Thứ Tư, 29/04/2015, 09:22 (GMT+7)
.
Nông dân vẫn còn nghèo trên "Vựa lúa Quốc gia"

Bài 3: Bỏ ruộng đi làm công nhân

Một thực tế hiện nay, người nông dân không thể trang trải cuộc sống cho gia đình bằng nguồn thu nhập từ mảnh ruộng của mình nên một bộ phận không nhỏ thanh niên nam, nữ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp (KCN). Trong đó, nhiều hộ có đất ít cũng cho thuê đất để đi làm công nhân.

Hàng ngàn thanh niên trẻ ở vùng quê bỏ ruộng đi làm công nhân (Ảnh chụp tại Khu Công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).
Hàng ngàn thanh niên trẻ ở vùng quê bỏ ruộng đi làm công nhân (Ảnh chụp tại Khu Công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).

Ào ạt đi làm công nhân

5 giờ sáng, hàng trăm nông dân từ các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Nhuận của huyện Cai Lậy đã tập trung trước cửa UBND xã Mỹ Thành Nam để các xe khách chuyên rước công nhân đưa đi làm ở các KCN Tân Hương (huyện Châu Thành), Long Giang (huyện Tân Phước). Tờ mờ sáng, xe bắt đầu rước công nhân tại những điểm tập kết. Tối, các xe này lại đưa công nhân về.

Chị Nguyễn Thị My, 33 tuổi, ở ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy đang ngồi trước cửa UBND xã Phú Nhuận để đi làm công nhân tại KCN Tân Hương cho biết: “Vợ chồng tôi cưới hơn 7 năm và có được 1 đứa con. Ra riêng, được gia đình cho 0,3 ha đất để sản xuất lúa. Mấy năm trước, canh tác hoài mà không đủ tiền trang trải cho cuộc sống, tôi bàn với chồng gửi con cho cha mẹ, tôi đi làm công nhân, còn chồng ở nhà làm ruộng. Thời gian nhàn rỗi, chồng tôi đi bốc vác lúa hay đào rãnh dưa thuê. Vợ chồng “cày” như vậy nên mới có dư. Lấy tiền làm mướn của chồng trang trải cuộc sống, còn tiền lương của tôi thì để dành.

Em Nguyễn Thị Nguyệt, 20 tuổi, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam cho biết: “Em đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhưng thi rớt đại học. Cha mẹ kêu về nhà phụ giúp gia đình làm ruộng. Đến mùa lúa thì đi nhổ cỏ, giặm lúa và làm thuê cho những người xung quanh, nhưng em không biết làm và làm không nổi. Để có tiền tiêu vặt cho bản thân, em xin cha mẹ đi làm công nhân”. “Làm được hơn 1 năm mà em đã có dư 30 triệu đồng, nhiều hơn thu nhập của cha mẹ và anh hai em làm ruộng. Ở đây, thanh niên, đa số là nữ, đi làm công nhân nhiều lắm” - em Nguyệt nói.

Việc vác lúa thuê bây giờ không cần nhiều lao động vì đã có cơ giới hóa.
Việc vác lúa thuê bây giờ không cần nhiều lao động vì đã có cơ giới hóa.

Lương hàng tháng của những công nhân này khoảng 3 - 4 triệu đồng. Những ai tăng ca thì được trên 5 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với canh tác lúa. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam cho biết: “Hiện nay thu nhập của người nông dân quá thấp. Xong vụ mùa, công việc cũng không nhiều nên những người từ 40 tuổi trở xuống đều đi làm công nhân. Riêng trên địa bàn xã Mỹ Thành Nam có trên 1.000 người đi làm công nhân.

