Thứ Hai, 25/01/2016, 13:40 (GMT+7)
.

Nông dân Bình Phục Nhứt: Kỳ vọng vào vụ rau màu tết

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến tết cổ truyền của dân tộc. Thế nên, những ngày này, nông dân trồng màu ở xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo) đang tất bật chăm sóc những rẫy rau màu để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp đến với kỳ vọng được mùa, được giá. Bà Châu Thị Tám chăm sóc 2 công bông cải trắng. Những năm qua, nông dân xã Bình Phục Nhứt đã nhạy bén thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây màu xuống chân ruộng và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã có 520 ha trồng rau màu các loại, trong đó diện tích trồng hành, hẹ 200 ha; bắp cải, bông cải trắng và ớt 250 ha; còn lại 50 ha là bắp và rau ăn lá. Xã cũng đã thành lập Tổ hợp tác Rau an toàn ở ấp Bình Khương 1, có diện tích hơn 5 ha, với 25 hộ tham gia. Đến thời điểm này, nông dân trong xã đã xuống giống 200 ha rau màu các loại để chuẩn bị cho thị trường tết, trong đó tập trung các loại cây màu chủ lực như: Hẹ, hành với 50 ha; bắp cải và bông cải 50 ha; còn lại là ớt và các loại rau màu khác. Đây là những loại màu có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, nhiều nông dân có kinh nghiệm trồng màu đã biết chọn thời gian gieo trồng để cho thu hoạch đúng vào dịp tết. Ông Nguyễn Văn Trọng, Quản đốc Trung tâm thông tin truyền thông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: So với năm rồi diện tích trồng màu của xã Bình Phục Nhứt tăng khoảng 30%. Giá cả tương đối ổn định, tùy thuộc vào các loại rau màu mà người dân có lãi nhiều hay ít sau khi thu hoạch. Hiện nay, giá ớt có giảm nhưng vẫn còn ở mức 15.000 đồng/kg; trong khi đó giá bắp cải, khổ qua, dưa leo tăng từ 2 - 4% so với năm trước, bắp trái giá từ 2.200 - 2.500 đồng/trái, còn hành và hẹ vẫn giữ giá ổn định từ 10 - 20 ngàn đồng/kg… Năm nào cũng vậy, ông Huỳnh Văn Nhu, ấp Bình Khương 1 đều trồng 4 công đất hẹ và hành để bán vào dịp tết. Ông Nhu cho biết, hiện 2 công hẹ của ông đã thu hoạch được 4 đợt và ông đang tích cực chăm sóc cây hẹ để tiếp tục thu hoạch đợt thứ 5 vào đúng thời điểm 26 - 28 tháng Chạp âm lịch, hy vọng bán với mức giá cao. Cũng nhờ sản xuất rau màu, nhất là vụ rau tết mà gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ông Huỳnh Văn Nhu phấn khởi: “Trồng rẫy không khó, nhưng đòi hỏi người nông dân phải chịu khó chăm sóc, bón phân, tưới nước, phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh… 1 công đất trồng hành, hẹ sau 60 ngày cho thu hoạch trên 2 tấn, trừ chi phí có thể thu lãi 20 triệu đồng”. 2 công đất trồng bông cải trắng xanh mướt, đang nhô những bông đầu tiên của bà Châu Thị Tám, ngụ ấp Bình Khương 1. Bà Tám cũng đang tất bật tưới nước, làm cỏ, theo dõi sâu bệnh thường xuyên trên rẫy bông cải. Bà Tám cho biết: “Chuẩn bị vụ bông cải tết, bà bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 11 âm lịch. Để có được bông cải to, đều thì người trồng phải chú ý tưới nước đầy đủ, bồi liếp đúng định kỳ, bón phân cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây trồng, nhất là thường xuyên theo dõi chặt chẽ các loại sâu, bệnh hại đặc trưng trên bông cải…”. Vụ bông cải tết năm nay, bà Tám dự định thu hoạch vào khoảng 20 tháng Chạp âm lịch, hy vọng thu lãi trên 10 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Nhu đang chăm sóc rẫy hẹ. 4 công đất trồng gừng và 2 công đất trồng hẹ của anh Nguyễn Văn Chí Tâm cũng cho thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Anh Tâm cho biết: Dù giá gừng có giảm hơn so với năm rồi, nhưng vẫn cho thu nhập ổn định. Cũng nhờ vào các vụ rau màu tết, người dân mới có điều kiện mua sắm tết và tích lũy lo cho con ăn học. Từ lâu, việc trồng màu để kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán luôn được nông dân xã Bình Phục Nhứt chú trọng vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao và ổn định. Chính vì thế, vụ màu tết năm nay nhiều hộ dân tập trung đầu tư giống, phân bón, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để mong chờ một vụ màu đạt năng suất cao và bán được giá. P. MAI
.
.
.