Thứ Hai, 18/05/2015, 08:02 (GMT+7)
.
Quy hoạch phát triển chợ - còn đó những khó khăn:

Bài 1: Nan giải với chợ tự phát

Chợ là nơi giao lưu, gặp gỡ, mua bán hàng hóa, là một nét văn hóa mang đặc trưng vùng miền rất rõ nét. Chợ còn đóng vai trò là mạng lưới phân phối bán lẻ truyền thống, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương mại. Theo số liệu điều tra cả nước có đến 85% lượng hàng hóa tiêu dùng được người dân mua sắm ở chợ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh mạng lưới chợ truyền thống, các hình thức giao thương hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại… cũng ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ tạo ra diện mạo mới cho thương mại bán lẻ và nâng cao văn minh thương mại, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, để quy hoạch sắp xếp các chợ theo định hướng phát triển của địa phương là một vấn đề không hề đơn giản.

Chợ tự phát ở ngã tư ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) kinh doanh lấn chiếm Đường huyện 32.
Chợ tự phát ở ngã tư ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) kinh doanh lấn chiếm Đường huyện 32.

Tự phát sinh và tồn tại bất chấp sự sắp xếp, quy hoạch của địa phương, chợ tự phát như là một tồn tại tất yếu của kinh tế thị trường khi cung và cầu gặp nhau với 2 yếu tố: Tiện lợi và rẻ tiền. Và nó đã gây khó khăn cho quy hoạch phát triển hệ thống thương mại của các địa phương.

Tự phát từ đâu?

Để tìm hiểu về việc hình thành các chợ tự phát, chúng tôi tìm về Châu Thành, huyện có số chợ tự phát nhiều nhất tỉnh. Thực tế tại chợ ngã tư thuộc ấp Thân Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa, chợ từ vài hộ mua bán trong nhà trước đây nay hiện có đến hàng chục hộ kinh doanh, người mua kẻ bán chiếm cả một khúc Đường huyện 32, gây khó khăn cho việc đi lại vào giờ cao điểm sáng. Trong khi cách đó không xa là một khu nhà lồng chợ khang trang bỏ trống.

Chị Lê Thị Kim Liên, bán ở chợ cho biết, sở dĩ bà con ở đây không vô chợ là do chỉ bán vài giờ buổi sáng thôi, trong khi vào nhà lồng phải thêm chi phí “tiền chỗ” mỗi ngày. Trong khi đó, chị Trần Thị Bảy ngụ ở thị trấn Tân Hiệp cho biết, thường thích đi chợ này hơn chợ Tân Hiệp do tiện lợi, không phải đi qua QL 1, giá cả ở đây lại rẻ, đồ ăn tươi ngon.

Ông Phạm Văn Luông, Phó Chủ tịch UBND xã Thân Cửu Nghĩa cho biết, chợ ngã tư hình thành khoảng năm 2010 với vài hộ, đến năm 2013 phát triển lên 60 hộ, gây ách tắc giao thông. Xã có đề xuất với huyện xin chủ trương xã hội hóa để sắp xếp lại, có mời tiểu thương lên trao đổi.

Tuy nhiên, khi tư nhân xây nhà lồng chợ gần đó khoảng 100 m, với giá thu theo giá của huyện, không cao hơn so với chi phí người dân mua bán bên ngoài, nhưng  tiểu thương không chịu vô; nguyên nhân là tiểu thương sợ đổi chỗ mất khách. Huyện có đưa lực lượng chức năng xuống giải quyết nhưng vẫn không được; hiện tại chỉ còn biết vận động người dân buôn bán đừng lấn chiếm lòng đường thôi.

Còn theo ông Đặng Tiến Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định, xã có đến 2 chợ tự phát, đó là chợ ấp Đông nằm trên hành lang Đường huyện 33 với 55 hộ kinh doanh và chợ khu phố Lương Minh Chánh nằm trên hành lang Đường tỉnh 867, có khoảng 32 hộ kinh doanh. 2 chợ này hình thành đã lâu đời, hiện xã không tìm ra quỹ đất để xây chợ, dù là kinh phí xã hội hóa. Giải quyết vấn đề này xem ra khó khăn, xã chỉ vận động bà con buôn bán hạn chế lấn chiếm lòng đường thôi.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Tình trạng chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường là xuất phát từ tập quán, thói quen và ý thức chưa cao của cả người mua và người bán. Mặt khác, do các công ty, xí nghiệp phát triển, phát sinh nhu cầu thuận tiện trong việc mua bán dẫn đến tình trạng phát sinh các chợ tự phát.

