Những "quả ngọt" đầu mùa từ khai thác lợi thế để phát triển
Với những lợi thế vốn có, hơn 1 thập niên qua, Tiền Giang đã có nhiều giải pháp trong khai thác tiềm năng, tận dụng lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo những điểm nhấn chủ đạo trong bức tranh kinh tế, xã hội của tỉnh thời hội nhập và phát triển.
KHỞI SẮC CÔNG NGHIỆP
Theo UBND tỉnh, từ năm 2000 đến nay, kinh tế Tiền Giang phát triển với tốc độ nhanh và bền vững hơn giai đoạn trước; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở khu vực đô thị và nông thôn được nâng cấp và cải thiện đáng kể; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế, xã hội bước sang một giai đoạn mới với chủ trương lớn là tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh và bền vững.
KCN Tân Hương. |
Tình hình thu hút đầu tư có những chuyển biến tích cực. Cụ thể: Trên lĩnh vực công nghiệp, năm 2013 sau khi Thủ tướng đồng ý xóa quy hoạch Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ dầu khí Tiền Giang, tỉnh còn 7 KCN với tổng diện tích 2.080 ha, trong đó có 4 KCN đã và đang triển khai xây dựng hạ tầng với quy mô 1.101,47 ha.
Đến cuối năm 2013, tổng số dự án trong 4 KCN Tân Hương, Mỹ Tho, Long Giang và Dịch vụ dầu khí Soài Rạp là 71 dự án, trong đó có 44 dự án FDI, vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD và 4.056 tỷ đồng. 3 KCN đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư với quy mô 982 ha là KCN Bình Đông, KCN Tân Phước 1 và Tân Phước 2.
Ngoài ra, còn có 4 cụm công nghiệp (CCN) gồm Trung An, Tân Mỹ Chánh, Song Thuận, An Thạnh đang hoạt động với diện tích 108,9 ha, tổng vốn đầu tư 141,82 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013 các CCN này đã thu hút 83 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 1.892,7 tỷ đồng, thu hút 10.960 lao động.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua khá cao, bình quân 15,7% trong giai đoạn 2001 - 2005, 27,8% giai đoạn 2006 - 2010 và 20,15% giai đoạn 2011 - 2013, trong đó ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp khu vực FDI có tốc độ tăng cao nhất. Công nghiệp tăng nhanh đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
DẤU ẤN NÔNG NGHIỆP
Những năm qua, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch đúng hướng. Về lương thực, diện tích trồng lúa giảm từ 251.890 ha năm 2005 xuống còn 244.019 ha năm 2010. Tuy giảm diện tích, nhưng do đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sử dụng giống lúa năng suất cao và chất lượng tốt nên năng suất lúa tăng 0,9%/năm, từ 5,17 tấn/ha năm 2005 lên 5,41 tấn/ha năm 2010. Đến năm 2013 diện tích lúa còn 235.625 ha, năng suất đạt 5,72 tấn/ha, trong đó tham gia xuất khẩu hàng năm khoảng 250 - 300 ngàn tấn gạo các loại.
Nhằm giảm thất thoát sau thu hoạch, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, từ năm 2007 tỉnh đã triển khai đề án cơ giới hóa sản xuất lúa, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã mua máy gặt đập liên hợp.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ sinh học vào việc thanh lọc và phục tráng các giống lúa đặc sản xuất khẩu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng các công cụ sạ hàng kết hợp đồng bộ biện pháp phòng trừ tổng hợp, nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng để quản lý bệnh đốm vằn trên lúa.
Những năm qua, Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội, nhất là lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút phát triển công nghiệp, các KCN, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính. GRDP năm 2013 đạt 58.200 tỷ đồng, tương đương 2,85 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 9%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 11%/năm, bình quân 10 năm (2001 - 2010) tăng 10%/năm. Riêng giai đoạn 2011 - 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,8%/năm, trong đó tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là 12,6%/năm giai đoạn 2001 - 2005, tăng lên 27,8%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và 23%/năm giai đoạn 2011 - 2013. Riêng năm 2013 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 1 tỷ USD, gấp 6,3 lần so với năm 2005 và 1,9 lần so với năm 2010. |
Về cây ăn trái, Tiền Giang đứng đầu khu vực ĐBSCL, diện tích cây ăn trái tăng từ 60.800 ha năm 2005 lên 67.700 ha năm 2010 và đạt 68.700 ha năm 2013. Sản lượng tăng bình quân 6,7%/năm, từ 685.720 tấn năm 2005 tăng lên 976.020 tấn năm 2010 và đạt 1.150.000 tấn năm 2013.
Cơ cấu chủng loại cây ăn trái có chuyển biến tích cực, từng bước hình thành vùng chuyên canh. Các thương hiệu trái cây đặc sản của tỉnh như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp đã có vị trí trên thị trường.
Riêng thủy sản, với việc phát huy lợi thế về sinh thái, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 12.125 ha năm 2005 lên 13.134 ha năm 2010 với sản lượng tăng tương ứng, từ 61.095 tấn năm 2005 lên 120.188 tấn năm 2010.
Đến năm 2013 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.362 ha, đạt sản lượng 136.602 tấn, tăng bình quân 4,4% về sản lượng.
Về khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả của Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng cùng với việc ngư dân đầu tư đổi mới phương tiện phục vụ đánh bắt xa bờ đã góp phần tăng sản lượng khai thác từ 74.950 tấn năm 2005 lên 80.700 tấn năm 2010 và 92.300 tấn năm 2013.
Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản thì đây là mặt hàng chủ lực trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh, kim ngạch hàng thủy sản chế biến xuất khẩu năm 2005 là 47,3 triệu USD, tăng lên 256 triệu USD năm 2010 (tăng bình quân 40,2%/năm), chiếm 44,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2010. Đến năm 2013 đạt 285,6 triệu USD, chiếm 27,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
DUY SƠN (còn tiếp)