Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:29 (GMT+7)
.

Dự án Ngọt hóa Gò Công "hồi sinh" vùng đất khó Bình Xuân

Hơn 20 năm trước, Bình Xuân (TX. Gò Công) là xã đặc biệt khó khăn, đất đai nhiễm phèn, mặn, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi có Dự án Ngọt hóa Gò Công, Bình Xuân đã vượt qua khó khăn về điều kiện tự nhiên, mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa ăn chắc, phát triển trồng trọt và chăn nuôi, mang lại cuộc sống ấm no cho những nông dân “chịu thương, chịu khó”.

Lúa và mía là 2 cây trồng chủ lực của xã Bình Xuân.
Lúa và mía là 2 cây trồng chủ lực của xã Bình Xuân.

Quá khứ đầy khó khăn

Trước khi có Dự án Ngọt hóa Gò Công, Bình Xuân là một vùng đất bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch, đất đai bị nhiễm phèn, mặn nặng. Thời kỳ này, do ảnh hưởng của nước mặn nên người dân ở đây mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa vào mùa mưa, năng suất chỉ hơn 2 tấn/ha. Cùng với cây lúa thì mía cũng là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã. Diện tích mía được trồng vào khoảng 200 ha. Cùng với đó là việc chăn nuôi tôm, gà, vịt… nhỏ lẻ ở các hộ dân, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Thời gian này, đời sống của người dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn do phần đông hộ dân sống chủ yếu dựa vào cây lúa, thêm vào đó nhiều gia đình lại có đông con. Để có thể trang trải cuộc sống cho gia đình, nhiều người dân đã phải đi làm thuê ở những vùng lân cận đổi lấy “chén cơm, manh áo”. Một số người thì đi “tha phương cầu thực” để mong có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Liêm (86 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bình Xuân) hồi tưởng lại: “Ở đây lúc trước nghèo khổ lắm! Đất đai phèn, mặn, bần, lá rất nhiều, nước ngập nhà ngập cửa. Mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa nên không đủ ăn, phải đi làm thuê khắp nơi, đời sống còn nhiều thiếu thốn”.

Việc đi lại của bà con trong xã gặp rất nhiều khó khăn do đường sá sình lầy, chông chênh, bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch. Một vài tuyến đường thì được trải đá đỏ, số còn lại đều là đường đất. Người dân muốn đi qua sông phải đi bằng đò hoặc những cây “cầu khỉ” được bắt tạm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ngôi nhà được làm bằng lá dừa nước ọp ẹp, bị dột mỗi khi trời mưa.

Các trường học trên địa bàn thì xuống cấp, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều nhà phải chạy ăn từng bữa, thế nên việc học hành của trẻ em ở đây cũng không được chú trọng. Nhiều người chỉ cho con em học hết bậc tiểu học là nghỉ học để phụ giúp gia đình, trông nom em út cho cha mẹ đi làm.

Ông Bùi Văn Dân, nguyên Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước khi thực hiện Dự án ngọt hóa Gò Công, trình độ dân trí trên địa bàn xã còn ở mức thấp, tỷ lệ người tốt nghiệp THCS và THPT ít, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng. Trạm y tế nhỏ hẹp, xuống cấp, cơ sở vật chất phục vụ cho việc khám, chữa bệnh còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh trong nhân dân, chủ yếu là tuyên truyền và phòng bệnh.

Từng bước phát triển

Đến với Bình Xuân vào những tháng cuối năm, trên những cánh đồng lúa đang trổ đòng đòng thoang thoảng hương thơm, không khó để bắt gặp hình ảnh những nông dân đang miệt mài với công việc đồng áng. Sau khi Ngọt hóa Gò Công, Bình Xuân gần như thay da, đổi thịt, từ một vùng đất có điều kiện tự nhiên khó khăn, người dân hàng ngày phải lam lũ với “nắng sớm, đồng trưa”, đã vươn lên có cuộc sống ấm no, khá giả.

Việc đắp đê ngăn mặn đã mang đến những tác động tích cực cho cuộc sống của người dân trong xã. Nếu như trước khi ngọt hóa, mỗi năm nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa, thì ngay sau khi hoàn thành công trình, nước ngọt được dẫn về, vùng đất đầy phèn, mặn đã lập tức chuyển mình. Ngay năm đầu tiên, người dân đã có thể làm lúa từ 2 - 3 vụ.

