Xuất khẩu về đích sớm
Không ngoài dự đoán, chỉ đến hết tháng 11, theo số liệu của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh đã cán đích 1,35 tỷ USD, vượt xa so cùng kỳ của năm trước đến 40% và vượt cả kế hoạch của cả năm 2014.
VƯỢT MỤC TIÊU CẢ NĂM
Mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất khẩu (XK) do UBND tỉnh tổ chức gần đây, KNXK toàn tỉnh của năm 2014 dự kiến chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Như vậy, đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu đã vượt chỉ tiêu kế hoạch, trong khi còn đúng 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2014. Thủy sản và gạo, 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, tuy giá trị thực mang về có thể không tăng bằng những năm trước đây.
Chẳng hạn, thủy sản đến hết tháng 11 đã XK được 132.000 tấn, với giá trị kim ngạch 290 triệu USD, tăng 8,5% về số lượng và 13% về giá trị. Trong kết quả chung của ngành thủy sản, bên cạnh sự ổn định của các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư trước đây, với quy mô tương đối lớn như Hùng Vương, Gò Đàng, Sotico, Đại Thành… còn có sự đóng góp không nhỏ của các DN đầu tư mới và sự đa dạng về mặt hàng XK.
Thủy sản đã mang về 290 triệu USD trong 11 tháng qua. |
Đặt tại vùng nguyên liệu dồi dào, Công ty TNHH Minh Thắng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) chính thức được thành lập cách đây vài năm và từng bước có những đóng góp tích cực trong KNXK của tỉnh, nhất là trong ngành thủy sản.
Ngày 1-12, ông Võ Văn Danh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Thắng cho biết, đến hết năm 2013, việc đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền thiết bị và nguồn lực lao động đã cơ bản hoàn thành, nên sang năm 2014 công ty đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, đến thời điểm hiện nay, công ty đã XK được 800 tấn thủy sản các loại qua các thị trường khó tính, trong đó thị trường Bỉ, Nga, Ý… chiếm tỷ trọng lớn.
Công ty đang đẩy mạnh XK cá nục sang thị trường Nhật, tôm biển cho thị trường Hàn Quốc và Nhật. Dự kiến, năm 2014 công ty sẽ mang về 4,5 triệu USD. “Hiện tại, đội tàu khai thác ở khu vực Vàm Láng đã tăng lên đáng kể, nên sản lượng thủy sản khai thác được chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Do vậy, công ty cần có nguồn vốn tương đối lớn để dự trữ nguyên liệu nhằm bảo đảm cho sản xuất liên tục, nên rất cần sự hỗ trợ vốn lưu động từ phía các ngân hàng thương mại.
Công ty cũng có đội tàu khai thác, dịch vụ hậu cần và chế biến XK, nên tạo được dây chuyền khép kín giúp tiết giảm được chi phí tương đối lớn. Do vậy, công ty dự kiến năm 2015, tình hình XK có những nét khả quan hơn” - ông Võ Văn Danh cho biết.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh cũng đạt được 210.000 tấn, trị giá 93 triệu USD, tăng 7,8% về lượng và 8,4% về giá trị. Tuy nhiên, theo giám đốc một DN trong lĩnh vực kinh doanh lương thực, tình hình XK gạo chỉ mới khởi sắc vào những tháng gần đây, một phần cũng nhờ vào các hợp đồng XK tập trung của Chính phủ đã “kích” thị trường tiêu thụ lúa gạo vốn đã trầm lắng trong một thời gian dài trước đó. Hơn nữa, các DN đã chủ động tìm kiếm khách hàng thông qua các hợp đồng thương mại và chuyển đổi sang kinh doanh gạo thơm, gạo chất lượng cao.
“Nhờ chuyển hướng chiến lược kinh doanh, tập trung mạnh vào gạo thơm, gạo chất lượng cao đã giúp công ty ổn định, tạo ra nhiều lợi thế hơn trong lúc giai đoạn thị trường kinh doanh lúa gạo biến động mạnh, tiêu thụ khó khăn như thời gian vừa qua” - ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang từng nói thế.
11 tháng qua xuất khẩu thủy sản mang về cho Tiền Giang 290 triệu USD. Ảnh: Phạm Nhựt Thưởng |
DOANH NGHIỆP FDI VẪN CHIẾM ƯU THẾ
Công bằng mà nói, dù các mặt hàng chủ lực của tỉnh thời gian qua có mức tăng trưởng khá nhưng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm ưu thế trong tổng cơ cấu KNXK của tỉnh. Theo số liệu của Sở Công thương, trong tổng KNXK của tỉnh đạt được đến thời điểm hiện nay, DN FDI vẫn chiếm trên 52%, còn lại là các DN trong nước.
Tất nhiên, sự tăng trưởng mạnh về XK của các DN FDI cũng bắt nguồn từ chính sách thu hút đầu tư thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều DN mới đã và đang đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh như Tân Hương hay Long Giang. Sự đóng góp của các DN FDI đầu tư mới trong các lĩnh vực da giày, may, ống đồng đã chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị XK của tỉnh.
Trái ngược với các DN trong nước, các DN FDI luôn có giá trị XK tăng vọt trong những năm gần đây. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2011 nhóm DN này chỉ chiếm 21%, đến năm 2013 đã chiếm 47% và đến thời điểm tháng 11-2014 đã chiếm 52%. Thực ra, tỷ trọng của các DN FDI ngày càng tăng là do từ cuối năm 2012, các DN tại KCN Tân Hương và Long Giang bắt đầu XK với sản lượng, kim ngạch lớn và giá cao. Đây cũng là những mặt hàng XK mới của tỉnh.
Chỉ tính riêng mặt hàng ống đồng, trong 11 tháng qua đã mang lại giá trị XK 147 triệu USD, tăng 36% về trị giá; mặt hàng túi xách đã đạt giá trị 215 triệu USD, tăng gấp đôi về giá trị. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang tại Khu công nghiệp Tân Hương, công ty đã đưa vào hoạt động thêm 4 dây chuyền sản xuất mới, nên giá trị XK còn có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, số lượng DN FDI mới tham gia XK không nhiều nhưng mang lại giá trị XK khá cao và đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng chung trong giá trị XK toàn tỉnh. Cũng cần phải lưu ý rằng, đối với các DN FDI, mặc dù giá trị XK đã tăng rất cao, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, nên thực chất giá trị mang lại cho địa phương không lớn, chủ yếu là giải quyết lao động.
Trên bình diện chung, mặc dù KNXK của tỉnh tăng ở mức khá cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập, là do XK chủ yếu tăng theo chiều rộng, nhiều nhóm ngành có lợi thế của Tiền Giang lại tăng không đồng đều và có xu hướng giảm; khối DN FDI tăng nhanh trong khi nhóm DN Nhà nước lại giảm. Do vậy, giải pháp để đẩy mạnh XK các mặt hàng theo chiều sâu, theo hướng sản phẩm giá trị gia tăng cũng cần được tính đến.
THẾ ANH