Thứ Hai, 06/07/2015, 06:16 (GMT+7)
.

Du lịch Tiền Giang: Tìm giải pháp phát triển

Đó là nội dung Hội thảo Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Tiền Giang do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND huyện Gò Công Đông tổ chức vào ngày 24-6. Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành; Sở VH-TT&DL TP. Hồ Chí Minh; các chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiên cứu, đào tạo về du lịch của TP. Hồ Chí Minh; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và TP. Hồ Chí Minh.

Thiếu đầu tư, chậm đổi mới

Ngay trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang nêu rõ mục đích của hội thảo là nhằm giới thiệu và cung cấp những thông tin về du lịch (DL) Tiền Giang. Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để tìm ra những giải pháp nhằm xây dựng những chương trình DL phù hợp phục vụ khách DL trong và ngoài nước; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển DL Tiền Giang.

Tiền Giang là tỉnh nằm dọc theo sông Tiền nên có nhiều lợi thế phát triển loại hình DL sông nước, miệt vườn.
Tiền Giang là tỉnh nằm dọc theo sông Tiền nên có nhiều lợi thế phát triển loại hình DL sông nước, miệt vườn.

Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng: DL Tiền Giang vốn hình thành và phát triển từ rất sớm, hơn 40 năm qua. Theo đó, Tiền Giang có những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động DL, tạo sức hấp dẫn và thu hút du khách theo hướng DL sinh thái, DL tham quan miệt vườn, sông nước, DL cộng đồng và DL văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, DL Tiền Giang vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Riêng đại diện các doanh nghiệp kinh doanh DL đến từ TP. Hồ Chí Minh đều có chung nhận định: DL Tiền Giang thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ DL và chậm đổi mới trong việc thiết kế, tạo ra nhiều sản phẩm DL mới. Họ đã dẫn chứng cụ thể từ khu DL Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), một thương hiệu DL có tiếng của Tiền Giang, do thiếu đầu tư, quản lý và hoạt động DL ở khu DL này chủ yếu là tự phát nên hàng chục năm qua sản phẩm DL chẳng có gì mới, chủ yếu là chèo thuyền, ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử...

Còn trang thiết bị phục vụ DL thì khá nghèo nàn, cũ kỹ, nhất là về xuồng chèo và trang phục của những nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử. Do đó, chưa thật sự hấp dẫn, mời gọi du khách. Theo đại diện các doanh nghiệp này, hơn bao giờ hết DL Tiền Giang cần có sự đầu tư và đổi mới.

Nhiều ý kiến, tham luận của các đại biểu còn phân tích sâu các chỉ số so sánh về doanh thu và lượng khách đến qua các năm so với tiềm năng DL phong phú của địa phương. Qua đó, cho thấy hiệu quả của việc khai thác nguồn thu của ngành DL tỉnh nhà chưa cao. Lý do là sản phẩm DL Tiền Giang còn quá đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của du khách; chưa tạo được điều kiện hấp dẫn giữ chân du khách nhằm khai thác nguồn thu.

Ngoài ra, một lý do nữa cũng cần đề cập, đó là lượng khách đến Tiền Giang tuy nhiều, nhưng đa phần là “ăn theo” các tour do các công ty lữ hành từ TP. Hồ Chí Minh điều phối, Tiền Giang chỉ hưởng phần “ngọn” và khách gần như không biết mua sắm, chi xài gì khi đến Tiền Giang nên hiệu quả rất hạn chế và không bền vững. Đây là bài toán nan giải nhiều năm qua mà ngành DL Tiền Giang đang nỗ lực tìm kiếm lời giải đáp.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong hoạt động DL của Tiền Giang trong thời gian qua. Đó là, đầu tư phát triển DL của địa phương chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm. Cơ sở hạ tầng phát triển DL chưa được đầu tư tương xứng, để phát triển kịp nhu cầu phát triển DL.

Việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển DL gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm DL vẫn còn trùng lắp. Các doanh nghiệp khai thác kinh doanh DL cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tình trạng “cò mồi” chèo kéo khách DL vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hiệu quả hoạt động DL Tiền Giang...

Chèo xuồng và tát mương bắt cá là các sản phẩm DL của Tiền Giang đang thu hút du khách.
Chèo xuồng và tát mương bắt cá là các sản phẩm DL của Tiền Giang đang thu hút du khách.

