Thứ Sáu, 07/08/2015, 14:07 (GMT+7)
.

Nhãn trở thành mặt hàng xuất khẩu tiềm năng

Trên bình diện chung, xuất khẩu (XK) trong nhóm ngành Nông nghiệp có dấu hiệu sụt giảm đáng kể so với những năm trước do chịu không ít khó khăn từ tác động của nhiều yếu tố khác nhau, chủ yếu là từ các thị trường nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố bất lợi cho ngành Nông nghiệp trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung ấy vẫn có một số mặt hàng tạo được những điểm sáng nhất định. Một trong những yếu tố đó chính là XK rau quả nói chung và trái cây nói riêng. Theo thống kê chưa đầy đủ, những tháng đầu năm XK rau quả vẫn tiếp tục đà tăng trưởng.

Là người chuyên nghiên cứu về thị trường XK rau quả, TS. Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) nhận định rằng, trên bình diện tổng thể, XK rau quả Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 tiếp tục có bước tăng trưởng khá ấn tượng, mặc dù có từng thời điểm, XK rau quả sang thị trường chủ lực Trung Quốc bị ùn tắc do sản lượng cung ứng quá nhiều.

Theo số liệu thống kê của TS. Lập, tính đến đầu tháng 6, kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 592 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là XK trái cây đạt 358 triệu USD (chiếm 60% trên tổng giá trị XK rau quả của cả nước). 

Nhãn trở thành mặt hàng XK tiềm năng.
Nhãn trở thành mặt hàng XK tiềm năng.

Trong cơ cấu XK trái cây hiện nay, nhiều loại trái cây tươi có mặt trên địa bàn tỉnh đều nằm trong danh sách nhóm trái cây XK chủ lực và được duy trì nhiều năm qua, với số lượng và giá trị XK mang về tương đối lớn và ngày càng gia tăng. Trong nhóm các chủng loại trái cây tươi XK, sau nhiều năm gặp khó khăn, hiện nay nhãn trở thành mặt hàng XK tiềm năng của Việt Nam.

Các mặt hàng trái cây XK chủ yếu của nước ta thời gian qua là: Thanh long đạt 234 triệu USD (tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2014), nhãn 26,3 triệu USD (tăng 1.002%), măng cụt đạt 23,1 triệu USD (tăng 225%), xoài đạt 17,8 triệu USD (tăng 121%), sầu riêng đạt 5,6 triệu USD (tăng 762%), chôm chôm đạt 3,2 triệu USD (tăng 2,4%) và mít đạt 2,6 triệu USD (tăng 687%).

Ở khía cạnh khác, hầu hết các thị trường XK quan trọng của rau quả Việt Nam đều có mức tăng trưởng khá. Trung Quốc vẫn đứng vững là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam (chiếm 37,6% tổng thị phần XK rau quả Việt Nam). Kim ngạch XK rau quả sang thị trường này thời gian qua đạt 226 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2014.

Các thị trường XK rau quả nhiều là: Nhật Bản đạt 40 triệu USD (tăng 5%), Hàn Quốc là 30,1 triệu USD (tăng 52%), Mỹ đạt 25 triệu USD (tăng 3%). Một số thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam có mức tăng trưởng cao là: Hồng Kông (tăng 198%), Ai Cập (tăng 108%), Ấn Độ (tăng 132%), Anh (tăng 38%), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 895%)…

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung ứng hàng trái cây tươi xuất khẩu cho biết, dù gặp không ít khó khăn chung của thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia nhưng riêng trái cây tươi vẫn còn sức tiêu thụ tương đối lớn.

Nhu cầu tiêu dùng trái cây tươi ở nhiều thị trường chủ lực thời gian qua tăng mạnh, nhiều đơn hàng đã được ký kết với số lượng lớn; trong khi đó chất lượng trái cây tươi cũng được cải thiện đáng kể thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP - là một trong những nguyên nhân chính đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành rau quả XK trong thời gian vừa qua.