Còn các xã ven như Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Nhuận cũng có hơn 1.000 người đi làm công nhân. Một hộ có 0,3 - 1 ha lúa mà có đến 3 - 5 nhân khẩu thì họ chỉ để lại từ 1 - 2 người ở nhà sản xuất lúa, còn những người khác sáng đi làm công nhân, chiều tối về nhà. Ở đây, nhiều gia đình trẻ có được vài công đất, họ cũng cho thuê để đi làm công nhân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngày trước cổng UBND xã Mỹ Thành Nam có trên 10 chiếc xe loại 50 chỗ ngồi đậu chờ rước công nhân. Các xã Mỹ Thành Bắc, Thạnh Lộc, Phú Nhuận… cũng có trên 10 chiếc đậu chờ đưa rước công nhân. Ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay các KCN trên địa bàn tỉnh có đến 70 - 80% công nhân ở khu vực nông thôn.

Đa số họ là những người không có ruộng đất hoặc có ít ruộng đất sản xuất. Một nhân khẩu có chừng 4 - 6 người thì họ chỉ để những người lớn tuổi ở nhà làm ruộng, phần lớn còn lại đều đi làm công nhân ở các KCN. Trong số này, cũng có 1 bộ phận thanh niên sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hay đại học chưa tìm được việc làm cũng đi làm công nhân.

Cơ giới hóa đã “đuổi thanh niên lên bờ”

Khi xã hội ngày càng phát triển thì lao động chân tay dần dần được thay thế. Từ cày ải, san phẳng mặt ruộng, sạ giống, rải phân, phun thuốc, thu hoạch lúa… đều do máy làm hết. Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp đã đẩy người lao động trình độ thấp vào tình trạng mất việc.

Anh Trương Văn Thanh, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam tâm sự: “Trước đây, tôi đi cắt lúa, vác lúa kiếm được từ 50 - 100 ngàn đồng/ngày. Giờ người ta không cần nữa. Bởi những khâu này đã có máy móc làm hết”. Gia đình anh Thanh có 0,3 ha sản xuất lúa. Sau những ngày làm việc ngoài đồng, anh về chăm sóc heo, vịt và gà. “Gia đình ít ruộng đất, tôi cũng muốn làm thuê, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nhưng từ khi cơ giới hóa xuất hiện, nông dân không còn làm nhiều việc nặng nhọc nữa, chỉ giặm lúa, nhổ cỏ vài ngày là hết” - anh Thanh nói.

Nông dân lớn tuổi phải làm ruộng thay cho lớp trẻ.
Nông dân lớn tuổi phải làm ruộng thay cho lớp trẻ.

Hiện nay, cơ giới hóa đã hỗ trợ rất nhiều trong sản xuất lúa. Thanh niên muốn có tiền tiêu xài, không còn cách nào khác là phải đi làm công nhân ở các KCN, CCN. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành Nam chia sẻ: “Hồi xưa người ta chỉ cần chăm chỉ làm thuê, sống tằn tiện cũng có thể khá giả. Còn bây giờ cái gì cũng cơ giới hóa hết, thành ra những người không có tư liệu sản xuất, không trình độ đâm ra thất nghiệp dài dài. Ở xã này, rất nhiều thanh niên đi làm thuê ở các tỉnh khác, chứ đeo bám ở quê thì không sống nổi”.

Ông Võ Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 2.500 máy cày, tập trung tại các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, 3 máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laze, 8.817 công cụ sạ lúa theo hàng (đáp ứng được 51% diện tích sản xuất lúa), 4 máy cấy; 564 máy gặt đập liên hợp, trong đó có 141 máy do Việt Nam sản xuất, 421 máy ngoại nhập; 594 máy sấy lúa công suất 10.763 tấn, tập trung ở các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, hiện nay việc phun xịt thuốc hay bón phân dạng lỏng được thực hiện bằng bình phun có gắn động cơ của Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam chiếm khoảng 70 - 80% diện tích lúa canh tác.

Việc cơ giới hóa đồng ruộng đã thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh chóng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chính những nấc thang mới này đã làm mất việc của một bộ phận không nhỏ lao động chân tay. Đã đến lúc “thay áo” mới cho nông nghiệp để phù hợp với cơ chế thị trường, nhằm giải quyết hợp lý số lượng lao động dư thừa và nâng tầm sản xuất cho nông dân có điều kiện phát triển.

SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)

.
.
.