Lý giải nguyên nhân của các vấn đề trên, theo Sở VH-TT&DL Tiền Giang, là do công tác quản lý Nhà nước về DL còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, nên có nhiều hoạt động dịch vụ tự phát làm phá vỡ cảnh quan, môi trường DL, không phù hợp với quy hoạch phát triển DL của tỉnh. Trong khi các dự án trong quy hoạch phát triển DL của Tiền Giang không có quỹ đất công mà chủ yếu là đất của dân; vì thế gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận đền bù, giải tỏa.

Việc huy động vốn, kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực DL chưa tốt. Sự phối hợp giữa các ban, ngành và địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nên chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp trong phát triển DL. Toàn tỉnh có 49 đơn vị kinh doanh lữ hành nhưng chủ yếu là liên kết với các nhà vườn, điểm DL để đưa khách đến tham quan nên chưa góp phần đầu tư thêm các sản phẩm DL tạo dấu ấn riêng...

Các giải pháp thúc đẩy phát triển DL Tiền Giang

Tại hội thảo đã có nhiều tham luận, ý kiến, đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, khách quan của các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà đầu tư về thực trạng hoạt động DL, phát triển sản phẩm DL và về chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư của tỉnh; đồng thời có những đề xuất về chủ trương, định hướng và giải pháp nhằm phát triển DL Tiền Giang trong thời gian tới.

Trong đó, các ý kiến tập trung đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc thu hút đầu tư; đề xuất mô hình, cơ chế hợp tác, liên kết, phát huy lợi thế của DL Tiền Giang; phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm bổ trợ, sản phẩm chuyên biệt, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ DL, góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh, sức hấp dẫn thu hút khách DL trong nước và quốc tế.

Theo Sở VH-TT&DL, dự kiến năm 2015, Tiền Giang sẽ đón 1,5 triệu khách du lịch, trong đó có 600 ngàn lượt khách quốc tế và đến năm 2020 dự kiến đón 2,2 triệu lượt khách, trong đó có 900 ngàn lượt khách quốc tế.

Mặt khác, UBND tỉnh cũng đang xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực DL Tiền Giang; đồng thời ban hành chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hỗ trợ đào tạo nghề... để các doanh nghiệp tiếp cận cơ hội đầu tư 22 dự án DL, với tổng vốn đầu tư 8.360 tỷ đồng trong Quy hoạch phát triển DL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013.

Khai thác lợi thế về tiềm năng DL để phát triển, tạo thế bền vững là vấn đề đang được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển sản phẩm DL mang nét đặc trưng riêng, tạo được bước đột phá phát triển du lịch ở Tiền Giang, theo Sở VH-TT&DL Tiền Giang là rất cần những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như:

Có cơ chế và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án DL; tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế cũng như nguồn lực trong nhân dân, bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư DL;

Có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến các khu DL; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá DL Tiền Giang;

Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển DL để xây dựng tuyến DL liên kết, phát triển sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế về tài nguyên DL, văn hóa của mỗi địa phương, bảo tồn môi trường sinh thái và văn hóa, bảo đảm phát triển DL bền vững.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách đến tham quan, sản phẩm DL không ngừng gia tăng, ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Tiền Giang đang thực hiện chiến lược định vị sản phẩm DL sinh thái, sông nước miệt vườn và gắn kết với cộng đồng, dựa trên những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên DL nổi trội để tập trung phát triển sản phẩm DL đặc trưng, có chất lượng, mang thương hiệu riêng và hạn chế sự trùng lắp với các địa phương trong vùng”.

Có thể thấy bức tranh DL Tiền Giang hiện vẫn còn dang dở và để hoàn thiện nó, cần có thời gian gia công với nhiều “nét cọ” mang tính đột phá. Quy hoạch phát triển DL Tiền Giang đến năm 2020 đã được phê duyệt, với định hướng DL là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất đa ngành và xã hội hóa cao.

Cùng với đó là chương trình mục tiêu phát triển DL đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ban, ngành trong tỉnh, hy vọng tất cả sẽ hợp thành động lực đưa DL trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

HỮU NGHỊ

.
.
.