Thứ Hai, 20/04/2015, 21:04 (GMT+7)
.

Cơ hội cho doanh nghiệp và bài toán nguồn lực lao động

Đi cùng với những gam màu sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam nói chung, của Tiền Giang nói riêng là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh (SXKD). Thế nhưng, áp lực về nguồn lực lao động cũng đang song hành đối với các DN.

Trên bình diện tổng thể, năm 2015 là năm có nhiều dấu ấn đặc biệt của kinh tế Việt Nam với các hoạt động chạy nước rút của các bộ, ngành, địa phương cho kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Bên cạnh đó, năm 2015 Việt Nam dự báo sẽ gặt hái nhiều thỏa thuận đàm phán từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương và đáng chú ý là sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN hay việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối.

Công ty TNHH Hoan Vinh phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp mở nhiều lớp đào tạo nghề may công nghiệp để phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty.
Công ty TNHH Hoan Vinh phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp mở nhiều lớp đào tạo nghề may công nghiệp để phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động của công ty.

Năm 2015 cũng là năm Việt Nam thực hiện cam kết AFTA, sẽ cơ bản xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ ASEAN, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO… sẽ tác động lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu và thị trường bán lẻ của nước ta. Quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà hoạt động của DN là trọng tâm, đã đến giai đoạn quyết liệt.

Chính vì thế, năm 2015 được xem là năm của DN. Dựa trên nền tảng đó, tình hình kinh tế năm 2015 của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục với mức độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, những động thái gần đây cho thấy dấu hiệu phục hồi của khối DN, tạo đà tăng tốc cho những năm tiếp theo, nhất là trong năm 2015. Điều này được thể hiện qua số DN được thành lập mới trong thời gian gần đây. Bởi thực tế cho thấy rằng, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố nhưng kết thúc năm 2014 trên địa bàn tỉnh có gần 400 DN được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.399 tỷ đồng; có 238 DN đăng ký bổ sung vốn, với tổng số vốn đăng ký bổ sung 2.773 tỷ đồng.

Chính điều này đã góp phần nâng tổng số DN toàn tỉnh lên 5.380 DN, với tổng vốn đầu tư 38.553 tỷ đồng. “Lực lượng DN trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được sự lớn mạnh và trở thành nòng cốt trong hoạt động SXKD. Các DN đã đóng góp khoảng 30% trong tổng GRDP của tỉnh, nộp ngân sách chiếm 22,3% tổng thu ngân sách địa phương, hàng năm các DN tạo việc làm mới cho hơn 10.000 lao động” - ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT nhận xét.

Tiếp tục tập trung xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giảm chi phí không chính thức tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với DN theo hướng giải quyết tốt nhất các nhu cầu bức xúc của DN… là thông điệp quan trọng và rõ ràng nhất mà lãnh đạo Sở KH-ĐT đưa ra đối với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh trong năm 2015.

Theo đó, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, trong đó có nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Theo Sở KH-ĐT, mục tiêu thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2015 là tập trung để lấp đầy các KCN hiện hữu, mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Tân Phước 1, KCN Bình Đông; phát triển kết cấu hạ tầng các khu dân cư, khu thương mại, dịch vụ.

Theo Ban Quản lý các KCN, trong năm 2015 Tiền Giang tiếp tục thực hiện chương trình và kế hoạch xúc tiến đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức một số đoàn xúc tiến đầu tư ngoài nước cũng như tổ chức một số hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước.

Dự kiến trong năm 2015, số lượng lao động có thể tăng thêm từ 5.000 - 10.000 lao động cho các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN), nâng tổng số lao động có thể đạt trên 70.000 lao động. Đó là chưa kể, số lượng lao động của các DN ngoài các KCN, CCN được đầu tư mới hoặc mở rộng SXKD. Với những điểm sáng cho sự phát triển của các DN, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN tới đây chắc chắn sẽ rất lớn.

Với lực lượng lao động trẻ, số lượng dồi dào, nguồn lao động trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận vẫn còn đủ sức đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động, chưa nói đến lao động có chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu sản xuất cũng đã và đang đặt ra những bài toán khó giải cho không ít DN. Khi đặt ra vấn đề này với các DN, mỗi nơi lại đưa ra giải pháp cho riêng đơn vị mình.

PHƯƠNG ANH

Bà Võ Thị Mai Khanh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Royal Foods (KCN Mỹ Tho): Đào tạo cả tác phong làm việc

Dù các khâu sản xuất của công ty không đòi hỏi người lao động phải có tay nghề, kỹ thuật cao nhưng tất cả số lao động được công ty tuyển dụng đều phải qua đào tạo từ 1 tuần đến 1 tháng theo phương thức “cầm tay chỉ việc” thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Hiện công ty có 650 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm 80%.

Những lao động lành nghề sau khi tuyển dụng được công ty đào tạo lại kiến thức chuyên môn và tác phong làm việc trong một khoảng thời gian nhất định để phù hợp với môi trường làm việc mới. Phần lớn số lao động mới được tuyển dụng không có trình độ tay nghề.

Tuy nhiên, qua quá trình đào tạo trực tiếp trên dây chuyền sản xuất, đội ngũ này đã nhanh chóng nắm bắt công việc, từng bước nâng cao tay nghề. Số lao động không đạt sau đào tạo thường chiếm tỷ lệ rất thấp. Khi vào việc chính thức, đa số lao động đều đã quen việc và sản xuất có hiệu quả.

HN

Bà Hồ Thị Kim Hồng, Phụ trách Phòng Nhân sự của Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang (KCN Tân Hương): Chấp nhận đào tạo lại

Là một công ty với 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm của công ty là khá cao. Chẳng hạn như trong năm 2015, công ty có nhu cầu tuyển thêm 1.000 lao động và sang năm 2016 do mở rộng dây chuyền sản xuất nên dự kiến sẽ tuyển thêm 5.000 lao động. Mặc dù hàng năm trên địa bàn tỉnh vẫn có một lượng lớn sinh viên, học sinh nghề ra trường nhưng việc tìm kiếm để tuyển dụng được một đội ngũ lao động vững tay nghề, đáp ứng ngay yêu cầu công việc mà không phải đào tạo lại thì với công ty vẫn còn khó hơn “mò kim đáy bể”. Do đó, công ty chấp nhận tuyển cả lao động có tay nghề và chưa có tay nghề.

Hiện đa số người lao động khi được công ty nhận vào làm đều phải trải qua khóa đào tạo lại mới thích ứng được yêu cầu công việc. Bởi hạn chế lớn nhất của người lao động hiện nay chính là trình độ, kỹ năng nghề yếu, ít kinh nghiệm thực tế hoặc công việc thực hành không sát nhu cầu thực tế của các DN, khó thích ứng với các loại máy móc hiện đại và còn lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Bên cạnh đó, đa số người lao động đang làm việc trong các DN ở các KCN hiện nay chủ yếu đến từ các khu vực nông thôn nên các kỹ năng mềm như: Ý thức tác phong công nghiệp, trong đó có cả khi làm việc trong các dây chuyền sản xuất với 8 tiếng/ngày liên tục thì họ cũng cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy mà tính tùy tiện, vi phạm kỷ luật lao động của người lao động cũng còn khá cao.

HN

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Công Tiến: Chuyển đổi công nghệ để nâng cao năng suất lao động

Trong năm 2015, Công ty CP May Công Tiến sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc, tập trung vào các máy chuyên dùng, máy lập trình bằng hệ thống điện tử để thời gian chế tạo sản phẩm của công nhân được rút ngắn lại.

Mục tiêu cuối cùng của đầu tư đổi mới công nghệ là nâng cao năng suất lao động. Bởi đa phần người lao động mà công ty tuyển dụng ban đầu là từ khu vực nông thôn, chưa có tay nghề nên năng suất lao động tương đối thấp. Sau thời gian được đào tạo nghề, cùng với sự hỗ trợ tích cực của dây chuyền sản xuất hiện đại, sẽ giúp năng suất lao động tăng lên rõ rệt, từ đó thu nhập của người lao động sẽ tăng hơn.

Năm 2014, Công ty cổ phần May Công Tiến đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch SXKD; giải quyết việc làm cho 2.500 lao động, với thu nhập bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Đạt được kết quả như thế một phần là nhờ vào việc thay đổi công nghệ Line giúp năng suất lao động tăng lên đáng kể, tiết kiệm chi phí, thời gian lãng phí ít, tiền lương của người lao động cũng tăng theo.

Từ nền tảng đó, công ty đặt ra mục tiêu nếu như năm 2014 năng suất bình quân của người lao động chỉ đạt 420 USD/người, sang năm 2015 quyết tâm đạt được 500 USD/người, tiền lương đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Riêng doanh thu công ty dự kiến đạt 250 tỷ đồng, tương đương 12 triệu USD; lợi nhuận được giao
à 28 tỷ đồng…   

PA

 

.
.
.