Thứ Bảy, 19/09/2015, 06:19 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nhận diện lợi thế để phát triển

Có lịch sử hình thành lâu đời nhất Nam bộ với hơn 300 năm, Tiền Giang được đánh giá là vùng đất năng động, giàu tiềm năng của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có khả năng mở rộng liên kết và phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, khai thác tốt tiềm năng, tận dụng những lợi thế vốn có là thách thức không nhỏ đối với Tiền Giang trên con đường phát triển và hội nhập.

Nguồn nhân lực dồi dào cũng là một lợi thế của Tiền Giang. Ảnh: Sinh viên Trường ĐH Tiền Giang ngày tốt nghiệp.
Nguồn nhân lực dồi dào cũng là một lợi thế của Tiền Giang. Ảnh: Sinh viên Trường ĐH Tiền Giang ngày tốt nghiệp.

Xu thế phát triển chung của khu vực và cả nước đã tạo cho Tiền Giang những cơ hội phát triển. Vì thế, nhận diện lợi thế để biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của mình để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp cho sự phát triển là yếu tố đầu tiên trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong hiện tại và những năm tiếp theo.

Theo các chuyên gia kinh tế, vị trí địa lý là một lợi thế đầu tiên và quan trọng của Tiền Giang; chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 70 km và đó lại là một thị trường tiêu thụ lớn, là trung tâm hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin cho Tiền Giang sẽ cuốn hút Tiền Giang bằng trường lực lớn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Đặc biệt, Tiền Giang nằm trên trục giao thông - kinh tế quan trọng như QL1A, QL 50, QL 60, QL 30, sông Tiền, sông Vàm Cỏ… nhất là tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sau khi hoàn thành đã có tác động mạnh đến sự hợp tác phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa, du lịch của Tiền Giang với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Mặt khác, Tiền Giang ở gần đường hàng hải quốc tế, cách Vũng Tàu 40 km, có lợi thế để trở thành đầu mối khu vực Bắc ĐBSCL về giao thương vận tải biển với cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của cả nước, có những điều kiện tự nhiên sinh thái rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng và vật nuôi khá phong phú với lúa chất lượng cao và những vùng chuyên canh cây ăn trái.

Tiền Giang có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 40% lao động đã qua đào tạo. Ảnh: Thế Anh
Tiền Giang có trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 40% lao động đã qua đào tạo. Ảnh: Thế Anh

Ngoài ra, với hệ thống giao thông thuận lợi, Tiền Giang có điều kiện để phát triển thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm phát triển các loại hình công nghiệp phụ trợ cho vùng… Mở rộng khả năng hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn thuận lợi để giải tỏa mật độ tập trung cao tại khu vực hạt nhân; đồng thời phát huy tác động đô thị hóa và công nghiệp hóa của hạt nhân TP. Hồ Chí Minh sang các tỉnh lân cận phía Bắc ĐBSCL, nhất là khi hành lang kinh tế này phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Đệ, Trưởng Văn phòng đại diện VCCI Tiền Giang:

Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi, đặc biệt gần TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Sản phẩm nông nghiệp có sản lượng xuất khẩu phong phú, đặc biệt như gạo, cá tra, rau quả…

Sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú đặc trưng vùng sông nước Nam bộ. Tiền Giang còn nằm trong khu vực có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện mạnh trong nhiều năm qua và là khu vực năng động, có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến.

Đặc biệt, tỷ lệ thu hút FDI của Tiền Giang cao so với các tỉnh khu vực ĐBSCL trong vài năm gần đây cũng là điều khẳng định cho việc tận dụng lợi thế của Tiền Giang.

Đặc biệt, với điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng các vùng sinh thái, cùng ưu thế hệ thống sông rạch, cù lao trên sông, bờ biển dài 32km, cùng nhiều làng nghề, di tích lịch sử văn hóa… sẽ là lợi thế cho Tiền Giang trong phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia đánh giá cao Tiền Giang, đó là nguồn lao động dồi dào với trên 1 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 40% lao động đã qua đào tạo.

Đặc biệt, còn có các trung tâm nghiên cứu, đào tạo của Trung ương và của tỉnh trên địa bàn như: Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Nghề, Viện Cây ăn quả miền Nam… từ lâu đã đào tạo và cung ứng một lực lượng cán bộ kỹ thuật, quản lý cho tỉnh và khu vực.

Ngoài ra, Tiền Giang được thụ hưởng nhiều “tài nguyên nhân văn” mà không phải tỉnh nào cũng có. Đó là có nhiều di tích nổi tiếng cấp tỉnh và Quốc gia trên địa bàn như: Lăng Trương Định, Đình Long Hưng, Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, Chiến thắng Ấp Bắc… đây sẽ là những địa điểm tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu khai thác tốt.

Ngoài ra, Tiền Giang còn có những tài nguyên phi vật thể khá phong phú, hàng năm có khoảng 17 lễ hội được tổ chức, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia. Nghệ thuật văn hóa truyền thống phong phú với các trò chơi dân gian; các đặc sản văn hóa ẩm thực như hủ tiếu, bánh bèo Mỹ Tho, cá bống dừa, mắm còng, mắm tôm chà, bánh giá… mang đậm nét đặc trưng Tiền Giang. Tất cả đã tạo nên một lợi thế không nhỏ cho vùng đất này trên chặng đường phát triển.

DUY SƠN

(còn tiếp)

Phong phú tài nguyên biển

Là tỉnh cuối nguồn sông Cửu Long, có bờ biển chạy dài, nằm giữa các cửa sông lớn là Soài Rạp (sông Vàm Cỏ) và cửa Tiểu, cửa Đại (sông Tiền) nên Tiền Giang có nguồn thủy sản phong phú. Vùng nước ngọt của các huyện phía Tây thuận lợi cho nuôi tôm càng xanh, nuôi cá trên ao và trên ruộng, nuôi cá bè trên sông Tiền, nếu khai thác tốt có thể đưa diện tích nuôi lên đến 10.000 ha. Vùng ven biển Gò Công có khoảng 7.500 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ với các loài có giá trị cao như nghêu, sò huyết, tôm sú. Tất cả những yếu tố trên đã tạo thuận lợi cho Tiền Giang trong phát triển kinh tế biển.

 

.
.
.