Thứ Ba, 13/05/2014, 05:29 (GMT+7)
.
Thực trạng xuất khẩu ở Tiền Giang

Bài 3: Xuất khẩu gạo - mất ngôi "Á hậu"

Bài 1: Xuất khẩu tăng nhờ doanh nghiệp mới
Bài 2: Giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh

Gạo là mặt hàng có nhiều lợi thế của Tiền Giang và nhiều năm giữ vững ngôi “Á hậu” trong danh sách các ngành hàng có giá trị xuất khẩu (XK) cao của tỉnh, chỉ sau thủy sản. Tuy nhiên, XK gạo giảm mạnh cả về kim ngạch và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh trong 3 năm qua và hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Còn chiếm xấp xỉ 9%

Trong nhiều năm, gạo luôn đem về hàng trăm triệu USD và đứng thứ hai trong các nhóm ngành XK của tỉnh. Thế nhưng, gạo nhanh chóng bị thay thế vị trí bằng những nhóm ngành hàng khác do chịu quá nhiều yếu tố tác động, kể cả các yếu tố từ thị trường tiêu thụ và cơ chế, chính sách. Đặc biệt là, theo quy định tại Nghị định 109 ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo, thì gạo là mặt hàng XK có điều kiện, muốn XK phải được cấp phép của Bộ Công thương.

Hiện nay, có 8 DN có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh có Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo do Bộ Công thương cấp, trong đó Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) chiếm 53% KNXK gạo của tỉnh, kế đến là Công ty TNHH Việt Hưng (chiếm 34,8%).

Trong những năm gần đây, thị trường kinh doanh lúa gạo chịu ảnh hưởng của những biến động rất lớn, theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Điều này đã tác động không nhỏ đến các DN kinh doanh, XK gạo trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Số DN “rơi rụng” sau những biến động của thị trường là không ít, số DN còn lại lợi nhuận thu về cũng rất thấp. Trên bình diện chung, KNXK gạo từ chỗ chiếm khoảng 19% trong tổng KNXK của tỉnh đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 9%.

Chuyển gạo xuống sà lan để XK.
Chuyển gạo xuống sà lan để XK.

Phân tích về những diễn biến của thị trường lúa gạo những năm gần đây, lãnh đạo Tigifood cho rằng, năm 2011 kinh tế thế giới xảy ra khủng hoảng nợ công kéo dài; trong nước mặt bằng lãi suất cao, giá đầu vào tăng mạnh. Với lĩnh vực kinh doanh lương thực, bắt đầu mở cửa thị trường theo cam kết của WTO cũng như Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh XK gạo ra đời, nên tính cạnh tranh ngày càng cao.

Năm 2012 kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng bởi bất ổn kinh tế thế giới; trong khi đó, lượng gạo tồn kho tại châu Á gia tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đi xuống, tiếp tục tạo ra áp lực giảm giá.

Năm 2013 hoạt động XK gạo tiếp tục gặp khó do Thái Lan lại xả nguồn gạo tồn kho, dẫn đến giá giảm nhanh và thấp. “Chênh lệch giá gạo XK giữa Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam đã được thu hẹp ở mức rất thấp. Giao dịch gạo thế giới năm 2013 giảm 2,6% so với năm 2012 do nhu cầu nhập gạo giảm từ các thị trường lớn như Indonesia, Nigeria, Philippines…” - lãnh đạo Tigifood cho biết.

Hoạt động XK gạo của các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện theo 2 hình thức là XK trực tiếp theo hợp đồng thương mại của các DN kinh doanh XK gạo và XK ủy thác theo hợp đồng tập trung của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Những năm gần đây, KNXK gạo của tỉnh giảm sâu, nguyên nhân chủ yếu do XK ủy thác giảm mạnh; các thị trường của hợp đồng tập trung chịu sự cạnh tranh gay gắt của Thái Lan và Ấn Độ, với những mặt hàng gạo cấp thấp lẫn cấp cao.

