Thứ Tư, 04/03/2015, 09:45 (GMT+7)
.

Cơ hội cho ngành Dệt may?

Lần đầu tiên ngành Dệt may của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chiếm vị trí ngôi đầu trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh, vượt qua cả các nhóm ngành chủ lực như gạo, thủy sản. Đà tăng trưởng của các DN trong nhóm ngành này sẽ được tiếp diễn trong thời gian tới. Thế nhưng, cơ hội và thách thức đối với ngành Dệt may chắc chắn sẽ đan xen nhau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2015.

SOÁN NGÔI XUẤT KHẨU

Công bằng mà nói, tình hình xuất khẩu của Tiền Giang năm 2014 tăng khá hơn kế hoạch dự kiến phần lớn là nhờ vào các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động. Song điểm nhấn quan trọng là cơ cấu mặt hàng đã có sự thay đổi khá mạnh; nông sản, thủy sản xuất khẩu không còn giữ thế mạnh mà chuyển sang các mặt hàng may gia công (quần áo, giày, túi xách).

Kim ngạch xuất khẩu của 3 nhóm hàng dệt may, giày, túi xách đã có tỷ trọng trên 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh, đóng góp 77% mức tăng KNXK năm 2014 so năm 2013 (khoảng 260 triệu USD).

Theo số liệu từ Sở Công thương, chỉ riêng hàng dệt may đã thực hiện 40 triệu sản phẩm, đóng góp khoảng 300 triệu USD, tăng đến 92% về lượng và 50% về trị giá, trở thành mặt hàng có giá trị KNXK cao nhất trong năm 2014.

Ngành Dệt may đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Ngành Dệt may đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành này chắc chắn sẽ không dừng lại do các DN đã và đang tiếp tục đầu tư thêm các dự án mới, tập trung chủ yếu ở Khu công nghiệp (KCN) Long Giang và KCN Tân Hương.

Theo nhận định của Sở Công thương, điểm thuận lợi của xuất khẩu nói chung, các nhóm ngành may mặc nói riêng là một số DN tại các khu, cụm công nghiệp (KCN Tân Hương, Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh) mở rộng sản xuất, trang bị thêm thiết bị đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012, tiếp tục phát triển sản xuất, từ đó đã góp phần đa dạng các mặt hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Nhận định về triển vọng của ngành Dệt may, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Công Tiến cũng cho rằng, trong năm 2015, ngành Dệt may nói chung, của Công ty Công Tiến nói riêng sẽ có nhiều điểm sáng hơn. Riêng Công ty Công Tiến cũng đã ký nhiều đơn hàng cho năm 2015.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, công ty sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc, tập trung vào các máy chuyên dùng, máy lập trình bằng hệ thống điện tử để thời gian chế tạo sản phẩm của công nhân được rút ngắn lại nhằm nâng cao năng suất lao động. Nếu như năm 2014, năng suất bình quân của người lao động chỉ đạt 420 USD/người, sang năm 2015 quyết tâm đạt được 500 USD/người, tiền lương đạt 6 triệu đồng/người/tháng.

Dấu ấn của Công nghiệp Tiền Giang, nhất là trong ngành Dệt may gần đây là sự xuất hiện của các DN trong ngành sợi. Ông Liang Yi Zuo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kang Na Tân Phước cho rằng, công ty cũng mới chính thức đi vào hoạt động, đến tháng 8-2015 sẽ lắp đặt hoàn thành dây chuyền sản xuất giai đoạn 1, nên năng suất sẽ tăng lên và ước tính sẽ đạt 30 - 40 triệu USD trong năm 2015.

Trong năm 2015, công ty tiếp tục đầu tư khoảng 20 triệu USD nhằm kết thúc giai đoạn 1, với vốn đầu tư có thể đạt 50 triệu USD.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐAN XEN

Thế nhưng, nhóm ngành Dệt may không chỉ có thuận lợi mà cũng có không ít áp lực. Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, việc tự do hóa thương mại từ TPP được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với nhóm ngành này.

