đầu tư, trong khi những ngành có lợi thế của tỉnh thì giá trị XK lại liên tục giảm.
Nhờ doanh nghiệp mới
Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty TNHH Một thành viên Long Uyên. |
Theo đánh giá của ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương, trong những năm qua, kinh tế Việt Nam phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Chính vì thế, tình hình XK của tỉnh cũng chịu tác động không nhỏ của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài, như:
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam chưa cải thiện đáng kể; giá một số hàng hóa nông sản giảm, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn do hàng rào kỹ thuật của các nước dựng lên ngày càng tăng.
Điểm mấu chốt là ngành Thủy sản gặp khó khăn do rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu, giá bán giảm; gạo chịu cạnh tranh gay gắt với các nước như Thái Lan, Ấn Độ...; hàng rau quả giảm mạnh do bị ảnh hưởng của những biến động kinh tế của các nước châu Âu, đây là thị trường tiêu thụ lớn của mặt hàng này; sản phẩm nhựa gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chậm...
Thế nhưng, trên bình diện chung, KNXK của tỉnh năm sau vẫn tăng so với năm trước, với mức tăng bình quân trong 3 năm gần đây xấp xỉ 23% và cao hơn kế hoạch đề ra giai đoạn 2011-2015 (16-18%/năm). Nếu như năm 2011 chỉ đạt 740 triệu USD, thì năm 2012 đạt 890 triệu USD và năm 2013 đạt trên 1 tỷ USD.
Đó là trên phương diện tổng thể, còn khi phân tích cơ cấu ngành nghề, công bằng mà nói, sự tăng lên của giá trị XK thời gian qua là nhờ có thêm DN mới tham gia. Nếu chỉ tính riêng một vài DN đầu tư mới trong Khu công nghiệp (KCN) Long Giang và KCN Tân Hương, với lượng kim ngạch XK rất lớn hàng năm đã đẩy nhanh giá trị XK của tỉnh tăng vọt, tập trung nhiều nhất ở ngành may mặc, giày, túi xách, ống đồng.
Tính riêng trong năm 2013, đóng góp đáng kể nhất là may mặc, chiếm 55% trong tổng giá trị XK tăng thêm so với năm 2012; kế đến là giày chiếm 38%. Đối với mặt hàng ống đồng, do Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng (KCN Long Giang) sản xuất và XK, giá trị XK bình quân 2 năm gần đây đã tăng gần 7,5%/năm, chủ yếu xuất sang thị trường châu Mỹ.
Điểm nhấn quan trọng trong XK của tỉnh trong những năm gần đây là đối với mặt hàng giày và túi xách, tập trung chủ yếu ở KCN Tân Hương. Đối với mặt hàng giày, giá trị XK của năm 2013 tăng trên 52% so với năm 2012. Mặt hàng này có tốc độ tăng khá cao, đóng góp trên 18% vào tổng KNXK của tỉnh; trong đó Công ty TNHH Freeview Industrial Việt Nam chiếm trên 64%, Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam chiếm trên 35%.
Riêng đối với mặt hàng túi xách, do Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang sản xuất, KNXK trong năm 2013 cũng đã tăng gần 90% so với năm 2012, đạt 115 triệu USD. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang, công ty đang chuẩn bị đưa thêm 4 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động, nên dự kiến năm 2014 đạt đến 218 triệu USD.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh sắp có thêm một công ty khác của Hàn Quốc cũng đang sản xuất mặt hàng túi xách, nên dự kiến kim ngạch XK mặt hàng này còn tăng mạnh trong những năm tới.
Ngành may mặc đang góp phần gia tăng giá trị XK của tỉnh. |
CHƯA KHAI THÁC HẾT LỢI THẾ
Mặc dù giá trị XK của tỉnh tăng rất nhanh trong những năm gần đây nhưng điều đáng lưu tâm là hầu hết những ngành có lợi thế của Tiền Giang như gạo, thủy sản, nông sản đều giảm rất sâu. Ở khía cạnh khác cũng đáng chú ý là tỷ trọng kim ngạch XK của các DN Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giảm mạnh qua các năm, giảm mạnh nhất là loại hình kinh tế tư nhân.
Nếu như vào năm 2011 nhóm DN này chiếm gần 59% trong tổng KNXK của tỉnh, thì đến năm 2013 chỉ còn gần 40%, tập trung vào các DN XK nông thủy sản, nhất là thủy sản và gạo. Nếu như năm 2011, trong tổng giá trị XK của tỉnh, thủy sản chiếm trên 41%, thì đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn gần 27%; gạo từ trên 19% giảm xuống còn xấp xỉ 9%.
XK sang 132 quốc gia và vùng lãnh thổ Theo Sở Công thương, trong năm 2013 các DN trên địa bàn tỉnh đã XK sang 136 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch nhập khẩu từ tỉnh Tiền Giang hơn 10 triệu USD; 12 quốc gia hơn 20 triệu USD; có 4 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu hơn 50 triệu USD. Trong 4 quốc gia có giá trị nhập khẩu cao đối với các sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh là Hoa Kỳ chiếm trên 24%, kế đến là Tây Ban Nha chiếm trên 9%, Nhật chiếm trên 8% và Trung Quốc chiếm trên 7,4% |
Được mệnh danh là “vương quốc trái cây” nhưng XK mặt hàng rau quả dường như vẫn còn bỏ trống, với giá trị mang về rất ít. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao điệp khúc “được mùa rớt giá” luôn là bài toán nan giải của ngành Nông nghiệp nói riêng và của tỉnh nói chung.
Bởi theo số liệu thống kê hiện nay, XK mặt hàng này chiếm chưa đến 1% trong tổng KNXK của tỉnh, chỉ với 4 DN tham gia, trong đó Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang chiếm trên 46% tổng KNXK trái cây của tỉnh.
Điều đặc biệt là hầu hết các sản phẩm rau quả chủ yếu là sơ chế, chưa chế biến sâu; tỷ trọng hàng đông lạnh chiếm trên 60% trong tổng KNXK hàng rau quả, sản phẩm đóng hộp chiếm 37%. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là châu Á chiếm 54%, châu Âu chiếm 37%...
Trái ngược với các DN trong nước là các DN có vốn đầu tư nước ngoài lại có giá trị XK tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2011, nhóm DN này chỉ chiếm trên 21% trong tổng KNXK của tỉnh, đến năm 2013 đã chiếm trên 47% và dự kiến năm 2014 còn tăng cao hơn. Tỷ trọng KNXK của các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng là do từ cuối năm 2012 các DN tại KCN Tân Hương và KCN Long Giang bắt đầu XK với sản lượng, kim ngạch lớn và giá cao. Đây cũng là những mặt hàng mới của tỉnh.
Tuy số lượng DN mới tham gia còn hạn chế (mỗi mặt hàng chỉ có từ 1-2 DN tham gia) nhưng mang lại kim ngạch khá cao, đóng góp phần lớn vào mức tăng giá trị XK của tỉnh. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù giá trị XK đã tăng rất cao, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, nên thực chất giá trị mang lại cho địa phương không lớn, chủ yếu là giải quyết lao động.
THẾ ANH
Bài 2: Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh