Thứ Tư, 24/06/2015, 14:28 (GMT+7)
.

Du lịch ĐBSCL: Mở ra nhiều cơ hội phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế, văn hóa, chính trị đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam, nối liền với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ - khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng. Đây là những thuận lợi cho việc tiếp cận các thị trường du lịch trong nước, khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, ĐBSCL có nhiều lợi thế phát triển du lịch sông nước, miệt vườn không thể nhầm lẫn với những khu vực du lịch khác để thu hút khách du lịch. Với các giải pháp được đề ra cùng với những sự kiện về du lịch sắp diễn ra đang mở ra nhiều cơ hội cho du lịch ĐBSCL phát triển.

Tiềm năng phát triển du lịch

ĐBSCL là khu vực có tiềm năng về du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước. Nơi đây, có dòng sông Mêkông bồi đắp phù sa màu mỡ, với 2 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu, hệ thống kinh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển, đảo, đã hình thành một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan đặc sắc, hùng vĩ, chứa bao điều kỳ thú mời gọi du khách gần xa.

Cụ thể như ở Bến Tre có đặc sản dừa và có khá nhiều cù lao (cồn) mang đậm bản sắc vùng sông nước; Tràm chim Tam Nông, Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng; chợ nổi Cần Thơ - Tiền Giang với nhiều loại trái cây; biển, đảo Hà Tiên và Phú Quốc (Kiên Giang) với hàng trăm đảo nhấp nhô giữa biển khơi gió lộng; phong cảnh Thất sơn Bảy núi (An Giang); rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau... đã đi vào lịch sử như một huyền thoại; cùng với đó là những cánh đồng lúa mênh mông… thật sự đã cuốn hút và hấp dẫn du khách.

Cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, thời gian qua ngành Du lịch Tiền Giang cũng có nhiều thuận lợi do đường giao thông đến Tiền Giang đã thông suốt và tiện lợi hơn, nhất là sau khi đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương hoàn thành.

Nhiều công trình phục vụ du lịch đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Chợ đêm ẩm thực Mỹ Tho được mở ngay giữa trung tâm TP. Mỹ Tho để phục vụ du khách; bến tàu du lịch TP. Mỹ Tho được đưa vào phục vụ hoạt động du lịch…

Các đơn vị du lịch trong tỉnh đang khai thác và đưa vào chương trình tham quan 3 khu du lịch truyền thống như: Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch biển Tân Thành.

Bên cạnh đó, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười cũng đang mở cửa đón khách. Nhiều di tích lịch sử rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học ở địa phương như: Chùa Vĩnh Tràng, Đình Long Hưng, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Thủ Khoa Huân, Lăng Trương Định, di chỉ khảo cổ ốc eo Gò Thành, Bảo tàng Tiền Giang… đã được tỉnh trùng tu, tôn tạo và phát triển, tạo điều kiện cho sự ra đời các gói du lịch sinh thái, kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, văn hóa.

Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã thiết kế các tuyến, điểm tham quan du lịch mới, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch như tham quan vườn cây ăn trái ở Vĩnh Kim, Tân Phong, Ngũ Hiệp, chương trình tham gia tát đìa bắt cá ở cù lao Thới Sơn… Các đơn vị khai thác du lịch cũng đã có sự liên kết, nối tuyến với các điểm tham quan du lịch sinh thái ở các tỉnh lân cận như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Tiềm năng du lịch ĐBSCL là rất lớn và khả năng phát triển đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL chưa có sự hợp tác bền chặt giữa các địa phương, các công ty du lịch. Lâu nay, việc liên kết thực ra chỉ là liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch.

Thực tế đó đã làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liên kết chắp vá hoặc chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” và “rập khuôn” đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng, miền. Tình trạng này dẫn đến sự nhàm chán, số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch chỉ bằng 30% - 35% so với bình quân cả nước.

Ngoài ra, theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lâu nay du lịch vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức: Hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, các cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đạt yêu cầu; chất lượng của lực lượng lao động trên lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường thủy còn chậm phát triển, trong khi lợi thế so sánh du lịch của vùng là dựa vào sông nước và biển, đảo. Nếu kéo dài tình trạng này chắc chắn ngành Du lịch ĐBSCL không thể đứng vững được.
 
Cơ hội cho du lịch ĐBSCL phát triển

Theo Quyết định 803/QĐ-BVHTTDL ngày 9-3-2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, quan điểm chủ đạo xuyên suốt đối với phát triển du lịch vùng ĐBSCL là nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp thực sự quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của cả nước, nâng cao vị thế ngành Du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả và bền vững những lợi thế về vị trí, tài nguyên của vùng.

Đề án cũng đã chia không gian du lịch ĐBSCL thành 4 cụm để xây dựng sản phẩm du lịch. Cụ thể, cụm trung tâm: gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau: gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.

Cụm duyên hải phía Đông: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười: gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.

Theo đó có 8 giải pháp thực hiện đề án như: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp chính sách về thuế và tài chính; giải pháp về quy hoạch; giải pháp về tổ chức quản lý; giải pháp về đầu tư; giải pháp thị trường, xúc tiến quảng bá; giải pháp hợp tác phát triển; giải pháp nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ.

Cùng với việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Cần Thơ tổ chức, sắp diễn ra tại TP. Cần Thơ, với mục đích của Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL năm 2015 là nhằm quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch của vùng ĐBSCL; thúc đẩy nhu cầu tham quan, du lịch đối với khách trong nước và quốc tế;

Đồng thời tìm giải pháp liên kết phát triển du lịch vùng ĐBSCL, kết nối tour, tuyến với các địa phương, vùng miền trong cả nước và quốc tế đến ĐBSCL; thông qua đó, kết hợp xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch xanh. Đây là những điều kiện mở ra cho du lịch ĐBSCL cũng như du lịch Tiền Giang nhiều cơ hội phát triển.

HỮU NGHỊ

.
.
.