Thứ Sáu, 21/11/2014, 15:19 (GMT+7)
.

Ông Nguyễn Văn Lộc - cựu tù làm kinh tế giỏi

Ông Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1940, ngụ ấp 3, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy; tham gia cách mạng năm 1960. Tháng 12-1968, trên cương vị Xã đội phó, ông cùng đơn vị tổ chức chống địch càn, chẳng may bị thương và bị bọn lính Mỹ bắt. Chúng đưa ông về căn cứ Long Bình tra khảo nhưng không khai thác được gì, đã chuyển ông sang trại giam Hố Nai - Biên Hòa tiếp tục giam cầm, tra tấn.

Kiên gan chịu đựng, một lòng trung thành với cách mạng nên bị bọn địch đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Trong tù, ông lại tiếp tục cùng đồng đội đấu tranh. Đến năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, ông được trao trả tại Lộc Ninh. Trở về địa phương, ông tiếp tục chiến đấu, làm Phó Công an xã cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Lộc (trái), hỗ trợ Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh 5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Lộc (trái), hỗ trợ Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh 5 triệu đồng.

Chiến tranh kết thúc, mang trên mình nhiều vết thương với tỷ lệ thương tật 71%, là thương binh hạng 2/4, ông Lộc trở về nhà làm nông dân với hai bàn tay trắng. Nhờ sự cưu mang của ông Sáu Sườn, chủ lò ấp vịt giúp đỡ con giống, ông Lộc khởi nghiệp bằng nghề nuôi vịt chạy đồng. Không quản “nắng sáng, mưa chiều”, đồng xa đồng gần…, cha con ông Lộc miệt mài chăm sóc đàn vịt đẻ suốt 3 năm liền và thu về nhiều lợi nhuận.

Trên địa bàn huyện Cai Lậy lúc bấy giờ chưa có máy xới nên ông quyết định đầu tư kinh doanh máy xới kết hợp với cày thuê. Không những kinh doanh phát triển mà có vụ ông thu về từ 30 - 40 tấn lúa từ công cày.

Làm ăn có hiệu quả và đóng góp nhiều công sức trong các phong trào xây dựng nông thôn nên ông Lộc được đề cử làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách nông nghiệp, sau đó là Phó Chủ tịch UBND xã thường trực.

Giọng ông Lộc vẫn từ tốn: “Cuối năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã mở đầu công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xóa bỏ quan liêu bao cấp, mở ra nền kinh tế nhiều thành phần nên tôi quyết định chuyển hướng kinh doanh sang ngành xay xát.

Mặc dù lúc đó công suất nhà máy chỉ đạt 2 tấn/giờ, nhưng là nhà máy xay xát đầu tiên ở vùng đất này. Do trong tù tôi được học hỏi và được tôi luyện đức tính “bền lòng, quyết chí” nên tôi quyết định nâng cấp nhà máy xay xát, từ chạy máy bằng dầu diezen, tôi chuyển qua chạy máy bằng điện 3 pha; công suất máy từ 16 tấn/ca nâng lên 32 tấn/ca; từ 1 nhà máy ban đầu, tôi mở thêm 2 - 3 nhà máy nữa”.

Năng động và sáng tạo, bền lòng và quyết chí nên giờ đây ông Lộc trở thành ông chủ của 6 nhà máy xay xát lớn với các tên gọi: Tân Long 1, 2, 3, 4; Bình Minh và Vũ Hoàng; công suất mỗi nhà máy đạt 200 tấn/ca, tạo việc làm ổn định cho khoảng 300 công nhân. Ông Lộc đã vinh dự được cử đi báo cáo điển hình tại Hội nghị Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc và thương binh làm kinh tế giỏi toàn quốc.

Nhiều người biết đến ông Lộc không chỉ vì ông là ông chủ nhà máy xay xát lớn, mà còn là một nhà hảo tâm, từ thiện. Từng trải qua cảnh đói nghèo, được cưu mang giúp đỡ nên khi ăn nên làm ra, ông Lộc thường trích một phần lợi nhuận của mình để giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách; đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi công cộng với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, ông đã xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa, trị giá 70 triệu đồng; 7 căn nhà tình thương, trị giá 98 triệu đồng; xây dựng 1 đường dal trong ấp dài hơn 100 m, rộng 1 m, với kinh phí 50 triệu đồng. Trong những năm gần đây, mỗi năm ông hỗ trợ TX. Cai Lậy và xã nhà mỗi nơi 500 kg gạo để làm quà tặng hộ nghèo.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học, ông Lộc đã tài trợ cho hội mỗi năm từ 2 - 7 triệu đồng; tài trợ cho 1 sinh viên học thành tài với kinh phí 40 triệu đồng và đang tài trợ cho 1 sinh viên mỗi tháng 500 ngàn đồng cho đến khi ra trường.

Ngoài ra, ông Lộc còn hỗ trợ 15 triệu đồng cho 15 nạn nhân chất độc da cam xã nhà (mỗi suất 250 ngàn đồng/quý), ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh 5 triệu đồng. Nhân dịp Ban Liên lạc Cựu tù kháng chiến tỉnh tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II, ông Lộc đã hỗ trợ 5 triệu đồng.

.
.
.