Bên cạnh đó, các thị trường này lại nhập khẩu nhỏ giọt với số lượng nhỏ nhằm đợi giá giảm. Theo số liệu của Sở Công thương, trong khi KNXK gạo trực tiếp của các DN tăng bình quân gần 55%/năm, sản lượng tăng gần 50%/năm (giai đoạn 2011-2013), thì KNXK gạo theo hình thức ủy thác giảm bình quân gần 41%/năm, sản lượng giảm gần 39%/năm, mức tăng của KNXK gạo trực tiếp vẫn chưa thể làm cho KNXK gạo chung của tỉnh tăng.

Theo đó, nếu như vào năm 2011, KNXK gạo trực tiếp chiếm gần 42% trong tổng KNXK gạo của tỉnh, đến năm 2013 tỷ lệ này đã tăng lên gần 83%.

Chuyển hướng kinh doanh

Diễn biến bất lợi của thị trường kinh doanh lúa gạo đã đẩy các DN XK gạo rơi vào tình thế hết sức khó khăn, buộc lòng phải chuyển hướng kinh doanh để thích ứng và ổn định được sản xuất - kinh doanh.

Lãnh đạo Tigifood cho rằng, trước tình hình mặt hàng gạo thông dụng chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, Tigifood đã kịp thời chuyển hướng kinh doanh, chuyển mạnh sang thị trường gạo chất lượng cao, gạo thơm, nếp; trong đó đặc biệt khai thác lợi thế của công ty là nhóm gạo có nhãn hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất bằng container và đóng gói bao bì loại nhỏ, đa dạng các phòng đóng gói đạt tiêu chuẩn HACCP… đã góp phần đem lại hiệu quả cao.

Nếu như giai đoạn trước năm 2010, Tigifood chỉ XK bình quân dưới 20% gạo chất lượng cao thì hiện nay tỷ trọng này luôn đạt trên 80%; riêng năm 2013 đạt được trên 83.000 tấn, chiếm trên 83%, là tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu gạo XK của công ty.

Ở khía cạnh khác, trước áp lực cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả, Tigifood phải tập trung nguồn lực để đầu tư chiều sâu theo hướng đổi mới công nghệ, thiết bị chế biến, xay xát lúa gạo theo hướng tiên tiến, cơ giới hóa, từng bước tự động hóa; đầu tư máy tách màu điện tử, máy tách đá sạn, tách kim loại, máy đóng gói tự động; trang bị máy sấy lúa công nghiệp; đẩy mạnh việc mua và chế biến từ các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chuyển sang kinh doanh gạo chất lượng cao. Với hướng đầu tư như thế, trong vòng 3 năm gần đây Tigifood đã bỏ ra 197 tỷ đồng cho đầu tư cơ sở vật chất theo chiều sâu.

Cùng chịu chung những khó khăn về XK gạo, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Cái Bè), cho biết năm 2013 công ty đã đạt KNXK gần 70 triệu USD. Hiện nay bên cạnh việc cung ứng gạo theo các hợp đồng tập trung, công ty đã tập trung xuất trực tiếp gạo sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Australia… và là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành kinh doanh lương thực trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng đều qua các năm, bình quân từ 10-15%/năm.

“Hiện tại, công ty có 5 chiếc sà lan vận tải với tổng khối lượng vận tải khoảng 4.200 tấn, kho bãi 12.000 m2 có sức chứa được khoảng 20.000 tấn gạo, 1 nhà máy xay xát lúa với công suất 200 tấn lúa/ngày - đêm, 3 nhà máy đánh bóng gạo xuất khẩu với công suất 800 tấn/ngày - đêm” - ông Nguyễn Văn Đôn nói về kết quả đầu tư vào chiều sâu của công ty thời gian gần đây.

THẾ ANH

Bài 4: Năm 2014: Xuất khẩu hướng đến con số 1,3 tỷ USD

.
.
.