Hiện tại, cây lúa đã làm được 3 vụ ăn chắc, năng suất bình quân đạt 5,13 tấn/ha. Hiện nay, lúa và mía là 2 cây trồng chủ lực của xã. Tuy nhiên, hiện tại diện tích mía đã giảm (còn 150 ha) do giá trị kinh tế mang lại không cao. Sau ngọt hóa, Bình Xuân còn có thể trồng thêm các loại rau màu, hiện có 62,5 ha.

Ông Lê Văn Thời (64 tuổi, ngụ ấp 7, xã Bình Xuân) nói trong phấn khởi: “Trước khi Nhà nước đắp đê, cuộc sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Còn bây giờ cuộc sống được cải thiện hơn trước rất nhiều, nhà nào lúa gạo cũng dư giả, không còn cảnh thiếu trước, hụt sau như trước”.

Chăn nuôi trên địa bàn xã cũng có bước tiến rõ rệt. Nếu như trước đây việc chăn nuôi còn nhỏ lẻ thì hiện tại chăn nuôi với quy mô lớn hơn, phát triển nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Người dân còn tận dụng nguồn cỏ tự nhiên ở các sông, rạch, nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa để phát triển đàn trâu, bò.

Học sinh ở xã Bình Xuân trên đường đi học về.
Học sinh ở xã Bình Xuân trên đường đi học về.

Đến năm 1995, điện đã được đưa về sử dụng tại xã trong sự phấn khởi và vui mừng của mọi người. Ban đầu tỷ lệ hộ sử dụng điện ở xã còn thấp, dần qua các năm tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng dần. Hiện tại, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn xã là 100%, trong đó số hộ sử dụng điện kế chính đạt 98%. Kể từ khi có điện, mọi sinh hoạt của người dân trở nên thuận lợi hơn, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên nhờ tiếp cận những thiết bị khoa học - kỹ thuật như tivi, tủ lạnh…

Nước sạch cũng bắt đầu được sử dụng tại xã vào năm 1998, đã giải quyết được tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong xã đạt 100%, trong đó số hộ sử dụng nước máy đạt 86%.

Ông Huỳnh Hồng Huệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau ngọt hóa Gò Công, hệ thống đê ngăn mặn và ô đê bao nhanh chóng phát huy tác dụng. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và ổn định, nhà cửa được xây dựng khang trang, đường giao thông thông thoáng, trên 70% các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, không còn cảnh đường sá lầy lội, trơn trợt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Những cây cầu khỉ, cầu cây dần được thay thế bằng cầu bê tông, xây dựng kiên cố. Hiện xã có hơn 70% cây cầu được bê tông hóa. Thu nhập bình quân đầu người trong xã dần được nâng lên”.

Lĩnh vực giáo dục cũng được chính quyền và nhân dân Bình Xuân đặc biệt quan tâm. Các ngôi trường trong xã đã được kiên cố hóa, xây dựng khang trang, đảm bảo yêu cầu dạy và học. Toàn xã có 4 ngôi trường, trong đó có 2 ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia. Hiện xã đang tiến hành xây dựng 1 trường mẫu giáo đạt chuẩn Quốc gia, sau khi hoàn thành sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Lĩnh vực y tế cũng đã có những bước tiến rõ rệt. Trạm y tế xã đã được xây dựng mới khang trang, đạt chuẩn Quốc gia và được đưa vào sử dụng vào tháng 2-2012. Trạm y tế mới đi vào hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong xã, trang thiết bị chuyên môn được đầu tư cùng với đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề và nhiệt huyết. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở xã cũng khá cao, đạt 71%.

Hiện nay, Internet cũng đã có mặt tại xã, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và giải trí của người dân, góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn xã.

Gần 20 năm qua, những con đê đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình, làm hồi sinh vùng đất phèn mặn Bình Xuân, giúp cuộc sống của người dân cần cù “chịu thương, chịu khó” nơi đây ngày càng no ấm. Với việc cây lúa làm được 3 vụ mỗi năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản ngày càng phát triển thì cuộc sống của người dân Bình Xuân từng bước được cải thiện, giúp đẩy lùi nghèo đói. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm qua từng năm. Trong những năm đầu Ngọt hóa Gò Công, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,73%.

Thành công trong công cuộc ngăn chặn sự xâm thực của nước mặn trên vùng đất phèn, mặn gần 20 năm qua đã làm cho kinh tế - xã hội của xã có những chuyển biến tích cực. Từ một vùng đất khô cằn, giờ đây Bình Xuân đã “ hồi sinh”, quanh năm trải dài một màu xanh của lúa, mía...

MINH THÀNH

.
.
.