Thứ Tư, 28/01/2015, 05:48 (GMT+7)
.

Ngành Nông nghiệp tỉnh hướng đến sản xuất bền vững

Từ thực trạng với những hạn chế đã diễn ra nhiều năm, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đang hướng đến việc tái cơ cấu lại theo hướng bền vững, đem lại phúc lợi xã hội cho nông dân và người tiêu dùng, nhằm phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội.

Trong thời gian tới, cây khóm sẽ được quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung.
Trong thời gian tới, cây khóm sẽ được quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung.

Nhiều năm qua, nông nghiệp tỉnh ta luôn đối diện với những tồn tại như: “Được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, dịch bệnh trên gia súc, cây trồng, thủy sản thường xuyên xảy ra; quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ chưa theo chuỗi giá trị…

Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi Lê Văn Tư, ấp Lương Trí, xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) trồng 2.000 m2 xoài cát Hòa Lộc, 5.000 m2 bưởi da xanh, tâm sự: “Nông dân chúng tôi khi vào vụ sản xuất thì phụ thuộc vào các đại lý phân, thuốc; rồi phụ thuộc nhân công. Đến khi bán sản phẩm thì phụ thuộc vào hệ thống thương lái. Bởi đến ngày bán, họ định giá bao nhiêu thì bán bấy nhiêu chứ người sản xuất có quyết định được giá đâu. Nếu lĩnh vực nông nghiệp không được sắp xếp lại thì nông dân sẽ gặp khó khăn mãi”.

Những khó khăn của nông dân Lê Văn Tư cũng như bao hộ nông dân khác đã được ngành NN&PTNT nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là do chuyển dịch cơ cấu từ trong nội bộ từng ngành, chuyển dịch qua lại giữa các chủng loại cây ăn trái, biến động của các nhóm gia súc… theo biến động của thị trường và tình hình dịch bệnh.

Các biến động này đã có tác động làm giảm hiệu quả của sản xuất như tốn nhiều chi phí cho việc tái lập mặt bằng và kéo dài thời kỳ kiến thiết cơ bản, có tác động đối với đất đai và chế độ thủy văn tại chỗ cũng như khu vực chung quanh... làm tăng trưởng của khu vực I có phần chậm hơn so với tiềm năng và làm giảm hiệu quả đầu tư.

Tình trạng sản xuất nhỏ vì phần lớn nông hộ trên địa bàn tỉnh có diện tích đất ít, phân tán, do vậy chi phí sản xuất luôn tăng cao, khó quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn nông sản phẩm hàng hóa tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, do đó tạo nhiều phân khúc trong chuỗi giá trị, nông dân vẫn là đối tượng bị ảnh hưởng nhất, thu nhập bấp bênh.

Tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay trở thành vấn đề nghiêm trọng do sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở sản xuất - chế biến. Nhận thức của người dân và áp lực đô thị hóa tăng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn còn yếu, không đồng bộ.

Việc tái cơ cấu lại nông nghiệp đã được UBND tỉnh có kế hoạch hành động cụ thể, trong đó, trồng trọt thực hiện theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở phát triển các vùng chuyên canh để tăng giá trị sản phẩm; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và nhân giống các cây trồng đại diện cho tỉnh Tiền Giang và vùng Bắc sông Tiền như:

Tập trung sản xuất các cây chủ lực như xoài cát Hòa Lộc, khóm, sầu riêng, thanh long, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở quy mô từ 3.000 ha trở lên; tổ chức lại sản xuất, gắn kết chuỗi giá trị sản xuất theo GAP. Đối với cây lúa thì hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa “Nông dân nhỏ sản xuất trên cánh đồng lớn” trên 20.000 ha gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Đối với cây rau màu thì hình thành vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn được kiểm tra giám sát, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nâng cao chất lượng các giống vật nuôi chủ lực, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; khuyến khích sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Phát triển giống thủy sản chủ lực theo vùng sinh thái và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế.

Tái cơ cấu lại nông nghiệp không phải là chuyện đơn giản. Nó không thể thực hiện được trong “một sớm, một chiều” mà phải cần thời gian rất dài. Tuy vậy, nếu ngành Nông nghiệp và các ngành có liên quan cùng vào cuộc sớm thì sẽ rút ngắn thời gian và nông dân cũng đỡ vất vả hơn.

NGUYỄN SỰ

Theo Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, nông nghiệp sẽ đóng góp tích cực vào độ ổn định, tính bền vững của phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh Tiền Giang ở mức 9,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và 10,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; đến năm 2015 phấn đấu tỷ trọng Khu vực I trong GDP của tỉnh là 36,9%; đến năm 2020 đạt tỷ trọng là 27,4%.

Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 4,16%/năm giai đoạn 2014 - 2020, trong đó giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân 3,62%/năm, tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi đến năm 2020 là 78,11 - 21,89; giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 6,76%/năm. Góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

 

.
.
.