Dừa khô giảm giá

Giá dừa khô bán tại vườn hiện nay chỉ dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/chục (12 trái), giảm hơn 50% so với đầu năm. Điều đáng nói là giá dừa giảm sâu nhưng rất khó bán nên người trồng dừa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân được các thương lái đưa ra là thị trường tiêu thụ dừa khô lớn là Trung Quốc đã giảm sút đáng kể trong thời gian qua.

Trong khi đó, dừa khô lột bỏ vỏ hiện được nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa trong tỉnh bán ra chỉ còn ở mức 5.000 đồng/trái (loại 1,1 kg/trái trở lên), cơm dừa mới qua sơ chế có giá khoảng 10.000 đồng/kg, chỉ xơ dừa tươi từ 2.700 - 3.500 đồng/kg.

Với những dấu hiệu tích cực vừa qua, cùng với các thông tin lạc quan về các hiệp định kinh tế mà Việt Nam vừa ký kết, đặc biệt là Hiệp định giữa Việt Nam và EU vừa đạt được, dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.

“Dự báo XK rau quả của nước ta sẽ tăng mạnh vào các tháng tới đây. Đây là cơ hội để gia tăng thị phần rau quả Việt Nam tại các thị trường XK là rất lớn do nhu cầu đang tăng mạnh và hàng loạt trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long bước vào mùa thu hoạch rộ như: Thanh long, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, măng cụt…

Ngoài ra, nhiều chủng loại trái cây như vải, xoài, nhãn, thanh long… của nước ta được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc… mở cửa và cấp phép được nhập khẩu”- TS. Lương Ngọc Trung Lập nhận định.

Dù tăng trưởng ở mức khá ấn tượng, nhưng XK rau quả nói chung và trái cây tươi nói riêng cũng hàm chứa rất nhiều khó khăn và rủi ro.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khó khăn chính hiện nay của XK rau quả là chất lượng không ổn định. Dù thâm nhập thành công vào các thị trường tiêu thụ khó tính nhưng sản lượng XK rau quả hiện nay còn ít, chủ yếu là thăm dò thị trường, chi phí vận chuyển còn cao nên giá bán cao (do chủ yếu XK là trái cây tươi, được vận chuyển bằng máy bay nên đội giá bán lên khá cao) dẫn đến khó cạnh tranh. Ở một khía cạnh khác, trái cây Việt Nam chưa xây dựng thương hiệu tại một số thị trường XK chủ lực cho một số chủng loại trái cây chính.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, điều cần làm hiện nay của nhóm ngành XK rau quả nói chung và trái cây tươi nói riêng là tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho các chủng loại trái cây tiếp theo: Vú sữa, xoài, nhãn, chôm chôm…, cải thiện chuỗi cung ứng XK; doanh nghiệp XK cần liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác trái cây để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh nâng cao chất lượng trái cây thông qua việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; sản xuất rải vụ trái cây để tăng khả năng cạnh tranh với các nước có sản xuất cùng ngành hàng như: Thái Lan, Malaysia, Đài loan (Trung Quốc)… trên thị trường XK; xây dựng thương hiệu một số loại trái cây cho các thị trường XK chính yếu…

THẾ ANH

XK nông - lâm - thủy sản tiếp tục giảm

 

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị XK nông - lâm - thủy sản 7 tháng đầu năm 2015 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Mặt hàng XK giảm mạnh nhất là thủy sản. Giá trị XK mặt hàng này tính chung 7 tháng qua chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17%.

Đáng chú ý, cả 3 thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm rất mạnh. Mặt hàng chủ lực quan trọng nhất là gạo cũng sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị.

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của sự sụt giảm các mặt hàng nông sản chủ lực nói trên là do hạn hán kéo dài khiến miền Trung không thể gieo cấy, sản lượng giảm. Không chỉ vậy, các mặt hàng thủy sản, như tôm, cá da trơn cũng bị dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất và XK...

Ngoài những mặt hàng trên, tín hiệu tích cực đối với XK nông sản là các mặt hàng như: Hạt điều, hạt tiêu, gỗ, sắn đang có đà tăng trưởng khá. Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam, chiếm tới 89,36% thị phần, tăng 53,47% về khối lượng và tăng 46,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

P. A

 

.
.
.