Lãnh đạo Sở Công thương nhận định, TPP bao gồm 12 nước tham gia đàm phán và ký kết, gồm Mỹ, Canada, Peru, Chi lê, Nhật Bản, New Zealand… 12 nước này có dân số khoảng 800 triệu người, chiếm 40% GDP và 1/3 giá trị thương mại của các nước trên thế giới. TPP là hiệp định thương mại tự do của các nước. Khi ký kết và đi đến thực hiện, các DN nói chung và ngành Dệt may nói riêng có những thách thức và cơ hội tồn tại song song, đan xen lẫn nhau.

Trước hết, DN Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ vào các nước này, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và khả năng cung ứng cho các thị trường với ưu đãi về thuế từ giảm cho đến 0%. Vì vậy, DN có khả năng cơ cấu lại thị trường của mình và tăng năng lực cạnh tranh của các DN nói chung và của ngành Dệt may nói riêng.

Do áp lực cạnh tranh, với thuế suất giảm, các DN phải chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến phương pháp quản lý. Riêng về DN may phải tự thiết kế, sản xuất nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu nội địa hóa mới được xuất khẩu vào các nước này.

Thế nhưng, ngoài ưu đãi về thuế, các DN phải đối mặt với các rào cản thương mại. Các nước chắc chắn sẽ tăng cường các hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường, lao động. Đây là những thách thức không nhỏ đối với DN nói chung và ngành Dệt may nói riêng.

Bên cạnh đó, các DN sẽ gặp khó khăn về vốn, khả năng đầu tư để đổi mới công nghệ và phải tự sản xuất nguyên liệu để đáp ứng được yêu cầu. Ngành may phải sản xuất được nguyên liệu từ khâu kéo sợi, đến dệt, nhuộm, may xuất khẩu. Hiện nay, nguyên liệu ngành may chủ yếu là vải chỉ chiếm từ 20 - 25%, còn lại là nhập khẩu, do đó ngành may phải đầu tư vào vùng nguyên liệu nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nhận định về những cơ hội cũng như tác động của TPP, lãnh đạo Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho rằng, hiện các DN dệt may của Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng chỉ may gia công hoặc làm hàng FOB chứ chưa đủ khả năng làm theo các quy định mới của TPP.

Nhưng trước sau gì cũng phải thực hiện theo xu hướng chung này. Do vậy, các DN phải liên kết lại với nhau, chứ riêng từng DN cũng rất khó thực hiện và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Riêng các tổng công ty cũng cần có những định hướng, hoạch định cho các công ty con hoạt động theo xu hướng chung.

Thực tế cho thấy, các DN trong ngành Dệt may khi nhập nguyên, phụ liệu từ nước ngoài, chỉ riêng thời gian tàu chạy cũng mất ít nhất hơn nửa tháng, nên thời gian sản xuất ít. Nếu có nguyên, phụ liệu trong nước, các DN dệt may sẽ đáp ứng được tiến độ giao hàng, chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn nhờ chủ động được thời gian. Khi có nguyên phụ liệu trong nước, rủi ro cho các DN sản xuất sẽ không có hoặc xảy ra ít hơn, do đôi khi vướng phải thủ tục xuất nhập hàng.

Bởi thực tế sản xuất - kinh doanh cho thấy, chỉ cần trễ thời gian giao hàng 1 ngày, đối tác có thể hủy cả lô hàng hoặc phạt trễ hợp đồng, với chi phí thiệt hại không nhỏ, DN sẽ bị lỗ vốn ngay. Đồng thời, do không chủ động được nguyên liệu dẫn đến sản xuất gấp rút theo tiến độ giao hàng có thể dẫn đến những sai sót về chất lượng sản phẩm. Do đó, quyết định tham gia Hiệp định TPP là chính xác.

Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, đa số nguyên, phụ liệu của ngành may được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc nên việc tham gia TPP cũng tạo cơ hội cho các DN nước ngoài đầu tư vào ngành dệt, nhuộm, sợi. Ngành Dệt may của Việt Nam đang phát triển nhanh, nên sẽ thu hút được DN nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam.

Hiện 70% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt-ráp-hoàn thiện), với 88% nguyên phụ liệu (chủ yếu là vải) phải nhập khẩu từ nước ngoài, mà phần lớn các nước này không nằm trong TPP.  Bên cạnh đó, trang thiết bị, công nghệ không theo kịp các nước khác, gia công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh đang bị các quốc gia mới nổi trong ngành Dệt may lấn sân.

THẾ ANH

.
.
.