Vị trí chợ không được thuận lợi trong việc buôn bán hoặc buôn bán ế ẩm, cho nên các hộ tiểu thương chuyển sang chợ khác để buôn bán, dẫn đến có một số chợ hoạt động không hiệu quả. Tiểu thương chưa có sự đồng tình cao với chủ trương xã hội hóa của các hộ tiểu thương tại chợ để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa chợ theo quy định của Nhà nước, do mức thu phí chợ cao và nhiều khoản thu khác.

Cách đó 100m, nhà lồng chợ khang trang nhưng không có người vào kinh doanh.
Cách đó 100m, nhà lồng chợ khang trang nhưng không có người vào kinh doanh.

Và giải quyết thế nào?

Theo Sở Công thương, tính sơ bộ toàn tỉnh hiện có 48 chợ tự phát với 1.253 hộ kinh doanh, trong đó huyện Châu Thành nhiều nhất (20 chợ), kế đến là huyện Gò Công Tây (16 chợ). Các chợ này không nằm trong quy hoạch hiện trạng của tỉnh, chủ yếu tập trung tại các khu dân cư, khu công nghiệp, nằm cặp tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, gây mất trật tự, không bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.

Cũng theo Sở Công thương, đối nghịch những chợ tự phát nhưng hoạt động tương đối tốt, còn có những chợ được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động chưa hiệu quả như: Chợ Mỹ Lợi B, chợ An Cư, chợ Kinh Xéo, chợ Chùa Bà, chợ Hai Hạt của huyện Cái Bè; chợ Ấp 6 (xã Phú An), huyện Cai Lậy; chợ Mỹ Phong của TP. Mỹ Tho; chợ Long Vĩnh, chợ Cả Chốt của huyện Gò Công Tây.

Ngày 12-2-2014, UBND tỉnh ban hành Công văn 595 về việc xử lý các chợ tự phát gây mất trật tự, an toàn giao thông; theo đó kiên quyết xóa bỏ hoặc di dời đến nơi thích hợp, phù hợp với quy hoạch phát triển chợ của tỉnh, địa phương đã được phê duyệt; không được để xảy ra tình trạng chợ lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông.

Tuy nhiên, hơn 1 năm sau khi công văn được ban hành, tình trạng chợ tự phát trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được giải quyết căn cơ.

Để sắp xếp lại hoạt động của các chợ, Sở Công thương đề ra giải pháp sẽ bố trí vốn ngân sách để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các chợ đã xuống cấp, quá tải để sắp xếp, bố trí các hộ lấn chiếm lòng, lề đường có chỗ ổn định buôn bán.

Thực hiện việc xã hội hóa và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước để đầu tư phát triển chợ phù hợp với quy hoạch của tỉnh (ưu tiên đầu tư chợ để di dời các hộ buôn bán tại các chợ tự phát); tạo mặt bằng thông thoáng, địa điểm thuận lợi và có chính sách ưu đãi phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư chợ.

Phối hợp với địa phương kiểm tra một số chợ trong quy hoạch hiện trạng lấn chiếm lòng, lề đường và di dời các chợ tự phát đến vị trí thích hợp. Kiên quyết giải tỏa, xử lý các chợ tự phát ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, không bảo đảm vệ sinh môi trường và nằm ngoài quy hoạch hệ thống chợ.

Với một số chợ đã được đầu tư xây dựng xong nhưng chưa bố trí tiểu thương vào buôn bán: Cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động, mời gọi tiểu thương tham gia buôn bán tại chợ, có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm thuế, phí chợ theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Công, để giải quyết những chợ tự phát gây mất an toàn giao thông thì vai trò của địa phương, cơ sở rất quan trọng, về phía Sở chỉ tham mưu, vận động chớ không thể can thiệp sâu được.

Việc giải quyết các chợ tự phát rất khó khăn do người bán đa số là các hộ nghèo; mặt khác tại các khu chợ tự phát chưa bố trí được địa điểm mới để di dời. Ví dụ: Chợ Hàng Còng (TP. Mỹ Tho) đã có từ lâu nhưng không giải quyết được. Các chợ ảnh hưởng an toàn giao thông cần phải di dời, nhưng một số nơi chưa bố trí được vốn, chưa có đất để di đời.

DUY SƠN
(còn tiếp)

.
.
.