Thứ Sáu, 31/10/2014, 14:27 (GMT+7)
.

Công ty CP In TG: Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng in

Để nâng cao chất lượng in ấn, thời gian gần đây Công ty cổ phần In Tiền Giang đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ. Ông Trần Công Thiết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần In Tiền Giang cho biết, trong quý II-2014, công ty đã đầu tư thêm máy cán phủ U.V toàn phần và từng phần hoàn toàn mới, với vốn đầu tư 2 tỷ đồng, để in ấn các loại vé số, nhãn mác, bao bì.

Hệ thống máy mới có nhiều tiện lợi như tốc độ nhanh, sau khi in được cán phủ thêm một lần nữa nên rất khó làm giả và chống ướt, thay thế các loại máy cán phủ U.V trước đây rất ô nhiễm môi trường. Đây là loại máy in có chất lượng cao đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công ty cũng vừa mới lắp đặt xong và đang vận hành máy in C.T.P, theo công nghệ của Nhật, với vốn đầu tư 2,3 tỷ đồng. Máy này có thể thay thế các loại máy cũ, rút ngắn được nhiều thời gian in, tất nhiên là giảm được giá thành in và chất lượng tốt hơn nhưng lại giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. 

“Chẳng hạn, đối với máy cán phủ U.V trước đây, một giờ cũng chỉ in được 1.500 tờ, còn đối với máy mới đầu tư đạt đến 9.500 tờ/giờ, gấp 6 lần máy cũ nhưng bảo đảm đẹp, không có lỗi kỹ thuật. Kèm theo đó giá thành sản xuất cũng giảm xuống trên 10%. Hệ thống máy mới có thể in cho rất nhiều loại sản phẩm” - ông Trần Công Thiết cho biết.

Hệ thống máy in mới của Công ty cổ phần In Tiền Giang.
Hệ thống máy in mới của Công ty cổ phần In Tiền Giang.

Công ty cổ phần In Tiền Giang hiện có 9 máy in offset, trong đó công ty mới đầu tư máy in 5 màu. Đây cũng là máy in 5 màu đầu tiên trên địa bàn tỉnh, nên chất lượng in hiện tại đã được cải thiện hơn trước rất nhiều, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí in ấn.

Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống máy mới, công ty đã phải bỏ ra khoảng 10 tỷ đồng. Còn nếu tính từ năm 2009 đến nay, công ty đã bỏ ra 20 tỷ đồng để đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm thay đổi dần hệ thống máy móc đã cũ kỹ, lạc hậu. Đó là hệ thống máy bế tự động, máy keo nhiệt tự động, máy in 1x1 khổ lớn và hệ thống máy móc mới đầu tư trong năm 2014.

“Hiện tại trên địa bàn tỉnh có hơn 20 đơn vị in ấn nên buộc lòng công ty phải lựa chọn phân khúc khác, theo hướng đầu tư máy móc hiện đại, bảo đảm đời sống người lao động và thân thiện với môi trường hơn. Nếu so với mặt bằng chung của Đồng bằng sông Cửu Long, công ty hiện chỉ xếp sau Công ty cổ phần In Cần Thơ về đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị cũng như thị phần in” - ông Trần Công Thiết đánh giá.

Công ty cổ phần In Tiền Giang hiện có lợi thế là đội ngũ kỹ thuật lành nghề cũng như có chính sách nhất định để thu giữ những công nhân có kỹ thuật cao. Khi đề cập đến môi trường kinh doanh hiện nay, ông Trần Công Thiết cho rằng, áp lực cạnh tranh của công ty hiện nay cũng rất lớn vì không tỉnh, thành nào trong vùng có nhiều nhà in như ở Tiền Giang, nhất là ở TP. Mỹ Tho.

Mặc dù Công ty cổ phần In Tiền Giang vẫn đang chiếm thị phần tương đối lớn nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh tương đối mạnh mẽ. Các nhà in nhỏ hiện có lợi thế là nhờ áp dụng thuế khoán nên có điều kiện hơn để cạnh tranh về giá in ấn.

Tất nhiên, cạnh tranh như thế sẽ không công bằng nhưng công ty cũng có lợi thế riêng nhờ vào hệ thống máy móc in khổ lớn, nên tốc độ in ấn rất nhanh và có đội ngũ công nhân lành nghề. Để tồn tại và phát triển, Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc công ty đã hoạch định chính sách kinh doanh từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đó là luôn luôn ổn định được khách hàng truyền thống, có chiến lược cạnh tranh trên quy mô lớn và có từng chiến lược kinh doanh cụ thể, đi cùng với đó là chiến lược mở rộng sản xuất.

“Còn trong chặng đường phát triển tiếp theo, công ty dự kiến trong năm 2015 sẽ nhập về máy in 6 màu, thêm một máy cán phủ U.V và từng bước xử lý một số máy 4 màu đã cũ. Công ty cũng đang dự định chuyển dây chuyền in ấn ra bên ngoài khu dân cư nhằm giảm bớt sự ô nhiễm môi trường” - ông Trần Công Thiết cho biết.

PHƯƠNG ANH

.
.
.